Vơi và đầy

GD&TĐ - Vơi và đầy là cặp phạm trù dùng để chỉ trạng thái (trước hết của một loại vật chất) có thể đong đếm, mua bán, vay trả được như nước uống, rượu, bia, nước ngọt, nước mắm, thóc, gạo, ngô, đỗ, lạc, vừng…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Nguyên tắc trong mua bán, vay trả là phải đong đầy, đếm đủ. Thế nhưng có người bán đã dùng những mánh khóe gian xảo để đong vơi, đếm thiếu cho khách.

Đong gạo thì đong đấu vơi, cân đỗ, cân đường thì một cân có chín lạng, còn đếm thì theo kiểu “năm nhăm, năm sáu, xê ra cháu, tám sáu, tám bảy…”. Họ tìm mọi cách để làm lợi cho mình, làm thiệt cho người khác.

Vay trả cũng thế. Có những người khi vay thì đòi vay đầy, vay loại tốt, khi trả thì tìm mọi cách để trả vơi hoặc trả loại kém chất lượng.

Những người ấy thì bán cũng chỉ bán được có một lần mà vay thì cũng chỉ vay được có một lần mà thôi.

Sống ở trên đời, con người ta phải ăn ở sao cho đầy đặn, đầy đặn trước hết ở việc bán mua, vay trả.

Có những thứ ta không hỏi vay thế mà bắt buộc ta phải trả cả đời chưa chắc đã trả được. Đó là công ơn của cha mẹ, của thầy cô giáo, của những người đã tự nguyện giúp ta, cứu ta những khi ta yếu đau, hoạn nạn trong đời.

Công ơn ấy ta không bao giờ được quên. Không bao giờ được trả vơi. Không bao giờ được ngừng nghỉ việc trả công ơn ấy.

Có những thứ không phải là nước, không có cái gì đong đếm được, đựng được… nhưng người ta vẫn dùng đến từ vơi đầy.

Một sân đầy nắng/ Một vườn đầy trăng/ Một mặt hồ đầy sao/ Một cánh đồng đầy hoa thơm, cỏ lạ/ Một chân trời đầy nắng gió/ Một con đường đầy những lốt chân của những người anh hùng …

Đầy là biểu hiện của những gì đầy đủ, trọn vẹn. Vơi là biểu hiện của những gì thiếu hụt, hư hao, tổn thất.

Hẳn trên đời này, ai mà chẳng muốn nhận về mình những gì đầy đặn, tốt đẹp và phấn đấu để có được những thứ đó. Chẳng có ai dại dột muốn nhận hụt vơi về mình cả.

Nhưng hỡi ôi! Chẳng có cái gì trên đời này lúc nào và ở đâu cũng được tươi roi rói, thơm phưng phức, sáng ngời ngời, vuông chành chạnh, tròn vành vạnh được. Hoa tươi rồi hoa lại héo. Trăng tròn rồi trăng lại khuyết… Không có cái gì cứ đầy đầy mãi, tròn tròn mãi được.

Bởi thế, ta có cả đời “một nắng hai sương”, “sớm khuya tần tảo”, “ xuống bể lên rừng”, có làm quần quật đến “tróc vẩy sây sườn” hay ta có tài “tế thế kinh bang”, “tung hoành ngang dọc” thì – có thể, có khi – vẫn phải nhận về mình một (hay những) thứ chưa được vuông vức, chưa được tròn trịa, chưa được đầy đặn lắm… Ta phải bằng lòng vậy.

Giời đã ban tặng cho con người ta hai cái túi. Lúc nào và ở đâu, hai cái “túi càn khôn” của ta cũng được đầy là điều không thể. Đã có túi bên phải đầy rồi, thì túi bên trái này ta vui vẻ nhận vơi.

Ở đời, nhận vơi chưa chắc ta đã là dại.

Biết đâu trong quãng đời tương lai của mình, ta sẽ được nhận một tặng vật quý giá nhất (quý giá hơn những gì quý giá trước đây)… thì ta vẫn còn chỗ để mà bỏ vào. Nếu hai túi của ta đầy cả rồi, ta biết bỏ tặng vật quý giá ấy vào đâu?

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

9 cách học làm người con hiếu thuận

9 cách học làm người con hiếu thuận

GD&TĐ - Người ta nói "nhìn cha mẹ sẽ ra con cái, nhìn con cái sẽ biết cha mẹ chúng là ai?”. Trước khi muốn làm cha mẹ tốt hãy học cách làm đứa con tử tế.

Trọng Văn (bên trái) tham gia thắp nến tri ân tại đền thờ liệt sĩ Thị trấn Mỏ Cày (Bến Tre). Ảnh: NVCC

Tuổi trẻ và tháng 7

GD&TĐ - Tháng 7, "thế hệ gen Z" tìm về nguồn cội, bày tỏ lòng tri ân sâu sắc với những người đã ngã xuống vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc...

Buổi nghe kể chuyện về lịch sử của học sinh Trường THCS Vừ A Dính (Tuần Giáo) thông qua những bức ảnh về chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh: Xuân Văn

Thắp sáng truyền thống cách mạng

GD&TĐ - Mỗi dịp Hè, ngành Giáo dục Điện Biên tổ chức nhiều hoạt động thiết thực nhằm thắp sáng truyền thống cách mạng, khơi dậy tinh thần yêu nước...