Ngày 24/9, Công an TPHCM phối hợp với công an các tỉnh thành khác gửi giấy triệu tập gần 20 giám đốc công ty “dính” Công ty Địa ốc Alibaba để phục vụ công tác điều tra. Trong số này có bà Võ Thị Thanh Mai, là vợ Nguyễn Thái Luyện - Chủ tịch HĐQT Công ty Địa ốc Alibaba và ông Nguyễn Thái Lực, là em ruột của Luyện.
Nhiều lãnh đạo công ty con bị triệu tập
Số người được triệu tập lên làm việc gồm lãnh đạo của Công ty Alibaba, các công ty con và trưởng các văn phòng giao dịch ở TPHCM và các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Thuận. Trong số gần 20 giám đốc các công ty con bị triệu tập có người em khác của Nguyễn Thái Luyện là Nguyễn Thái Lực (20 tuổi). Ông Nguyễn Thái Lực là Giám đốc Công ty Địa ốc Xanh (trụ sở tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) và Công ty Địa ốc Long Thành ALI (trụ sở tại tỉnh Đồng Nai) và bà Võ Thị Thanh Mai (phụ trách pháp lý Alibaba, vợ ông Nguyễn Thái Luyện).
Bà Võ Thị Thanh Mai đóng vai trò giữ tiền của Alibaba, là Giám đốc phụ trách tài chính. Ngoài ra, bà Mai còn đứng tên đại diện pháp luật của 2 công ty con là Alibaba Law Firm và TNHH Xây dựng Maluna. Công ty CP Alibaba Law Firm (trước đây bà Mai đứng tên) đã chuyển giao người đại diện pháp luật là Huỳnh Tú Trinh. Người này đã bị Cơ quan cảnh sát điều tra Công an thị xã Phú Mỹ, Bà Rịa - Vũng Tàu khởi tố, bắt tạm giam vào tháng 6/2019 về hành vi Cố ý làm hư hỏng tại sản khi chỉ đạo nhân viên chống đối trong vụ cưỡng chế của chính quyền đối với dự án “ma” tại xã Tóc Tiên.
Kết quả điều tra cho thấy, các công ty con được ông Luyện chỉ đạo những người thân, nhân viên thân tín lập nên nhằm để giao dịch, ký hợp đồng với khách hàng mua bán đất nền tại các dự án ma. Toàn bộ dòng tiền do khách hàng đóng vào, sử dụng để vận hành tập đoàn kinh doanh bất động sản theo mô hình đa cấp đều được vợ chồng Luyện - Mai và một số người tin cậy, giám sát rất sát sao.
Khả năng thu hồi vốn ra sao?
Nhân viên Công ty Alibaba dọn đồ khỏi trụ sở ngày 23/9. Ảnh: CTV |
Theo thống kê của Phòng CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (PC03) - Công an TPHCM, Công ty Alibaba lừa bán đất cho hơn 6.700 người với số tiền giao dịch hơn 2.500 tỉ đồng.
Trước việc khởi tố Nguyễn Thái Luyện, Nguyễn Thái Lĩnh - những lãnh đạo chủ chốt của Công ty Alibaba, nhiều ý kiến đặt ra là tại sao hình thức kinh doanh được cho là “lừa đảo” kiểu này nhưng tồn tại khá lâu? Luật sư Tạ Thanh Phúc - Trưởng VP Luật sư An Phúc (Đoàn Luật sư TPHCM) chia sẻ: “Phương thức hoạt động của Công ty Alibaba gần giống như mô hình Ponzi. Theo hình thức này, người ta vay tiền của người này để trả nợ người khác, người đi vay đưa ra cam kết sẽ trả lợi tức cao cho người cho vay và quảng cáo với họ về những người đã từng nhận được lợi tức cao trước đây để hấp dẫn người cho vay mới. Bằng hình thức này, người đi vay càng ngày càng vay được những khoản tiền lớn hơn từ nhiều người cho vay mới hơn.
Công ty Alibaba đã quảng cáo, lừa phỉnh rao bán đất nông nghiệp và các dự án ảo thông qua hình thức hợp đồng “hợp tác đầu tư” với khách hàng, về bản chất đây là một giao dịch huy động vốn trả lãi cao nằm ngoài phạm vi quy định của Luật Đất đai, Luật Nhà ở. Tuy nhiên, nhiều khách hàng của công ty vẫn biết việc ký hình thức hợp đồng nêu trên là không đúng quy định của pháp luật nhưng vì lòng tham và ham lời với lãi suất cao nên vẫn ký hợp đồng và lôi kéo nhiều người thân quen của mình tham gia để từ đó tạo cơ hội cho Công ty Alibaba dễ dàng chiếm đoạt tiền của khách hàng”.
Cũng theo Luật sư Tạ Thanh Phúc, người dân khi tham gia trước hết phải tìm hiểu kỹ các quy định pháp luật về mua bán bất động sản, nếu mình không biết thì có thể nhờ các luật sư, chuyên gia về kinh doanh BĐS tư vấn giúp. Ví dụ, pháp luật về kinh doanh BĐS đã quy định rất rõ về điều kiện khi thực hiện việc mở bán dự án phân lô bán nền thì chủ đầu tư phải hoàn thiện cơ sở hạ tầng về hệ thống cấp điện nước… còn đối các dự án mua bán căn hộ thì bắt buộc phải xong phần móng.
Liên quan đến khả năng thu hồi vốn của những khách hàng là nạn nhân của Alibaba, theo luật sư Tạ Thanh Phúc khách hàng cần phối hợp với Cơ quan cảnh sát điều tra làm đơn tố cáo hành vi lừa đảo của các lãnh đạo công ty này, đồng thời cung cấp các tài liệu, chứng cứ như hợp đồng, chứng từ thanh toán, văn bản làm việc... để các cơ quan tố tụng xem xét, giải quyết quyền lợi của mình ngay trong phiên tòa xét xử hình sự đối với các lãnh đạo Công ty Alibaba.