Vợ chồng Quyền Linh trả lương cho con làm việc nhà

Lọ Lem và Hạt dẻ dành riêng khoản này để mua sách hoặc sắm đồ mình thích.

Vợ chồng Quyền Linh trả lương cho con làm việc nhà
vo-chong-quyen-linh-day-hai-con-cach-tieu-tien-hop-ly

Bé Hạt dẻ hào hứng khilần đầu tham gia chuyến ngoại khóa do nhà trường tổ chức. Ảnh:Facebook.

- Bận rộn với công việc kinh doanh, chị làm thế nào để chu toàn được mọi việc, từ thu vén nhà cửa đến chăm sóc con cái, và ngày càng trẻ đẹp?

- Bây giờ tôi mới thong thả để lo cho bản thân nhiều hơn. Khi con còn nhỏ, lúc nào tôi cũng phải bám sát chúng và không có thời gian rảnh rỗi như bây giờ. Tôi cầu toàn nên lúc nào cũng lo từng chút như vậy. Ngoài chăm con, thu vén nhà cửa, tôi còn công việc kinh doanh thời trang nên phải cân đối nhiều lắm. Mỗi lần sang Hàn Quốc nhập hàng, tôi gắng lấy nhiều một chút, rút ngắn thời gian ở bên đó để nhanh về với con.

Lúc sinh Lọ Lem và Hạt Dẻ, tôi cũng lớn tuổi rồi. Tôi muốn sinh liền để chăm luôn một thể, để lâu lại "cha già con mọn". Tôi thấy đẻ hai đứa cách nhau hai tuổi như vậy thật tuyệt vời. Độ tuổi chúng gần nhau nên khi chơi chung có sự tương đồng.

Ngày trước tôi nghĩ phải có một trai, một gái mới hay nhưng giờ thấy hai con gái quá là hòa hợp. Càng nuôi các con khôn lớn, tôi càng thấy quan trọng nhất là chúng khỏe mạnh, ngoan ngoãn, còn trai hay gái chỉ là hình thức. Nhiều người khuyên tôi sinh thêm đứa nữa nhưng họ có biết đâu là tôi vô cùng hài lòng với hai cô con gái rồi. Nhìn các con chơi đùa, tôi thấy không có gì phải băn khoăn nữa.

- Hai con gái ở độ tuổi sàn sàn nhau không khỏi có những lúc tranh giành hay ích kỷ. Những khi hai bé có "xô xát" như vậy, anh chị can thiệp như thế nào?

- Hai chị em cũng có lúc tranh giành nhưng dễ thương lắm chứ không quá. Chẳng hạn, tôi hôn Hạt dẻ khi chưa thấy Lọ Lem. Cô chị đứng từ xa liền nhào tới bắt mẹ hôn cho đều. Tất nhiên tôi cũng biết cách làm sao để hai con thấy không có sự thiên vị ở đây. Hai chị ấy cũng tinh ý lắm.

Khi Lọ Lem khoảng 2 tuổi, tôi sinh Hạt dẻ. Tôi cho Lọ Lem bú tới 18 tháng nên con rất quấn mẹ. Thấy tôi ôm Hạt dẻ và cho bé bú lần đầu tiên khi từ bệnh viện về nhà, Lọ Lem vừa bước vào phòng liền chạy xuống cầu thang giậm chân cái thịch. Những ngày tiếp theo, bé không dám lên phòng sau khi đi học về. Tôi biết bé sợ nhìn cảnh mẹ cho Hạt dẻ bú nên gọi con lại cùng chăm em. Dần dần bé mới quen.

Hồi ấy Lọ Lem cũng đủ cung bậc giận hờn kiểu trẻ con. Giờ đã lớn, hai chị lại rất quan tâm nhau khi đứa kia đi vắng. Cô em đi dã ngoại (đi trip) cùng lớp khiến cô chị ở nhà nhớ nhung. Tối qua Lọ Lem còn tâm sự: "Con nhớ em quá, không biết em ở đó có nhớ con không". Khi Lọ Lem đi trip, cô em lưu luyến, nhìn mãi theo xe chị.

Ai cũng nói con thứ hai thường khôn ranh hơn con đầu nhưng riêng Lọ Lem và Hạt dẻ lại đồng đều. Lọ Lem nhanh nhẹn hơn Hạt dẻ nhưng cô em cũng có sự nhạy cảm riêng. Hạt dẻ và Lọ Lem như 49 gặp 50. Tôi thấy may mắn ở chỗ đó. 

vo-chong-quyen-linh-day-hai-con-cach-tieu-tien-hop-ly-1

Hai bé Lọ Lem và Hạt dẻ được cha mẹ dạy cách sống tình cảm, biết sẻ chiatừ khi còn nhỏ. Ảnh:Facebook.

- Chị xử lý ra sao mỗi khi hai bé bướng bỉnh, không nghe lời?

- Tôi theo phương châm nhẹ nhàng. Tuy nhiên, đôi khi bé ham chơi quá, tôi phải cương quyết. Thấy mẹ rắn, hai chị ý thức được nên dừng lại ngay. Bình thường tôi cứ nhẹ nhàng thôi nhưng để mẹ nhắc đến tiếng thứ ba vẫn không nghe là bắt đầu tôi phải nghiêm khắc. Bé rất sợ ba và chỉ cần ba tỏ thái độ là sợ liền. Khi đi ngủ, ba đếm 1, 2, 3 là cả hai nhắm mắt, không dám rục rịch gì hết (cười).

Anh Linh cưng chiều con nhưng tính nóng và cũng nhanh nguội. Ngày nhỏ, Lọ Lem, Hạt dẻ hay khóc nhè, ba nổi nóng là từ đó sợ luôn. Bây giờ muốn xem tivi hay chơi ipad, hai đứa phải xin phép và không dám tự ý. Hai chị ấy hay nói: "Mẹ yêu cho con coi tivi được không?", mẹ nói được là "con cảm ơn mẹ" rồi mới xem. Tôi cũng nóng tính nhưng biết kiềm chế, không chư ba chúng. 

- Điều quan trọng nhất trong cách dạy con cái của anh chị là gì?

- Với vợ chồng tôi, sống tình cảm là điều quan trọng và luôn được đặt lên hàng đầu. Xuất phát từ việc bố mẹ truyền cho con cách sống tình cảm nên hai bé ngoan ngoãn, biết quan tâm tới người xung quanh. Tôi thấy may mắn vì điều này. Trên đường đi học về, gặp người bán vé số ven đường, tôi bảo hai con rằng chúng may mắn hơn các bạn, thế nên phải sống tốt. Lọ Lem nghe mẹ nói vậy liền chắp tay lên trời nói "con cảm ơn ba mẹ" và nước mắt rưng rưng. Hạt dẻ nhỏ hơn, chưa cảm nhận được nhiều nên không có kiểu xúc động như vậy. 

Trước khi đến biếu tiền người già bên đường, tôi hỏi con cần phải làm gì. Lọ Lem nói "con phải đưa hai tay vì mình nhỏ tuổi hơn. Biếu người lớn tuổi phải đưa bằng hai tay, đưa một tay khiến người nhận thấy tủi thân". Mỗi khi dẫn hai con đến gặp các hoàn cảnh khó khăn, tôi cũng nhắc chúng cần cố gắng chia sẻ nhiều. Tôi giúp hai con quan sát, tiếp cận để bé quen dần và lúc nào cũng muốn sống tốt.

- Lọ Lem và Hạt dẻ đều học trong trường quốc tế. Môi trường giáo dục này rèn con tính tự lập ra sao?

- Tôi thấy may mắn khi cho con học trường quốc tế bởi môi trường ở đó thật tuyệt vời, giúp các bé hình thành tính tự lập rất cao. Các con không học gạo, cũng không bị nhồi nhét kiến thức. Chúng được thực hành liên tục và có thể làm được chứ không phải chỉ lý thuyết suông. Con học ở đây không phải đeo trên lưng ba lô nặng, học ít nhưng được nhiều. Ở trường luôn có các hoạt động ngay từ lớp nhỏ để theo sát xem con phát triển tốt mặt nào, từ đó đào tạo và hướng nghiệp.

Lên lớp 2, học sinh sẽ được ở lại trường ngủ một đêm. Số ngày ở lại sẽ kéo dài khi bé lên lớp lớn hơn với mục đích nâng cao tinh thần đồng đội, môi trường sống, đồng thời rèn tính tự lập. Mỗi năm, trường sẽ có nhiều hoạt động và những chuyến đi (trip) gần hay xa tùy từng lứa tuổi, khối học. Những trải nghiệm ở lại trường hay đi ra biển giúp các bé làm tốt môn liên kết. 

Ở nhà, hai bé thích phụ mẹ việc vặt. Tôi cũng dạy thêm những gì hợp với lứa tuổi của con như nhặt cái gì, cắt cái gì hay nấu món đơn giản, chẳng hạn chiên trứng. Tuy nhiên, mọi hoạt động đều phải có sự giám sát của mẹ.

Trường cũng có những lớp học ngoại khóa dạy nấu ăn và các bé về cũng thích thể hiện lắm. Mẹ không nên yêu cầu con ra chỗ khác mà hãy khuyến khích bé cùng làm rồi phân tích chỗ chưa được ra sao. Khi dùng dao, các con phải làm sao để an toàn, sử dụng điện nước thế nào cho tiết kiệm. Ở trường, hai bé cũng được dạy những kỹ năng đó nhưng về nhà thực hành, mẹ vẫn nhắc lại. Lọ Lem và Hạt dẻ rất ý thức được việc tiết kiệm điện, nước.

Ngoài ra, tôi còn phân công hai con gấp chăn màn, tưới cây, rồi trả lương. Số tiền kiếm được hai chị em để dành riêng ra mua sách hoặc những thứ các con thích. Ở tuổi này bắt đầu tập cho hai chị như vậy được rồi. 

- Hai bé thường xuyên tham gia các chuyến đi trip của trường. Sau mỗi trải nghiệm, các con trưởng thành ra sao?

- Hạt dẻ mới đi trip ở biển Long Hải cùng các bạn trong khối. Mỗi chuyến đi như vậy tổ chức cho một khối. Bé rất hào hứng dù lần đầu tham gia. Trước hôm đi, hai mẹ con chuẩn bị từng bộ đồ và những vật dụng cần thiết theo danh sách nhà trường. Bé phải tự để đồ vào vali để tới đó khỏi lúng túng. Tôi cũng dặn con áo dài tay dùng lúc lạnh, khi ra biển thì mặc quần short hay mang loại dép nào. 

Phụ huynh không được gọi cho con khi bé đang tham gia các hoạt động của trường. Trường hợp đặc biệt trường sẽ chủ động thông báo, ngoài ra bé không được mang điện thoại. Thậm chí lớp 5-6 đi trip cũng không được liên lạc về nhà.

Bố mẹ được trường cung cấp đường link để cập nhật tình hình con qua các bức ảnh. Nhiều bạn đi lần đầu tối khóc không ngủ được. Vì vậy, trường không cho học sinh liên hệ với gia đình để rèn cho bé mạnh mẽ hơn. Con có trải qua được khó khăn mới thêm vững vàng. Tất nhiên là những thử thách nào phù hợp chứ đừng may rủi quá. 

Mỗi trải nghiệm đều mang lại những lợi ích cho các con. Lọ Lem hai năm trước tham gia trip giống Hạt dẻ vừa đi. Năm vừa rồi Lọ Lem đi trip Mekong và sắp tới là Hội An. Càng lớp lớn sẽ càng đi xa và dài ngày. Vài ngày thôi nhưng dĩ nhiên có sự thay đổi. Mỗi lần tổ chức đi, nhà trường đặt sự an toàn lên hàng đầu và chuẩn bị kỹ lưỡng khiến phụ huynh rất yên tâm. Trở về từ mỗi chuyến trip xa, chị Lọ Lem vui vẻ kể mọi thứ cho em Hạt dẻ nghe. Lên xe mẹ đón là chị nói chuyên râm ran, sôi nổi khiến cô em háo hức lắm.

vo-chong-quyen-linh-day-hai-con-cach-tieu-tien-hop-ly-2

Trong chuyện giáo dục con cái, Dạ Thảo cho biết chị cũng nóng tính nhưng biết kiềm chế. Ảnh:Facebook.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ