Hơn 15h chiều cùng ngày, chủ tọa phiên tòa Nghiêm Hoài Anh đề nghị 7 bị cáo Trương Quý Dương, Hoàng Đình Khiếu, Hoàng Công Lương, Trần Văn Thắng, Trần Văn Sơn, Đỗ Anh Tuấn, Bùi Mạnh Quốc đứng lên bục khai báo để nghe chủ tọa đọc bản án.
Nội dung bản án nói lại quá trình hình thành Đơn nguyên lọc máu tại BVĐK tỉnh Hòa Bình và sự hợp tác liên danh liên kết giữa bệnh viện với Công ty Cổ phần Dược phẩm Thiên Sơn trong chạy thận nhân tạo.
Bản án đề cập, khi thành lập Đơn nguyên lọc máu, BVĐK tỉnh Hòa Bình không bố trí kỹ sư, kỹ thuật chịu trách nhiệm về chất lượng nguồn nước RO của máy chạy thận…
Nguyên nhân khiến 9 nạn nhân chạy thận tử vong là do tồn dư hóa chất trong hệ thống lọc nước của máy chạy thận.
Theo cáo trạng, bị cáo Hoàng Công Lương (cựu bác sĩ BVĐK tỉnh Hòa Bình), Bùi Mạnh Quốc (cựu Giám đốc Công ty TNHH Xử lý nước Trâm Anh) bị truy tố tội “Vô ý làm chết người” theo quy định tại Khoản 2, Điều 98 – Bộ Luật hình sự năm 1999; bị cáo Trần Văn Sơn (cựu nhân viên Phòng Vật tư trang thiết bị y tế BVĐK tỉnh Hòa Bình;
Trương Quý Dương (cựu Giám đốc BVĐK tỉnh Hòa Bình), Hoàng Đình Khiếu (cựu Phó Giám đốc BVĐK tỉnh Hòa Bình), Trần Văn Thắng (cựu Trưởng phòng Vật tư trang thiết bị y tế BVĐK tỉnh Hòa Bình), Đỗ Anh Tuấn (Giám đốc Công ty Cổ phần Dược phẩm Thiên Sơn) bị truy tố tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại Khoản 2, Điều 285 – Bộ Luật hình sự năm 1999.
Cuối cùng, HĐXX tuyên bị cáo Bùi Mạnh Quốc bị tuyên phạm tội “Vô ý làm chết người” theo Khoản 2, Điều 98 – Bộ Luật hình sự năm 1999 với án phạt 54 tháng tù. Sau sự cố, bị cáo Quốc đã chủ động tác động với gia đình để khắc phục hậu quả, do đó, bị cáo này cũng được áp dụng tình tiết giảm nhẹ theo quy định của pháp luật.
Bị cáo Hoàng Công Lương phạm tội “Vô ý làm chết người” theo Khoản 2, Điều 98 – Bộ Luật hình sự năm 1999 với án phạt 42 tháng tù. Về các tình tiết giảm nhẹ, bị cáo Lương đã tích cực cấp cứu nạn nhân sau sự cố, bố đẻ bị cáo là người có công với cách mạng nên được áp dụng các tình tiết giảm nhẹ theo quy định.
Trần Văn Sơn phạm tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo Khoản 2, Điều 285 Bộ Luật hình sự năm 1999 với án phạt 42 tháng tù. Về tình tiết giảm nhẹ, bị cáo Sơn thành khẩn khai báo, tác động gia đình để khắc phục hậu quả, bố đẻ có nhiều thành tích, do đó cần áp dụng các tình tiết giảm nhẹ theo quy định.
Hoàng Đình Khiếu phạm tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo Khoản 2, Điều 285 Bộ Luật hình sự năm 1999 với án phạt 36 tháng tù. Bị cáo thành khẩn khai báo, là người dân tộc thiểu số, có nhiều thành tích, có ông nội và bố đẻ được tặng huân chương nên được áp dụng tình tiết giảm nhẹ theo quy định của pháp luật.
Trần Văn Thắng phạm tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo Khoản 2, Điều 285 Bộ Luật hình sự năm 1999 với án phạt 36 tháng tù. Bị cáo thành khẩn khai báo, có nhiều thành tích, gia đình có công với cách mạng nên được áp dụng tình tiết giảm nhẹ.
Trương Quý Dương phạm tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo Khoản 2, Điều 285 Bộ Luật hình sự năm 1999 với án phạt 30 tháng tù. Bị cáo thành khẩn khai báo, chỉ đạo cứu chữa bệnh nhân, có nhiều thành tích, gia đình có công với cách mạng nên được áp dụng tình tiết giảm nhẹ theo quy định pháp luật.
Đỗ Anh Tuấn phạm tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo Khoản 2, Điều 285 Bộ Luật hình sự năm 1999 với án phạt 30 tháng tù. Tại tòa, bị cáo đã thành khẩn khai báo, chỉ đạo công ty khắc phục sự cố, gia đình nạn nhân có đề nghị giảm nhẹ hình phạt nên bị cáo được áp dụng tình tiết giảm nhẹ theo quy định.
Đối với bác sĩ Huyền và Linh, HĐXX không đề cập trách nhiệm hình sự do không đủ chuyên môn để ra y lệnh chạy thận, các điều dưỡng khác chỉ làm theo chỉ đạo của người khác nên HĐXX cũng không đề cập đến trách nhiệm hình sự.