Giáo viên lo lắng
Đây là thông tin khiến các giáo viên rất lo lắng bởi sau 26 năm cống hiến, gắn bó với ngành, nhiều người có nguy cơ mất việc. Trong 256 giáo viên này, hầu hết đã công tác trong ngành GD huyện Sóc Sơn ít nhất là 5 năm, người nhiều nhất 27 năm.
Cô Lê Thị Thu Nguyệt, giáo viên môn Ngữ văn Trường THCS Minh Phú chia sẻ: “Ngay từ những ngày huyện Sóc Sơn còn thiếu giáo viên, chúng tôi đã nhận dạy hợp đồng. Mặc dù đời sống vật chất và tinh thần gặp nhiều khó khăn nhưng chúng tôi luôn nỗ lực phấn đấu, cống hiến.
Suốt thời gian công tác, chúng tôi đã thể hiện được năng lực chuyên môn của mình. Nhiều thầy cô là giáo viên dạy giỏi cấp huyện, cấp thành phố, là giáo viên mũi nhọn của nhà trường, bồi dưỡng được nhiều học sinh giỏi, được nhận bằng khen, nhận huy chương vì sự nghiệp GD. Nhiều thầy cô giữ vai trò chủ chốt trong các nhà trường.
Tuy nhiên, ngày 7/3 vừa qua, thành phố Hà Nội đã có quyết định phê duyệt chỉ tiêu tuyển viên chức GD thành phố Hà Nội, trong đó có huyện Sóc Sơn. Ngày 14/3/2019, UBND huyện Sóc Sơn tổ chức họp hiệu trưởng các trường trong huyện, và có đề cập đến giáo viên hợp đồng huyện.
Đại diện UBND huyện Sóc Sơn thông tin: “Đối với giáo viên hợp đồng, chúng tôi đã có văn bản đề nghị UBND thành phố Hà Nội xem xét xét tuyển đặc cách viên chức cho các đối tượng này, nhưng thành phố chưa trả lời.
Trước mắt, các đồng chí động viên các thầy cô dạy hợp đồng làm hồ sơ dự thi; chúng tôi sẽ tiếp tục đàm phán với thành phố về việc xét tuyển đặc cách viên chức đối với giáo viên hợp đồng lâu năm”.
Ngay sau đó, UBND huyện Sóc Sơn đã có văn bản thông báo về việc tuyển dụng viên chức giáo dục huyện Sóc Sơn năm 2019. Tại văn bản này có nêu: “Các nhà trường thông báo cho các đối tượng là giáo viên đang dạy hợp đồng tại các đơn vị có trình độ chuyên môn phù hợp với chỉ tiêu tuyển dụng tham gia xét tuyến”.
“Nhận được thông tin này, các giáo viên hợp đồng trong huyện vô cùng lo lắng. Bởi lẽ, theo kế hoạch thi tuyển viên chức GD năm 2019 do UBND TP Hà Nội ban hành không có chế độ nào ưu tiên đối với giáo viên đã hợp đồng lâu năm, như vậy rất thiệt thòi cho chúng tôi” - cô Dương Thị Minh Thanh, giáo viên Trường THCS Hiền Ninh chia sẻ.
Đề xuất xét tuyển đặc biệt cho 256 giáo viên
Trao đổi với Báo GD&TĐ, ông Lê Hữu Mạnh - Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn - cho biết: Những ngày qua, lãnh đạo huyện đã xuống cơ sở, trực tiếp đối thoại để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của các thầy cô. Tuy nhiên, việc giải quyết không thuộc thẩm quyền của huyện.
Trước câu hỏi về việc hướng giải quyết nếu các giáo viên hợp đồng có thể bị mất việc, ông Lê Hữu Mạnh cho biết: Sau đợt tuyển dụng, huyện sẽ xem xét còn vị trí nào thiếu sẽ nhận giáo viên hợp đồng quay lại dạy, nếu họ còn nguyện vọng. Nhưng trường hợp đó xảy ra, việc ký hợp đồng sẽ theo mức mới, không tiếp nối hợp đồng cũ và đương nhiên không duy trì được mức lương mà giáo viên đang nhận.
Ông Lê Hữu Mạnh nói: “Chúng tôi cũng đã đề nghị với thành phố cần có cơ chế tuyển dụng đặc biệt với những giáo viên này theo điều kiện có từ 5 năm công tác trở lên và có bằng đại học.
Nhưng chiếu theo tinh thần của Nghị định 161 của Chính phủ thì không thể xét đặc cách. Về cơ bản, huyện tuân thủ ý kiến chỉ đạo của thành phố và căn cứ vào Nghị định 161/2018/NĐ-CP để triển khai việc tổ chức thi tuyển.
Tại Nghị định trên, không có nội dung hướng dẫn áp dụng đối tượng được ưu tiên tuyển dụng là giáo viên hợp đồng, dù họ đã công tác, đã cống hiến bao nhiêu năm đi chăng nữa.
Lãnh đạo huyện rất thông cảm với những lo lắng của các giáo viên, rất muốn các thầy cô yên tâm, gắn bó với nghề, gắn bó với ngành Giáo dục Sóc Sơn. Huyện đã có Văn bản gửi Sở Nội vụ Hà Nội để đề nghị xét tuyển đặc biệt đối với 256 giáo viên cấp tiểu học và THCS thuộc diện phải thi tuyển viên chức đợt tới”.
Ông Mạnh cho biết thêm: Vào năm 2013, huyện Sóc Sơn đã rà soát và đề xuất xét tuyển đặc cách đối với giáo viên hợp đồng bậc mầm non. Những giáo viên mầm non có thâm niên từ 3 năm trở lên được đặc cách tuyển dụng. Những giáo viên hợp đồng ở các bậc tiểu học, THCS thì chưa giải quyết được, vì thành phố không còn chủ trương xét đặc cách.
Để bảo đảm cho giáo viên hợp đồng ở huyện yên tâm công tác, trong những năm qua, huyện đã hỗ trợ các chế độ như giáo viên biên chế (chỉ không có phụ cấp thâm niên).
Vì không thể cắt hợp đồng với những giáo viên có cống hiến lâu năm, nên huyện đã chọn giải pháp tình thế là “trừ chỉ tiêu”, có nghĩa là không xin hết chỉ tiêu tuyển đủ số giáo viên thiếu, mà cân đối để dành chỗ cho giáo viên hợp đồng đang làm việc.
Dù đã cố gắng hết mức để giải quyết vấn đề giáo viên hợp đồng theo hướng nhân văn, nhưng theo quy định hiện nay không làm được như thế nữa.
Yêu cầu của thành phố trong đợt tuyển dụng giáo viên sắp tới là các quận, huyện, thị xã phải rà soát, nếu thiếu bao nhiêu giáo viên phải thông báo tuyển dụng thông qua thi tuyển, không được “trừ chỉ tiêu” để dành chỗ cho giáo viên hợp đồng như trước.