Vn-Index điều chỉnh khi chạm ngưỡng 1.300 điểm

GD&TĐ -Nhiều chuyên gia cho rằng, Vn-Index điều chỉnh ở ngưỡng kháng cự 1.300 điểm là điều cần thiết nhằm tích lũy để có thêm sức bật ở nhịp hồi tiếp theo…

Thanh khoản Vn-Index tăng cao trong khi thị trường giảm điểm trong phiên giao dịch 29/8.
Thanh khoản Vn-Index tăng cao trong khi thị trường giảm điểm trong phiên giao dịch 29/8.

Lực cầu cao nhất trong vòng 4 tháng

Mặc dù giảm điểm, nhưng lực cầu cao nhất trong vòng 4 tháng giúp Vn-Index lấy hồi phục trong cuối phiên giao dịch 29/8. Theo đó, Vn-Index giảm 11,77 điểm so với phiên trước, tương đương 0,92% giá trị và trở về mốc 1.270 điểm. Thanh khoản thị trường đạt mức 23.100 tỷ đồng (cộng trên 3 sàn HSX, HNX và UpCom). Đây là mức thanh khoản cao nhất trong khoảng 4 tháng trở lại đây.

Theo lịch sử giá, thanh khoản ở mức 23.000 tỷ gần nhất của Vn-Index là ngày 22/4/2022, sau đó thanh khoản giảm mạnh, có lúc chỉ còn trên 11.000 tỷ đồng. Diễn biến phiên giao dịch ngày 29/8 có nhiều cảm xúc khi buổi sáng thị trường rơi mạnh, có lúc Vn-Index mất đến 30 điểm.

Nhà đầu tư Lê Xuân Thái, Nam Từ Liêm, Hà Nội, cho rằng: Khi thị trường rung lắc, tâm lý của nhiều nhà đầu tư bị ảnh hưởng, dẫn đến hiện tượng đua nhau bán, tạo thêm áp lực cho thị trường. Tuy nhiên, khi thấy lực cầu quay trở lại, nhiều nhà đầu tư cũng quay lại bắt đáy giúp thị trường lấy lại 20 điểm quý giá.

Dòng phân bón, hóa chất và dầu khí là hai ngôi sao sáng nhất trên thị trường chứng khoán ngày 29/8. Dòng dầu khí có nhiều mã tăng mạnh. Thậm chí có mã như PVC, PVD tăng hết biên độ. Các mã khác như PVS, BVB, BSR, PVG, GAS, OIL cũng đạt sắc xanh mới mức tăng từ 1,50% đến gần 8% (trên sàn HNX).

Dòng phân bón, hóa chất cũng thể hiện sức mạnh khi đạt sắc xanh ngay từ phiên sáng. Trong lúc cả thị trường đỏ lừa thì nhiều mã phân bón đồng loạt tăng, như DCM, DPM, LAS, DGC, BFC… tăng mạnh, và DCM tăng hết biên độ, DPM cũng đạt 6,80% tăng gần hết biên độ.

Ngày 29/8 cũng đánh dấu phiên thứ 2 liên tiếp nhóm đầu tư nước ngoài bán ròng trên thị trường chứng khoán. Giá trị bán ròng đạt 1.023,3 tỷ đồng, trong khi mua vào chỉ 652,2 tỷ đồng.

Nhóm cổ phiếu bị nước ngoài bán ròng mạnh nhất phải kể đến TLG – 101 tỷ, DGC – 53 tỷ, HPG – 33 tỷ, VIC – 28 tỷ. Nhóm cổ phiếu được nước ngoài mua vào gồm DXG – 26 tỷ, MSN – 21 tỷ, PVT – 16 tỷ, VHM – 18 tỷ, SSI – 13 tỷ. Tự doanh trong nước cũng có hành động đồng pha với nhóm đầu tư nước ngoài khi có 4 phiên bán ròng liên tiếp.

Nhóm tự doanh bán ròng ngày 29/8 nhiều nhất là MWG – 28 tỷ, FPT – 15 tỷ, MBB – 10 tỷ, STB – 9 tỷ, ACB – 7 tỷ. Trong khi đó, cổ phiếu NLG, HSG, DBC được tự doanh mua vào nhiều nhất với giá trị lần lượt là 17, 2,1 và 1,3 tỷ đồng. Nhóm cổ phiếu thuộc hệ sinh thái FLC liên quan ông Trịnh Văn Quyết tiếp tục trắng bên mua như FLC, AMD, HAI.

Thanh khoản trong nước có dấu hiệu tốt lên trong bối cảnh thị trường chứng khoán thế giới gặp nhiều biến động. Chỉ số Dow Jones Industrial Average mất tới hơn 1.000 điểm trong đêm giao dịch thứ 6, ngày 26/8 theo giờ Việt Nam. Chỉ số FTSE 100 của châu Âu cũng bốc hơi 52,43 điểm và chỉ số Nikkei 225 tại thị trường Nhật Bản cũng bốc hơi tới trên 726 điểm.

Vn-Index điều chỉnh nằm trong dự báo của chuyên gia. Trước khi Vn-Index tiến sát vùng kháng cự 1.300 điểm, nhiều chuyên gia đã đưa ra dự báo về việc sẽ có điều chỉnh xung quanh vùng này. Lý do là vì tâm lý chốt lời của nhà đầu tư đã mua được cổ phiếu chiết khấu tương đối tốt ở vùng giá thấp, khi Vn-Index tiến sát 1.300 sẽ tạo tâm lý chốt lời ngắn hạn là điều đương nhiên.

Khả năng, thị trường sẽ tiếp tục có sự giằng co quanh mốc 1.300 điểm trước khi thể hiện rõ xu thế có bứt phá khỏi vùng kháng cự cứng này hay không. Trong trường hợp Vn-Index vượt ngưỡng 1.300 điểm thì trước mắt sẽ là khu vực 1.500 điểm – mức cao kỷ lục trong lịch sử thị trường chứng khoán Việt Nam được thiết lập vào cuối năm 2021.

Ông Vũ Mạnh Thiệp, Broker Công ty Cổ phần Chứng khoán VPS, nhận định: Lạm phát đang có dấu hiệu quay trở lại khi mà tình trạng hạn hán, nắng nóng kỉ lục trên toàn cầu đang diễn ra khiến cho tình trạng thiếu lương thực thực phẩm, thiếu điện ngày càng nghiêm trọng. Ngoài ra, việc Trung Quốc theo đuổi chính sách zero Covid và cuộc chiến Nga - Ukraine dự kiến vẫn sẽ tiếp tục kéo dài với việc Tổng thống Nga mới ký thêm sắc lệnh tăng thêm quân. Như vậy, bài toán thiếu cung và đứt gãy chuỗi cung ứng sẽ khó giải quyết trong ngắn hạn.

Về các cổ phiếu có xu hướng tốt, ông Thiệp cho rằng, đó là mảng lương thực – thực phẩm như: PAN, TAR, LTG, NAF, DBC... Mảng thủy sản: VHC, ANV. Mảng điện: REE, NT2, VSH, GEX, GEG, PC1... Mảng dầu khí: BSR, GAS, PVS, PVD, OIL, PVT… mảng phân bón – hóa chất: DPM, DCM, DGC…

Ngoài ra còn một số cổ phiếu được hưởng lợi từ đầu tư công khi Nhà nước đang cố gắng đẩy nhanh giải ngân để thúc đẩy hồi phục kinh tế. Về việc giải ngân nguồn tiền, ông Thiệp cho rằng, nhà đầu tư có thể xem xét giải ngân ở một số dòng cổ phiếu tốt trong ngắn hạn.

Nhà đầu tư Nguyễn Văn Thắng, Nam Từ Liêm, Hà Nội, đánh giá: Việc Vn-Index điều chỉnh đã được giới đầu tư lường trước. Tuy nhiên, khi giá giảm cũng là lúc cổ phiếu được chiết khấu, tăng sức hấp dẫn cho thị trường và trở thành động lực thúc đẩy toàn thị trường tiến lên – phiên giao dịch 29/8 chính là ví dụ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.