Vụ 256 giáo viên Sóc Sơn có nguy cơ mất việc: Sở Nội vụ Hà Nội nói gì?

GD&TĐ - Trước yêu cầu xét đặc cách tuyển dụng 256 giáo viên hợp đồng của UBND huyện Sóc Sơn, Sở Nội vụ Hà Nội đã làm việc với huyện và cho rằng không thể vận dụng quy định về tuyển dụng đặc cách.

Ông Trần Huy Sáng- Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội
Ông Trần Huy Sáng- Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội

Lý giải về số lượng giáo viên hợp đồng tồn dư lên đến 256 người, bà Trần Thị Toàn- Phó Trưởng phòng Nội vụ huyện Sóc Sơn cho biết: Hiện nay không chỉ Sóc Sơn, ở các quận, huyện khác ở Hà Nội đều có tình trạng này.

Những năm chưa có Luật Viên chức ra đời, thành phố giao chỉ tiêu hợp đồng căn cứ vào nhu cầu, công việc. Hợp đồng này có sự thỏa thuận giữa lao động và chủ sử dụng lao động. Chủ sử dụng lao động có nhu cầu thì vẫn sử dụng.

Ngoài 256 giáo viên này, từ năm 2016 đến nay, huyện cũng hợp đồng 9 tháng với một số giáo viên khác. Toàn bộ số lao động hợp đồng diện 9 tháng của năm trước cơ bản vẫn được sử dụng cho năm vừa rồi.

Bên cạnh đó, đây là năm thứ 4 thành phố Hà Nội phê duyệt kế hoạch tuyển dụng. Sở Nội vụ Hà Nội đề xuất cho thành phố cơ chế đặc thù là dùng biên chế trong chỉ tiêu định mức được giao mà chưa thể bố trí ngay được biên chế.

Trong khi đó, số lớp, số học sinh thì liên tục tăng qua các năm. Ngoài ra, có những người còn nghỉ sinh con, ốm đau hay có những vấn đề về sức khỏe khác.

Nếu thiếu khoảng 3-5 cô thì không để đáp ứng yêu cầu giảng dạy, nên phải có giáo viên hợp đồng. Vì vậy, huyện phải tiếp tục ký hợp đồng lao động nên mới có số giáo viên giảng dạy lâu năm nhưng chưa thi tuyển viên chức.

Trước việc hàng trăm giáo viên hợp đồng đang rất lo lắng trước kì thi tuyển viên chức sắp tới của thành phố, bà Toàn cho rằng, kì thi tuyển viên chức tới đây là cơ hội để các thầy cô tham gia, khi đủ điều kiện tiêu chuẩn sẽ có quyền tham gia tuyển dụng.

Các giáo viên hợp đồng tại huyện Sóc Sơn đang rất lo lắng trước nguy cơ mất việc
Các giáo viên hợp đồng tại huyện Sóc Sơn đang rất lo lắng trước nguy cơ mất việc

Bà Toàn cho biết thêm, huyện Sóc Sơn đã nhiều lần đề nghị với thành phố cần có cơ chế tuyển dụng đặc biệt với những giáo viên này theo điều kiện có từ 5 năm công tác trở lên và có bằng đại học. Sau đó, Sở Nội vụ đã làm việc trực tiếp với huyện và cho rằng không thể vận dụng quy định về tuyển dụng đặc cách.

Ông Trần Huy Sáng- Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội cho biết: Nghị định 161/2018/NĐ-CP của Chính phủ mới có hiệu lực ngày 15/1 và có thể có một số điểm chưa thật phù hợp với thực tiễn.

Trên cơ sở ý kiến của các giáo viên và đề xuất của huyện Sóc Sơn, Sở Nội vụ Hà Nội sẽ có kiến nghị để có kì thi diễn ra theo đúng chỉ đạo của Thành ủy, UBND thành phố, đó là chất lượng hiệu quả, công khai minh bạch và có thể giải quyết được những tồn tại lịch sử đã phát sinh từ trước.

Vào ngày 13/4 tới, Sở Nội vụ Hà Nội sẽ chốt thời gian nhận hồ sơ đăng kí dự thi, phiếu đăng kí dự tuyển công chức, viên chức các cơ sở giáo dục. Như vậy, một cuộc thi tuyển sẽ vẫn diễn ra và không có ưu đãi đối với các giáo viên đã công tác lâu năm..

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lá bài cuối cùng

GD&TĐ - Sau hơn một năm xung đột dữ dội, cả dải đất Gaza gần như đã bị biến thành đống đổ nát và trở thành một cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ.