Vn-Index thử thách mốc 1.300 điểm, 'họ' cổ phiếu FLC tiếp tục 'nằm sàn'

GD&TĐ -Từ 11/7 đến nay, chỉ số Vn-Index đã có đà hồi phục khi tăng trên 12% và tiến sát mốc kháng cự 1.300 điểm.

Vn-Index tăng trưởng tích cực trong phiên giao dịch 25/8.
Vn-Index tăng trưởng tích cực trong phiên giao dịch 25/8.

Đà tăng điểm lan tỏa

Kết phiên giao dịch 25/8, Vn-Index đạt mốc 1.288 điểm, qua đó tiến sát ngưỡng kháng cự 1.300 điểm được thiết lập hồi đầu tháng 6/2022.

Điểm tích cực của phiên giao dịch này đó là sắc xanh lan tỏa toàn thị trường với 486 mã cổ phiếu tăng điểm.

Thanh khoản thị trường ở mức tốt khi sàn HSX đạt 15.400 nghìn tỷ đồng, sàn HNX đạt 1.700 nghìn tỷ đồng và sàn UpCom đạt gần 1.000 tỷ đồng. Qua đó, đưa tổng giá trị giao dịch toàn thị trường đạt 17.200 tỷ đồng.

Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn nằm trong rổ VN30 cũng có 26/30 mã tăng điểm, 2 mã giảm điểm và 2 mã đạt giá không thay đổi so với phiên trước.

Tâm điểm của thị trường giai đoạn này phải kể đến nhóm phân bón – hóa chất khi nhiều mã tăng hết biên độ như: DPM, DCM, BFC… và các mã còn lại cũng tăng từ 3 – 5% so với phiên trước như PAT, DGC, LAS…

Tiếp theo là nhóm cổ phiếu ngân hàng và chứng khoán có sự tăng trưởng đều ở 2 phiên liên tiếp khi nhiều mã đạt sắc xanh với tỷ lệ tăng đạt khoảng 1 – 2%.

Ngoài ra, nhóm cổ phiếu thép cũng có sự tăng trưởng. Đáng chú ý, mã HSG của Tập đoàn Hoa Sen, NKG của Thép Nam Kim đạt mức tăng trên 2,5%. Mã HPG của Tập đoàn Thép Hòa Phát cũng đạt mức tăng trưởng 1,49%. Do đây là cổ phiếu vốn hóa lớn, nên mức tăng này cũng góp phần giúp Vn-Index tăng điểm.

Nhóm cổ phiếu bất động sản, đầu tư công có sự phân hóa mạnh.

Nhà môi giới Nguyễn Mạnh Thiệp, Công ty Chứng khoán VPS đánh giá, Vn-Index phiên 25/8 ghi nhận phiên tăng điểm thứ 2 dưới sự dẫn dắt của nhóm cổ phiếu ngân hàng, trong bối cảnh thanh khoản tăng nhẹ và thấp hơn trung bình 20 phiên. Điều này cho thấy bên mua đang tạm thời chiếm ưu thế và xu hướng trung hạn có dấu hiệu tích cực hơn.

Ông Thiệp dự báo, khả năng thị trường sẽ tiếp tục tăng theo quán tính để hướng đến các vùng kháng cự cao hơn trong tương lai. Tuy nhiên, quá trình tăng trưởng, Vn-Index có thể rung rắc để kiểm tra lại các điểm kháng cự kỹ thuật là 1.280 – 1.300 điểm.

Ngoài các nhóm ngành dẫn dắt thị trường như vừa nêu, ông Thiệp cho rằng, nhóm cổ phiếu ngành năng lượng và lương thực đang có dấu hiệu hồi phục trở lại. Do đó, nhà đầu tư cần quan sát thêm diễn biến để đưa ra quyết định một cách chính xác nhất.

Họ cổ phiếu FLC tiếp tục sàn

Vn-Index tăng điểm trong bối cảnh chỉ số Dow Jones Industrial Average của châu Mỹ tăng 59,64 điểm, chỉ số FTSE 100 của châu Âu cũng tăng 30,54 điểm.

Tại châu Á, chỉ số Nikkei 225 trên thị trường Nhật Bản cũng tăng 165,54 điểm. Chỉ số Hang Seng Index cũng tăng 31,04 điểm…

Giới đầu tư cho rằng, chỉ số Vn-Index cũng sẽ hưởng lợi nhờ bối cảnh khởi sắc của chứng khoán thế giới.

Tâm điểm chú ý của nhiều nhà đầu tư trên sàn chứng khoán lúc này có lẽ là nhóm cổ phiếu thuộc hệ sinh thái FLC gắn liền với tên tuổi ông Trịnh Văn Quyết

Theo đó chiều ngày 25/8 Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE) ra quyết định về việc hủy niêm yết gần 567,6 triệu cổ phiếu ROS do Công ty cổ phần Xây dựng FLC Faros phát hành. Ngày hủy niêm yết có hiệu lực là 5/9/2022.

FLC Faros đã vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin và các trường hợp khác mà HOSE hoặc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xét thấy cần thiết phải hủy niêm yết nhằm bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư.

Giá trị hủy niêm yết theo mệnh giá là gần 5.676 tỷ đồng. Cổ phiếu ROS đã bị đình chỉ giao dịch từ ngày 12/8. Giá đóng cửa phiên gần nhất (11/8) là 2.510 đồng/cổ phiếu, tương ứng với vốn hóa hơn 1.400 tỷ đồng.

Trước đó, HOSE đã ra cảnh báo về nguy cơ đình chỉ giao dịch với cổ phiếu ROS liên quan đến các vấn đề vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán.

Cùng với tin ROS bị hủy niêm yết chứng khoán, các cổ phiếu khác là HAI, FLC cũng giảm hết biên độ, Cổ phiếu AMD cũng giảm 2,41% giá trị so với phiên trước đó.

Ngoài cổ phiếu ROS, cơ quan chức năng cũng đã đưa ra cảnh báo đình chỉ giao dịch đối với cổ phiếu FLC vì các vấn đề pháp lý liên quan đến lĩnh vực chứng khoán.

Trên mạng xã hội, nhiều nhà đầu tư lo ngại, nếu ban lãnh đạo FLC không có các giải pháp cụ thể nhằm cứu cổ phiếu thì khả năng nhiều người bị “mắc kẹt” là rất lớn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ