Vợ chồng có nên tranh hơn thua với nhau? Bí quyết hạnh phúc được tiết lộ bởi cặp đôi kết hôn hơn 50 năm

GD&TĐ - Bí quyết giữ gia đình hạnh phúc là “Vợ chồng không nên tranh hơn thua với nhau giành phần phải về mình, khi cưới các cặp đôi đều trao nhẫn cho nhau thì nhẫn có ý nghĩa gì? Đó có lẽ là cần nhẫn nhịn, cố giữ gìn”.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Và từ ngàn đời ông cha ta đã lưu lại câu cho hậu thế chồng nóng thì vợ bớt lời, cơm sôi nhỏ lửa không đời nào khê” về cuộc sống hôn nhân chồng vợ, đến nay nó vẫn còn nguyên giá trị!

Trong đời sống hôn nhân, vợ chồng bất hòa, lời qua tiếng lại, giận hờn là chuyện thường tình xảy ra. Nguyên nhân đến từ sự kết hợp giữa hai con người, giữa hai khối óc, và giữa hai trái tim. Nếu có những đồng cảm, thì cũng có những bất đồng. Nếu có những hiểu nhau, thì cũng có những lúc vợ chồng hiểu lầm nhau. Nhưng câu hỏi mà rất ít người muốn nghĩ tới mỗi khi có chuyện xảy  ra đưa đến tranh cãi, đó là “thắng hay thua ta được gì trong khi đã là vợ chồng?”

Trong xã hội ngày nay, người ta thường cho rằng những người không biết tranh giành lợi ích, địa vị, tiền tài vật chất thì là người ngốc, si đần… Nhưng người xưa tin rằng, những thứ mà con người đạt được trong đời này là do phúc báo của họ mà có, tranh giành chỉ làm tổn hại đến người khác và tổn đức của bản thân mà thôi. Một khi tấm lòng rộng mở hơn thì bạn bè phú quý cũng sẽ nhiều hơn, bớt hơn thua để hạnh phúc đến gần ta hơn.

Con người ta một khi sống mà ánh mắt luôn nhìn chằm chằm vào người khác, luôn muốn hơn thua với người khác thì sống sẽ rất mệt mỏi! Sống trên đời, đừng nghĩ rằng mọi việc phải mang ra tranh đua cao thấp! Có một số thứ trong đời không phải là tranh mà có được, mà được cũng chưa hẳn là vui. Người khác có sự huy hoàng của họ, bạn cũng có sự tốt đẹp, sáng lạn của mình…

Cố gắng giành phần thắng cho mình đó là một trong những yếu tố khiến cho rất nhiều cuộc tranh cãi khởi đi từ những chuyện nhỏ mọn, không đâu nhưng cuối cùng đã dẫn đến những hậu quả thật tồi tệ: Vợ chồng bất hòa, giận hờn, có khi trở thành thù ghét nhau.

Vì một khi cái tôi của mình bị xúc phạm, thì không ai muốn nhường nhịn, và không ai muốn mình bị coi thường, bị chà đạp. Cái tôi lúc đó cần được bảo vệ bằng bất cứ giá nào để nó không thể bị thua kém ai, mặc dù trên thực tế lúc bình thường cái tôi đó không là gì. Từ ngữ thông thường gọi là khi “tự ái bị va chạm!”.

Ảnh minh họa

Để dành cho được phần thắng, để ăn thua đủ với nhau bước đầu tiên là vận động tư tưởng, ngôn ngữ và cách diễn tả cốt sao trấn át được, đè bẹp được đối phương. Vợ chồng không ai nghe ai mà chỉ có người nói. Lúc đầu chỉ là lời qua tiếng lại nhỏ đủ hai người nghe, nhưng lời qua tiếng lại từ  nhỏ đến to, lấn át tiếng nói của nhau.

Khi lời nói bắt đầu vượt tầm kiểm soát của lý trí, cũng là lúc nói cho thỏa những gì đang nung nấu trong tâm hồn, mà không cần biết người mình đang nói với ai, có hiểu và đón nhận những tiếng nói, những gì mình muốn diễn tả hay không. Những lời mình nói đối phương có bị tổn thương?

Kinh nghiệm thường ngày khi đối diện với những trường hợp vợ chồng tranh cãi nhau, thường là cả hai đều muốn dành phần thắng về mình. Cho mình là đúng, là phải và người chồng hay người vợ là sai, là trái. Cũng có những trường hợp mặc dù biết là mình sai, nhưng do tự ái, không muốn mất mặt với chồng hoặc vợ nên vẫn cố gắng ngụy biện những lý lẽ để được phần thắng. Những trường hợp như vậy gọi là “cãi cối”, là “ngang”, là “gàn”.

Vậy rốt cuộc vợ chồng với nhau cãi hơn thua nhau để làm gì? Các vấn đề có thể chia sẻ với nhau nhẹ nhàng chỉ cho nhau những điều hay lẽ phải có hơn không?

Trong đời sống thường ngày vợ chồng rất khó tránh khỏi những va chạm, hiểu lầm có khả năng đưa tới tranh cãi, hoặc lớn tiếng. Và cũng trong đời thường, ít cặp vợ chồng nào lại có thể luôn luôn hòa hợp, luôn luôn làm hài lòng nhau, nhất là không bao giờ có những bất hòa ít là trong cung cách sống và trong lời nói.

Tuy nhiên, sự trưởng thành tâm lý cũng cho biết rằng, con người vẫn có thể tránh được hay giảm thiểu những bất đồng trong đời sống vợ chồng khi tự làm chủ được mình, làm chủ được những gì đang xảy ra quanh mình.

Có nhiều trường hợp sau những tranh cãi, giận hờn thì cả hai mới nhận ra nguyên nhân chính của cuộc tranh cãi ấy chỉ là một sự hiểu lầm, điều mà cả hai có thể tránh được nếu như chỉ một trong hai người biết bình tĩnh và tự chủ. Napoléon đã nói một câu rất chí lý về tinh thần tự chủ, kiểm soát bản thân: “Thắng một vạn quân không bằng thắng chính mình”.

Hãy thay thế thời gian cãi vã bằng những giây phút vợ chồng tâm sự và chia sẻ chân tình. Hãy thay thế sự nóng giận, bực tức bằng thái độ bình tĩnh, tự chủ, vì: “Giận mất khôn!” Và hãy dùng những lời lẽ âu yếm, tích cực để nói với nhau như đã từng nói lúc vợ chồng hòa thuận, cảm thông thay vì những lời cay đắng làm chua xót lòng nhau.  Người xưa thật chí lý khi nói: “Một điều nhịn chín điều lành lành!”, bạn hãy cứ thử Nhẫn xem sao!

Theo phunugiadinh/dkn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ