Ông Luân cho biết, nguyên nhân ban đầu có thể là do quá trình voi mẹ Ba Nang chuyển dạ quá lâu là khoảng 2 ngày.
Trước đó, vào lúc 22h35 đêm ngày 8/10, voi cái Ba Nang (38 tuổi) - voi nhà đầu tiên mang thai sau gần 30 năm - đã chuyển dạ sinh con nhưng chú voi con đã tử vong trước khi được sinh ra. Ông Y Mứ Bkrông đã đặt tên là Pặc On. Voi con được xác định là giống đực, nặng 90kg.
Hiện, chủ voi và Trung tâm Bảo tồn voi đã tiến hành chôn cất chú voi con theo phong tục của người dân nơi đây.
Theo số liệu từ Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk, voi nhà tại Đắk Lắk sụt giảm nghiêm trọng từ 502 con năm 1980 đến nay chỉ còn lại 44 con, trong đó có 19 con voi đã hơn 40 tuổi không còn khả năng sinh sản.
Việc con voi cái Ba Nang mang thai là lần đầu tiên trong khoảng 30 năm trở lại đây khi mà Đắk Lắk không có voi con nào ra đời, nhiều chuyên gia lo ngại loài voi nhà sẽ tuyệt chủng.
Trước tình hình đó, nhằm khuyến khích các chủ voi cho voi sinh sản thay vì phục vụ du lịch, tỉnh Đắk Lắk đã ban hành Nghị quyết về bảo tồn voi với mức hỗ trợ voi sinh sản tổng số tiền khoảng 400 triệu đồng.
Gần đây, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk đã hỗ trợ đợt 1 cho chủ voi H’Ban Nang số tiền 171 triệu đồng.
Việc con voi cái Ba Nang sẽ sinh vào tháng 10 đã được trung tâm lên kết hoạch chi tiết. Một tổ công tác gồm các bác sĩ thú y, nhân viên chăm sóc voi, các nài voi túc trực 24/24h ở gần khu vực H"Ban Nang mang thai để quan sát những sự thay đổi dù nhỏ nhất.
Các chuyên gia đã tiến hành thăm, khám định kỳ và thuê hẳn một con voi cái khác với giá 10 triệu đồng/tháng để làm bảo mẫu cho con voi đang mang thai.
Trong thời gian chờ sinh, voi cái còn được nghỉ dưỡng tại khu rừng nằm cách xa khu dân cư, có khí hậu ôn hòa với những hồ nước mát mẻ.