Bố mẹ tranh quyền nuôi con, cậu bé 13 tuổi nói một lời khiến phiên tòa im bặt

Giữa lúc bố mẹ đang tranh giành quyền nuôi con, cậu bé 13 tuổi, là con cả của vợ chồng Linh đã nói lời xúc động, khiến phiên tòa lặng đi.

“Thương mẹ nên con sẽ về ở với ba”

Từng tham gia nhiều vụ ly hôn đình đám của đại gia và giới nghệ sĩ nhưng luật sư Trương Thị Hòa, đoàn Luật sư TP.HCM cho biết, bà ấn tượng, xúc động hơn cả là khi tham gia những vụ ly hôn của công nhân nghèo.

Luật sư Hòa nhớ lại, nhiều năm trước, vụ ly hôn giữa chị Ngô Thị Linh (SN 1984, ngụ tỉnh Hậu Giang) và anh Huỳnh Hải Long (SN 1981, ngụ cùng địa phương) khiến bà vô cùng xúc động. Sau khi thành vợ thành chồng, Linh và Long rời quê lên TP.HCM làm công nhân.

Vốn cần kiệm lại giỏi thu vén, lương công nhân của hai vợ chồng Long cũng đủ nuôi sống bản thân và 3 đứa con nhỏ. Tuy nhiên, khi cuộc sống gia đình vẫn bấp bênh cùng đồng lương ít ỏi, Long lại thay lòng đổi dạ, học đòi nuôi tình nhân.

Mối quan hệ ngoài luồng của Long bị Linh phát hiện. Sau nhiều lần níu kéo, hàn gắn cuộc hôn nhân đang tan vỡ trong vô vọng, cả hai quyết định ly hôn. Ngày ra tòa, cả 3 đứa con của hai vợ chồng Linh cũng có mặt.

Biết rằng tình yêu thương của cha mẹ dành cho mình sẽ không còn trọn vẹn, 3 đứa trẻ mặt buồn rười rượi, đứng chụm vào nhau trong khuôn viên tòa. Ra tòa, Linh yêu cầu được toàn quyền nuôi 3 con của mình. Phần vì thương con, phần vì Linh sợ cảnh mẹ ghẻ con chồng.

Long không đồng ý với yêu cầu của vợ cũ và cũng muốn được nhận nuôi các bé. Giữa lúc căng thẳng, cậu bé 13 tuổi, là con cả của vợ chồng Linh đã nói lời xúc động, khiến phiên tòa im bặt.

Luật sư Hòa kể: “Cậu bé bước lên và nói: “Con thương mẹ nhưng mẹ con không đủ sức nuôi 3 đứa con nên con sẽ về ở với ba”. Nghe câu nói ấy, tôi rất xúc động”.

Thương hoàn cảnh các bé, luật sư Hòa cố phân tích chuyện thiệt hơn trong việc để Linh nuôi con với Long.

Nghe lời gan ruột của vị luật sư gạo cội, Long khóc nức nở giữa phiên tòa. Anh khóc vì tự tay tước đi hạnh phúc của những đứa con của mình. Sau ít phút không kìm nén được xúc động, Long đồng ý giao hết con cho vợ cũ nuôi và sẽ chu cấp hàng tháng cho các bé.

“Mất con” vì không có nhà

Luật sư Hòa (giữa) trong vụ ly hôn đình đám giữa ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo.
Luật sư Hòa (giữa) trong vụ ly hôn đình đám giữa ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo.

Luật sư Hòa nói, cuộc ly hôn nào cũng khiến bà đau lòng. Cho đến bây giờ, mỗi khi nhắc lại những vụ ly hôn đã tham gia, bà vẫn nhớ mãi ngày bà giúp chị Mai giành lại quyền nuôi con. Với bà, đó là một kỷ niệm đặc biệt bởi kỷ niệm ấy đan xen niềm vui và nỗi buồn.

Thời gian làm công nhân cho một công ty ở TP.HCM, Mai quen biết và yêu thương anh thợ hồ Kiên Minh, 43 tuổi, ngụ tỉnh Kiên Giang. Vượt qua nhiều rào cản, cả hai kết hôn. Sau khi cưới, Minh đưa vợ về Kiên Giang sinh sống để mẹ già bớt cô đơn.

Tuy nhiên, sau khi có con, hai người xảy ra nhiều bất đồng. Càng ngày, mâu thuẫn càng lớn. Đến một ngày, chúng xé toạc cuộc hôn nhân vốn không mấy yên ả của 2 người. Cả hai đưa nhau ra tòa ly dị.

Ra tòa, Mai chỉ yêu cầu được nuôi con. Từ lâu, chị đã xem đứa trẻ là lý do duy nhất để mình tiếp tục cố gắng, bước tiếp trên đường đời. Thế nhưng, lời thỉnh cầu của chị không được tòa chấp thuận. Không giành được quyền nuôi con, Mai đau đớn, tuyệt vọng. Trong nỗ lực cuối cùng, chị tìm đến luật sư Hòa, nhờ bà giúp đỡ.

Luật sư Hòa phân tích: “Tòa tỉnh giải quyết quyền nuôi con cho anh chồng chị Mai là không sai. Bởi, sau ly hôn, Mai phải về TP.HCM vì chị này không có nhà ở quê chồng. Mai cũng không có việc làm. Trong khi đó, con của Mai đang sinh sống ổn định ở quê, chồng Mai có việc làm ổn định”.

Để được vị luật sư gạo cội giúp đỡ, Mai hứa rằng khi được nuôi con, chị phải thường xuyên cho bà nội thăm cháu, cho con qua lại bên nội, không được ngăn cản, xa rời bên nội. Mai cũng lăn lộn vào đời tìm việc làm, chỗ ở ổn định để có thể nuôi con.

Cuối cùng, tình yêu thương bao la của Mai dành cho con cũng chạm đến trái tim luật sư Hòa cũng như các vị quan tòa. Chị giành được quyền nuôi con từ tay chồng. Thế nhưng, ngày Mai vỡ òa hạnh phúc, được ôm con trong lòng cũng chính là lúc luật sư Hòa đau nhói trong tim.

Bà chia sẻ: “Đây là vụ án khiến tôi cảm thấy đau lòng và mãi đến bây giờ vẫn còn cảm giác day dứt. Tôi vui vì đã giúp Mai có được đứa con của mình. Thế nhưng, ngay sau đó, tôi lại thấy thương bà mẹ chồng của Mai. Cụ bà già rồi lại mù lòa, con trai thì theo công trình nay đây mai đó”.

“Cụ có đứa cháu “hủ hỉ” thì sẽ vơi bớt nỗi cô đơn, hiu quạnh. Tôi giúp Mai được nuôi con đồng nghĩa với việc khiến cụ bà mất đi niềm an ủi ấy. Đành rằng vẫn biết cụ bà khó có thể chăm sóc tốt cho đứa bé nhưng sao tôi mãi cảm thấy day dứt”, luật sư Hòa chia sẻ thêm.

Theo vietnamnet.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Bình dân học vụ số

GD&TĐ - Sáng 18/11, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm có cuộc gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam.

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.