Cổ phiếu thép - phân bón đỡ thị trường
Kết thúc phiên giao dịch đầu tiên sau kỳ nghỉ lễ 2/9, thị trường ghi nhận xu hướng tăng giá của nhóm cổ phiếu ngành phân bón, thép. Tuy nhiên, vốn hóa nhóm này chưa đủ mạnh để giúp VN–Index lấy lại sắc xanh.
Ở nhóm ngành phân bón – hóa chất: Mã cổ phiếu DPM của Đạm Phú Mỹ và DCM của Đạm Cà Mau tiếp tục trở thành tâm điểm khi đạt mức tăng trên 2%. Thậm chí, có thời điểm, nhóm cổ phiếu này đạt mức tăng trên 4%.
Nhóm cổ phiếu hóa chất liên quan đến tỷ phú Đào Hữu Huyền là DGC và PAT cũng có mức tăng trên 2% điểm giá trị.
Ngoài ra, các mã cổ phiếu BFC của phân bón Bình Điền và LAS của Hóa chất Lâm Thao cũng được dự báo tích cực khi hưởng lợi từ xu thế chung của thị trường.
Nhóm cổ phiếu thép có phiên giao dịch bùng nổ khi NKG của Thép Nam Kim và HSG của Tôn Hoa Sen đạt mức tăng hết biên độ trên sàn Hose.
Cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát và TVN của Công ty Thép Việt Nam cũng đạt mức tăng trưởng gần hết biên độ trên sàn Hose.
Nhóm dầu khí có sự phân hóa khi lực mua chủ yếu được tập trung ở các mã PVS, PVD, PVC, BSR với mức tăng từ 2 – 3%. Trong khi lực bán mạnh lại áp đảo ở các mã PVG, GAS, POW…
Nhóm cổ phiếu chứng khoán cũng có diễn biến tương tự nhóm dầu khí.
Ở phiên giao dịch 4/9, nhóm cổ phiếu ngân hàng bị bán mạnh. Lực bán lan tỏa ở hầu khắp nhóm ngân hàng. Chỉ có mã NVB và PGB đạt mức tăng trưởng lần lượt là 7,56% (trên sàn HNX) và 3,62% (trên sàn UpCom).
Đáng chú ý, nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn VN30 chỉ có 9/30 mã đạt sắc xanh, trong khi 18 mã giảm điểm.
Ông Nguyễn Mạnh Thiệp, Công ty Cổ phần Chứng khoán VPS cho rằng, diễn biến phiên giao dịch gần đây cho thấy, nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn có sự phân hóa trong bối cảnh thanh khoản giảm nhẹ ở mức trung bình 20 phiên.
Điều này cho thấy sự giằng co giữa bên mua và bên bán, tâm lý thận trọng của nhà đầu tư. Do đó, khả năng thị trường sẽ cần tích lũy thêm trước khi chinh phục ngưỡng 1.300 điểm.
Ngành phân bón được hưởng lợi từ tình hình quốc tế
Kết thúc phiên giao dịch 5/9, Vn–Index giảm về mức 1.277 điểm (giảm 3,16 điểm so với phiên trước). Thanh khoản trên sàn HSX (đại điện cho VN–Index) đạt 13.400 tỷ. Tổng 3 sàn HSX, HNX và UpCom đạt trên 14.800 tỷ đồng với việc bên bán chiếm ưu thế.
Kết phiên VN–Index có 398 mã cổ phiếu tăng điểm, tập trung chủ yếu trên 2 sàn UpCom và HSX.
Đáng chú ý, 5/9 đánh dấu 9/10 phiên giao dịch gần nhất nhóm đầu tư nước ngoài bán ròng trên VN–Index. Giá trị bán ròng đạt 1.130 tỷ đồng, tập trung ở các mã NVL – 225 tỷ, VCB, SSI bán trên 30 tỷ, BVH, MIG, PHR bán trên 20 tỷ…
Nhóm tự doanh trong nước cũng có 5/10 phiên gần nhất bán ròng, tập trung chủ yếu ở các mã SAB – 27 tỷ, NVL – 18 tỷ, DPM, IJC, VHC… bán ròng trên 10 tỷ…
VN–Index giảm điểm trong bối cảnh chỉ số Dow Jones Industrial Average tại châu Mỹ giảm 337 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 154 điểm và S&P 500 giảm 42 điểm.
Tại châu Âu, chỉ số FTSE 100 cũng giảm 82 điểm, trong khi Dax Performance giảm 401 điểm. Và tại châu Á, chỉ số Nikkei 225 cũng giảm trên 31 điểm. Hangseng Index giảm 226 điểm.
Theo Báo cáo phân tích triển vọng ngành phân bón của Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI, nhóm ngành phân bón sẽ chịu ảnh hưởng từ lệnh cấm xuất khẩu ure từ Trung Quốc đến nay vẫn chưa có dấu hiệu được gỡ bỏ. Điều này khiến giá ure liên tục tăng và đang neo ở mức cao.
Ngoài ra, nước xuất khẩu chiếm tỷ trọng phân bón nhiều nhất thế giới là Nga tiếp tục áp dụng hạn ngạch xuất khẩu phân bón ở mức 8,3 triệu tấn đến hết tháng 12/2022 sẽ khiến cho giá phân bón chưa thể giảm sâu.
Cũng theo Báo cáo của SSI, với việc giá ure đang có dấu hiệu hồi phục trở lại, lợi nhuận của các công ty thuộc nhóm ngành này cũng khả quan hơn. SSI ước tính, DPM của Đạm Phú Mỹ sẽ đạt mức tăng về lợi nhuận khoảng 43% so với cùng kỳ 2021, mã DCM của Đạm Cà Mau dự tính đạt mức tăng 34% lợi nhuận so với cùng kỳ 2021. Tuy nhiên, lợi nhuận có thể giảm vào quý IV/2022 do mức giá cơ sở cao.
Nhiều chuyên gia cho rằng, xung đột quốc tế có thể ảnh hưởng mạnh mẽ đến giá phân bón. Cụ thể, đó là nguyên liệu sản xuất một số loại phân bón được cung cấp bởi ngành dầu mỏ. Xung đột quốc tế khiến giá dầu tăng cao, nguồn cung nguyên liệu để tổng hợp sản xuất phân bón như Kali Clorua K2O, Sunphat, Kali Cacbonat, Mono Amon Photphat P2O… bị gián đoạn, dẫn đến không đủ nguyên liệu sản xuất.
Ngoài ra, mặc dù quý III hàng năm là thời kỳ thấp điểm của phân bón tại nhiều quốc gia. Tuy nhiên, hiện đã xuất hiện tình trạng tranh mua giữa các quốc gia nhằm tăng dự trữ phân bón, bảo đảm an ninh lương thực cũng khiến cho nguồn cung khan hiếm.
Ngoài nhóm ngành phân bón – hóa chất, nhiều chuyên gia cho rằng, nhóm cổ phiếu thép, dầu khí và xuất khẩu cũng là bên hưởng lợi ở giai đoạn cuối năm do kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam đến Mỹ và các nước châu Âu tiếp tục tăng, nhu cầu xây dựng cuối năm tạo thêm nhu cầu cho ngành thép và xung đột giá dầu thế giới có thể kéo dài.