Càng thu hút hơn, khi cả 5/7 bị cáo (2 bị cáo còn lại là Giám đốc Công ty Thiên Sơn, Trâm Anh) đang hoặc từng là lãnh đạo, cán bộ của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình đều không ai thừa nhận trách nhiệm phải bảo đảm chất lượng nguồn nước RO trước khi chạy thận, mặc cho các chuyên gia y tế đều khẳng định rằng, công việc này là bắt buộc.
Tất cả những câu trả lời của 5 bị cáo liên quan đến trách nhiệm của mình đều vòng vo, “đá bóng” cho nhau, và “đá”… ra ngoài, đá vào… thinh không. Nhưng, đại diện của cả 2 công ty cũng không thua kém, khi đối đáp căng thẳng quanh chuyện trốn tránh trách nhiệm, không chỉ trách nhiệm pháp lý mà cả trách nhiệm lương tri.
9 người đã chết không thể sống lại. Những mất mát là không thể bù đắp. Nhưng trách nhiệm cần phải được làm rõ. Công lý phải được thực thi. Niềm tin rất nên được bù đắp, dù ít nhiều, để những người bệnh còn có thể an tâm khi đến những cơ sở y tế thăm khám, điều trị, cứu sống tính mạng mình.
Rồi tòa sẽ tuyên án, có thể ở cấp cao hơn sơ thẩm, với những căn cứ pháp lý thuyết phục, xác đáng, không thể chối cãi. Đủ cả lý và tình. Nhưng qua vụ xét xử bác sĩ Hoàng Công Lương, vấn đề “đá bóng”… trách nhiệm một lần nữa lại được hâm nóng. Thực tế, đâu chỉ tại phiên tòa này. Đâu chỉ với các bị cáo có liên quan đến vụ án. Câu chuyện “đá bóng” trách nhiệm ấy khá phổ biến, diễn ra ở mọi nơi, mọi lúc, kể cả trong những giao tiếp, ứng xử đời thường hết sức phổ biến.
Nó khác, thậm chí trái ngược hẳn với việc khi chúng ta ứng xử với quyền lợi, cho dù 2 vế ấy luôn song hành tồn tại. Với quyền lợi, không mấy ai dám từ chối, “đá” nó khỏi tầm khống chế của mình, trái lại đều luôn gắng sức để đòi hỏi được nhận, thậm chí “vơ” lấy về mình. Nhưng, quyền lợi phải được gắn chặt với trách nhiệm, một cách rõ ràng. Vậy, trách nhiệm là gì mà nhiều người sợ hãi, xua đuổi, chạy trốn nó như vậy? Hóa ra, thật ngắn gọn, dễ hiểu thôi, đó chỉ là những điều/việc phải làm, phải gánh vác hoặc phải nhận lấy về mình.
Rõ ràng là thế, vậy mà “quả bóng” trách nhiệm cứ luôn được đá tít mù vòng quanh, đá bật ra càng xa càng tốt, để khỏi liên lụy đến mình. Ở nhiều nơi. Với nhiều người. Mọi lúc. Hóa ra, nhiều khi việc bắt buộc (phải) nhận lấy về mình, dẫu đã rõ ràng mười mươi rồi, vẫn là rất khó khăn, ngay cả khi trách nhiệm lương tri có lên tiếng đi nữa. Muốn cho “quả bóng” trách nhiệm ấy được trao đúng người, đúng vị trí, ngoài tòa án lương tâm, rất cần pháp luật được thượng tôn, để không còn lặp lại dài dài tình trạng trách nhiệm thì “đá”, quyền lợi thì “vơ”…