Tuy nhiên, liệu có trường hợp nào cả cha và mẹ đều không giành được quyền nuôi con không?
Để giải đáp những thắc mắc trên, Luật sư Nguyễn Thị Hồng Vân (Luật Việt Nam) cho biết: Theo quy định tại Điều 81 Luật Hôn nhân và Gia đình, sau khi ly hôn, Tòa án sẽ giao con cho một trong hai bên cha hoặc mẹ nuôi dưỡng theo thỏa thuận của cha, mẹ hoặc không theo thỏa thuận thì căn cứ vào quyền lợi tốt nhất về mọi mặt cho con.
Tuy nhiên, không phải cứ là cha mẹ là sẽ được quyền tuyệt đối trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục con cái. Theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 trong một số trường hợp cụ thể cha hoặc mẹ hoặc cả hai có thể bị tước quyền nuôi con dưới 18 tuổi như:
Cha mẹ bị kết án về tội danh xâm phạm về tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm hoặc danh dự của con với lỗi cố ý hoặc có các hành vi vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trông nom, nuôi dưỡng và giáo dục con cái.
Có hành vi phá tán tài sản của con.
Có lối sống đồi trụy.
Cha mẹ xúi giục, ép buộc con cái làm điều trái pháp luật, trái với đạo đức xã hội.
Tùy vào từng trường hợp khác nhau Tòa án có quyền tự mình hoặc theo yêu cầu của các cá nhân hoặc cơ quan, tổ chức để ra quyết định không cho cha mẹ trông nom, chăm sóc và giáo dục con cái, quản lý tài sản riêng của con hoặc không được phép là người đại diện theo pháp luật của con trong thời gian từ 1 năm đến 5 năm.
Tuy nhiên, tùy vào từng trường hợp mà Tòa án có thể xem xét việc rút ngắn thời gian này.