Tan tầm, anh hí hửng ra hàng bánh rán gần cổng cơ quan, mua về cho chị 2 cái nhân mặn và 3 cái nhân ngọt.
Với chị, bánh rán là món quà vặt không bao giờ ngán. Nhưng khác với thái độ hí hửng mọi ngày, nhìn túi bánh trên tay anh, chị nhăn mặt: “Ôi giời ơi, anh lại rước về nhà thêm một cái túi nilon nữa hả? Thế này là không được rồi”.
Anh nửa đùa nửa thật: “Gớm, em bắt đầu biết bảo vệ môi trường từ khi nào thế?”. Giọng chị hết sức nghiêm túc: “Anh nghe đây này, từ nay nhà mình phải biết bảo nhau duy trì thói quen sống xanh. Các nhà khoa học đã khẳng định rằng Trái đất đang nóng dần lên, tài nguyên đang cạn kiệt và chất lượng của môi trường đang ngày một xấu đi”.
Anh trợn tròn mắt, người đứng trước anh dường như không còn là cô vợ sáng tối chỉ biết đi chợ, nấu cơm, dọn dẹp nhà cửa, chăm sóc chồng con, mà dường như đã trở thành một nhà nghiên cứu môi trường.
Không để anh kịp mở miệng, chị tiếp tục cất giọng sang sảng: “Anh đừng nghĩ việc bảo vệ môi trường, bảo vệ thiên nhiên là điều gì đó to tát, vĩ mô. Chúng ta có thể bắt đầu bằng những việc rất nhỏ, thay đổi cách sống của mình tại gia đình. Hãy suy nghĩ về những hành động liên quan đến cuộc sống của chúng ta như rác thải, nước, năng lượng, mua sắm, sức khỏe…
Khi chúng ta bắt đầu sống xanh, phần thưởng lớn nhất cho chúng ta là sự hài lòng vì mình đã làm những hành động thiết thực, đóng góp cụ thể để duy trì tương lai cho con cháu. Chúng ta cũng tìm được cho mình niềm tin là các thay đổi nhỏ của mỗi cá nhân có thể gộp lại, thành tác động lớn”.
Chưa hết ngạc nhiên với những phát ngôn của chị, anh lại choáng váng với chiếc thùng to tướng xuất hiện trong nhà: “Cái gì thế này?”. Chị đon đả chạy đến, vừa nói vừa nhanh tay mở nắp thùng, lôi từng thứ ra khoe: “À đấy, anh nhắc em mới nhớ. Hôm nay em vừa order một ít đồ dùng thân thiện với môi trường. Anh xem, em đã mua rất nhiều túi, ống hút bằng giấy để thay thế đồ nhựa. Lần sau, khi mua bánh rán cho em, anh nên mang sẵn một cái túi giấy ở nhà đi, đừng dùng túi nilon của họ. Đây nữa, em mua thêm rất nhiều rổ rá được làm bằng tre…”
Chị chưa nói xong, anh đảo mắt một vòng quanh bếp, hỏi: “Ơ thế đống rổ rá bằng nhựa nhà mình vẫn hay dùng em để đâu rồi?”. Chị hí hửng khoe: “Em vứt đi rồi, không nên tích trữ đồ nhựa trong nhà, độc hại lắm”.
Anh vò đầu, bứt tai: “Ôi, em bình tĩnh nghe anh nói được không? Anh nghĩ em đang mắc phải một sai lầm nghiêm trọng rồi. Thẳng tay vứt bỏ tất cả những đồ dùng nhựa trong nhà để thay thế bằng những vật dụng thân thiện với môi trường không thực sự là điều tốt đâu. Các đồ dùng nhựa như thùng rác, bàn chải, hộp nhựa, bình nhựa,... dù sao chúng ta cũng đã mua rồi thì hoàn toàn có thể tái sử dụng, tại sao em phải vứt đi?
Bản thân đồ nhựa phân hủy rất lâu và có hại cho môi trường nên khi em vứt đi để thay thế cho một đồ dùng khác thì cũng chẳng giúp ích cho môi trường chút nào cả. Nếu đồ nhựa vẫn còn dùng tốt thì không nên vứt nó đi, cố gắng tái sử dụng chúng càng nhiều lần càng tốt. Vì nếu ta biết tái sử dụng đồ nhựa nhiều lần thì việc đó còn tốt hơn việc ta mua các đồ vật thân thiện mà sử dụng phung phí.
Em nghe anh nói đây này, sống xanh đúng cách là hãy mua ít lại, chỉ mua khi thực sự cần thiết. Sống xanh không phải chỉ giảm thiểu nhựa mà giảm thiểu lãng phí, giảm thiểu tất cả các vật dụng thải ra môi trường, tái sử dụng chúng một cách triệt để nhất.
Việc sử dụng các loại túi thân thiện với môi trường sẽ chẳng có ý nghĩa gì nếu như em sử dụng chúng bừa bãi như cách em sử dụng túi nhựa 1 lần”.