Sáng 21/1, TAND TP Hòa Bình tiếp tục phiên xử vụ án chạy thận khiến 9 người tử vong ở Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình. Trước đó, vào ngày 18/1, HĐXX đã phải cho tòa dừng sớm khi luật sư Phạm Quang Hưng đề nghị cung cấp "bằng chứng mật" về một vụ đầu độc làm chết người.
Luật sư Phạm Quang Hưng (ngoài cùng bên trái) |
Trong khi đó, VKS đề nghị HĐXX xử lý luật sư Phạm Quang Hưng vì gây ảnh hưởng đến phiên tòa, khiến báo chí hiểu sai về bản chất sự việc. Về phần mình, luật sư Hưng vẫn khẳng định chứng cứ mình đưa ra là mới. Trước đó vào ngày 18/1, luật sư Hưng khẳng định có "bằng chứng mật" về một vụ đầu độc làm chết người và đề nghị chỉ cung cấp riêng cho giám đốc Công an tỉnh, Viện trưởng VKSND tỉnh và Chánh án TAND tỉnh Hoà Bình.
Luật sư Hưng đề nghị HĐXX trả hồ sơ để điều tra bổ sung về các bằng chứng mới. Nhưng đến sáng 21/1, sau hai ngày nghỉ cuối tuần thì HĐXX đã bác đề nghị trả hồ sơ, đồng thời cảnh cáo luật sư Hưng cung cấp chứng cứ phải chính xác, tránh mập mờ đề gây hiểu sai.
Hoàng Công Lương: Bác sĩ nào có chứng chỉ hành nghề đều có thể ra y lệnh chạy thận
Trong phiên xử sáng 21/1, bị cáo Hoàng Công Lương tiếp tục trả lời các câu hỏi của luật sư. Trước câu hỏi: Có khi nào bị cáo ủy quyền cho bác sĩ khác ra y lệnh chạy thận? Hoàng Công Lương đáp: Bị cáo không có quyền làm điều đó. Bác sĩ nào có chứng chỉ hành nghề, làm việc tại khoa hồi sức tích cực đều có thể ra y lệnh lọc máu chạy thận.
Bị cáo Hoàng Công Lương cho biết trong thời gian mình đi vắng, bất kì bác sĩ nào trong khoa cũng có thể ra y lệnh chạy thận. |
Đối đáp các luật sư, bác sĩ Phạm Thị Huyền cho biết: "Khi nào bác sĩ Lương vắng mặt, bác sĩ Lương sẽ giao cho chúng tôi thực hiện y lệnh, việc làm này bằng miệng. Trong thời kỳ làm việc, cũng có thời điểm bác sĩ Lương vắng mặt".
Còn theo bác sĩ Hoàng Công Tình, đơn nguyên thận nhân tạo không có lịch trực và phần lớn thời gian là do bác sĩ Hoàng Công Lương phụ trách.