Vụ bà Phương Hằng bị kiện đòi bồi thường 1.000 tỷ đồng: Con số tuy sốc nhưng… văn minh

GD&TĐ - Cáo buộc bà Nguyễn Phương Hằng (Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đại Nam) livestream có lời lẽ không đúng, xúc phạm danh dự của mình, bà Lê Thị Giàu (Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thực phẩm Bình Tây)

Bà Lê Thị Giàu (trái) và bà Nguyễn Phương Hằng.
Bà Lê Thị Giàu (trái) và bà Nguyễn Phương Hằng.

Cáo buộc bà Nguyễn Phương Hằng (Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đại Nam) livestream có lời lẽ không đúng, xúc phạm danh dự của mình, bà Lê Thị Giàu (Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thực phẩm Bình Tây) nộp đơn khởi kiện, đòi bồi thường 1.000 tỷ đồng.

Nguyên đơn cho rằng bị xúc phạm danh dự và nhân phẩm

TAND Quận 1 (TPHCM) thông tin, cơ quan này đã nhận đơn và thụ lý vụ tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do bà Lê Thị Giàu (Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thực phẩm Bình Tây) kiện bà Nguyễn Phương Hằng (Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đại Nam). Sau khi thụ lý, TAND Quận 1 đã phân công thẩm phán Nguyễn Quang Huynh giải quyết vụ án.

Theo đó, bà Lê Thị Giàu khởi kiện yêu cầu bà Nguyễn Phương Hằng bồi thường tổn thất vật chất và tinh thần, với số tiền 1.000 tỷ đồng; buộc bà Hằng chấm dứt ngay hành vi xúc phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm đối với bà Giàu. Bà Giàu yêu cầu bà Hằng gỡ bỏ nội dung trên YouTube, Vnew24h vào ngày 14/5/2021  nói về mình và công khai xin lỗi, cải chính trên kênh YouTube.

Theo bà Lê Thị Giàu, bà Nguyễn Phương Hằng đã livestream vu khống, xúc phạm danh dự của mình. Trong đơn khởi kiện, bà Giàu cho biết, năm 2017 có quen biết bà Hằng khi đến viếng Phước Sơn thiền viện ở huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai.

Bà Giàu khẳng định, giữa 2 người không có quan hệ làm ăn, không phải bạn bè nhưng thời gian này, bà Hằng thường nhắn tin cho bà Giàu những lời lẽ xúc phạm, mang tính đe dọa. Bà Giàu nhiều lần nhắc nhở và đề nghị bà Hằng dừng ngay những hành động này nhưng bà Hằng không nghe nên đã lập vi bằng về các tin nhắn này.

Bên cạnh đó, theo đơn khởi kiện, bà Giàu cho rằng, bà bất ngờ khi biết được, ngày 14/5, trong buổi livestream, bà Nguyễn Phương Hằng trực tiếp nói chuyện với chủ đề: “Bà Nguyễn Phương Hằng công bố động trời về Lê Thị Giàu và sư thầy Bửu Chánh (chùa Phước Sơn) khiến người nghe bất ngờ”.

Bà Giàu cho rằng, bà Phương Hằng đã xúc phạm danh dự, uy tín mình khi bịa đặt, vu khống bà “ép bức sư Bửu Chánh - trụ trì chùa Phước Sơn trả lại tiền và xe cho bà Hằng”, “thùng tiền công đức của chùa do bà Giàu quản lý”, “bà Giàu là “doanh nhân siêu lừa đảo”, hung dữ, mua tượng Phật và hoa không trả tiền”.

“Đặc biệt đáng quan tâm, bà Hằng xúc phạm uy tín thương hiệu “Mì lá bồ đề”, “Dầu Nhị thiên đường”, “Nước tương” là thương hiệu đểu, chứng nhận giả, các thương hiện này do tôi làm chủ, đang hoạt động sản xuất bình thường” - bà Giàu viết trong đơn khởi kiện.

Yêu cầu bồi thường 1.000 tỷ có khả thi?

“Suốt thời gian qua, bà Hằng xuất hiện liên tục trên các trang mạng xã hội, phát biểu thiếu chuẩn mực, chửi bới tục tĩu, xúc phạm giới văn nghệ sĩ khiến dư luận xã hội bất bình và lên án mạnh mẽ. Hôm nay, tôi là nạn nhân của bà Hằng. Tôi vô cùng bức xúc và phẫn nộ trước hành vi bịa đặt, vu khống, xúc phạm nghiêm trọng đến danh dự, uy tín, nhân phẩm của tôi và thương hiệu sản phẩm của tôi” - bà Giàu viết trong đơn.

Trước đó ngày 31/5, Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) TPHCM, thông tin cho hay, người đại diện của bà Nguyễn Phương Hằng đã làm việc với Sở về những phát ngôn được đăng tải trên tài khoản mạng xã hội Facebook và kênh YouTube, gây ảnh hưởng đến người khác. Theo nhận định của Thanh tra Sở TT&TT TPHCM, những phát ngôn của bà Hằng trong thời gian qua có nội dung không chuẩn mực, phản cảm, gây ảnh hưởng đến trật tự xã hội và các cá nhân khác.

Có nhiều ý băn khoăn trước yêu cầu đòi bà Hằng bồi thường với số tiền lên đến 1.000 tỷ đồng của bà Lê Thị Giàu. Trao đổi với Báo Giáo dục & Thời đại, luật sư Lê Ngọc Luân (Hãng luật Gold Key) cho rằng, bà Giàu đã lựa chọn phương thức ứng xử văn minh đó là nhờ luật pháp can thiệp thay vì dùng mạng xã hội phản công khi thấy mình bị thiệt hại.

“Số tiền yêu cầu bồi thường 1.000 tỷ có căn cứ không và tòa án có chấp thuận không, hồi sau sẽ rõ. Theo thông tin báo chí đưa tin (giả sử là đúng) thì bà Giàu kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại cả về vật chất lẫn tinh thần. Do đó, con số 1.000 tỷ nghe thì “sốc” nhưng ở góc độ luật pháp bà Giàu có quyền kiện. Tòa án có trách nhiệm thụ lý giải quyết”, luật sư Lê Ngọc Luân chia sẻ.

Trong khi đó, ở khía cạnh bồi thường dân sự, TS Bùi Kim Hiếu - Trưởng khoa Luật Trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TPHCM (HUFLIT) cho rằng, nếu bà Giàu chứng minh được bà Hằng thông tin không đúng về mình (sai sự thật) thì về tinh thần, tối đa bà Giàu chỉ được bồi thường 10 tháng lương cơ bản và xin lỗi (tùy từng trường hợp).

Tuy nhiên, nếu bà Giàu chứng minh được hành vi của bà Hằng là vi phạm luật pháp và việc vi phạm luật pháp này là nguyên nhân dẫn đến những thiệt hại vật chất khác thì con số có thể cao hơn 1.000 tỷ (nếu đủ chứng lý chứng minh).

Ngược lại không chứng minh được việc bà Hằng vi phạm pháp luật và vi phạm đó không phải là nguyên nhân dẫn đến bà Giàu bị thiệt hại thì tòa án sẽ bác đơn.

Bênh cạnh đó, luật sư Lê Ngọc Luân (Hãng luật Gold Key) cũng cho rằng, quyền kiện và yêu cầu thế nào chỉ bà Giàu cùng luật sư (nếu có) mới có thể nhận định chính xác được. Tuy nhiên, có thể xem đây là vụ kiện và phán quyết của tòa sẽ tạo tiền lệ cho việc giải quyết những vụ việc tương tự.

Với điều kiện phán quyết của tòa phải khiến các bên tâm phục khẩu phục, dư luận đồng tình, đặc biệt là phần đánh giá về tính pháp lý đối với yêu cầu khởi kiện của bà Giàu.

“Tuy nhiên, dù đang ở thế bị đơn, bà Hằng ngoài việc bị kiện vẫn có quyền phản tố (kiện ngược lại bà Giàu). Đây là quyền và biết đâu sẽ là nước cờ “cao tay” mà bà Hằng và đội ngũ cố vấn pháp lý sẽ dự liệu chăng? Phụ nữ có những bước đi mà có khi cả đời đàn ông không thể lường trước được. Hãy cẩn thận…”, luật sư Lê Ngọc Luân nhận định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ukraine đang giấu mình trong lòng đất

Ukraine đang giấu mình trong lòng đất

GD&TĐ - Báo Tây Ban Nha đưa tin, Ukraine đang tích cực xây dựng mạng lưới nhà máy sản xuất vũ khí ngầm ở trong lòng đất, nhằm tránh đòn tấn công của Nga.