VNIndex đi lên trong "nghi ngờ"

GD&TĐ - VNIndex có pha tăng vượt mốc 1.307 điểm vào phiên 8/6 với thanh khoản trên 21.000 tỷ đồng. Một ngày sau VNIndex lại giảm nhẹ với thanh khoản chỉ vỏn vẹn trên 14.000 tỷ đồng…

Tốp cổ phiếu tác động lớn trên thị trường. Ảnh: VNDirect
Tốp cổ phiếu tác động lớn trên thị trường. Ảnh: VNDirect

Tâm lý vẫn “rụt rè”

Diễn biến thị trường chứng khoán Việt Nam những ngày gần đây nằm trong dự đoán của nhiều chuyên gia kinh tế và các công ty chứng khoán, phản ánh tâm lý cẩn trọng của nhà đầu tư sau khi thị trường bị giảm giá mạnh.

So sánh 2 phiên giao dịch ngày 8 và 9/6 cho thấy, dòng tiền đổ vào thị trường chứng khoán mặc dù tương đối ổn định nhưng thanh khoản chưa cao như kỳ vọng.

Cụ thể: Ngày 8/6, VNIndex tăng trưởng vượt mốc 1.300 điểm và kết thúc phiên ở mức 1.307,19 điểm – cao hơn phiên trước đó (7/6) 16,56 điểm, tương đương 1,28% giá trị. Thanh khoản toàn thị trường đạt trên 21.000 tỷ đồng.

Mức tăng trưởng của VNIndex ngày 8/6 có ý nghĩa rất quan trọng, tạo lực đỡ cho thị trường, và được kỳ vọng là sẽ giúp giải tỏa một phần tâm lý của nhà đầu tư sau giai đoạn giảm giá trước đó.

Đến 9/6, VNIndex giảm nhẹ về mốc 1.307,8 điểm – tức giảm 0,11 điểm so với phiên trước, tương đương 0,01% điểm giá trị. Thanh khoản thị trường đạt gần 14.700 tỷ đồng.

Đà giảm giá của VNIndex ngày 9/6 khá tương đồng với tình hình chứng khoán thế giới, khi chỉ số Dow Jones Industrial Average (Dow Jones) giảm 269,24 điểm, tương đương 0,81% giá trị so với phiên trước đó. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 88,96 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 44,91 điểm.

Ở châu Á, chỉ số Hang Seng Index giảm 238,86 điểm. Chỉ số SSE Composite Index giảm 24,23 điểm. Chỉ số Kospi Composite Index cũng giảm nhẹ với 0,71 điểm.

Ở châu Âu, chỉ số FTSE 100 giảm 5,93 điểm. Dax Performance Index giảm 110,63 điểm…

Điểm sáng duy nhất là chứng khoán Nhật Bản giữ sắc xanh khi chỉ số Nikkei 225 tăng 12,24 điểm – tương đương 0,04% giá trị.

Mặc dù, VNIndex ngày 9/6 giảm điểm, thanh khoản thấp, nhưng có 453 mã chứng khoán giữ được sắc xanh. Điều này cho thấy, dòng tiền có sự phân bổ tương đối đều trên thị trường.

Đáng chú ý, nhóm trụ VN30 đóng vai trò dẫn dắt thị trường có sự giằng co khi 14/30 mã cổ phiếu tăng điểm. 14 mã giảm điểm và 2 mã giá không thay đổi so với phiên trước. 

Dấu hiệu tích cực

Mặc dù, VNIndex giảm nhẹ so với phiên 8/6 kèm thanh khoản thấp, nhưng nhiều chuyên gia cho rằng, thị trường có những dấu hiệu lạc quan.

Đầu tiên là lực mua lan tỏa trên toàn thị trường, ở tất cả các ngành hàng khác nhau. Với dòng dầu khí, lực mua quay trở lại khi nhiều dấu hiệu cho thấy, khủng hoảng năng lượng vẫn chưa được hạ nhiệt, giá xăng dầu trong nước tiếp tục neo ở mức cao.

Một số cổ phiếu ngành dầu khí có mức tăng điểm nhẹ như BSR tăng 2,87%, PVS tăng 0,31%, POW tăng 1,95%...

Với dòng phân bón, lực mua cũng chiếm ưu thế khi một số mã như DPM, DCM tiếp tục duy trì đà tăng trưởng với 0,15% và 0,47%.

Đáng chú ý, dòng bất động sản có sự tăng trưởng trở lại như DXG, HDC, IDC, KBC, SCR… đạt mức tăng từ 1 – 5% giá trị. Thậm chí, mã DXG còn tăng hết biên độ với 6,91% sau 2 phiên giảm sàn trước đó (ngày 7, 8/6).

Dòng chứng khoán cũng có sự tăng nhẹ nhưng đều, nhưng ngành ngân hàng có sự phân hóa với dòng tiền tập trung vào các mã ACB, TCB, STB, LPB…

Ở nhóm đầu tư nước ngoài, trong 10 phiên giao dịch gần nhất, nhóm đầu tư nước ngoài gom ròng 8 phiên khi nhiều cổ phiếu đã ở mức chiết khấu cao.

Cổ phiếu được nước ngoài gom gồm: STB, DPM, DXG, DCM, MSN, PNJ, VND, REE, Quỹ FUEVFVND… Trong đó, STB được mua với giá trị gần 80 tỷ đồng, DXG, DPM đều được gom với giá trị gần 70 tỷ đồng mỗi mã. Nhiều mã còn lại cũng được nước ngoài mua với giá trị hàng chục tỷ đồng…

Theo nhà môi giới Nguyễn Mạnh Thiệp, Công ty Chứng khoán VPS, đánh giá, diễn biến những phiên gần đây cho thấy, bên mua đang chiếm ưu thế và kịch bản VNIndex có thể tiến đến vùng kháng cự 1.320 – 1.325 là khá cao.

Trong khi đó, theo số liệu của Trung tâm Lưu ký Chứng khoán (VSD), tổng số tài khoản chứng khoán tại thị trường Việt Nam tính đến cuối tháng 5/2022 là 5,7 triệu tài khoản – tăng 467.711 tài khoản so với thời điểm cuối tháng 4. Điều này cho thấy, số lượng nhà đầu tư sẵn sàng tham gia thị trường là rất lớn.

Ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam (CSI), cho rằng, VNIndex sẽ tiếp tục có sự tích lũy quanh 1.300 điểm với thanh khoản thấp.

Đây là điều cần thiết, tạo đà cho nhịp tăng trưởng mạnh có thể bắt đầu vào giai đoạn nửa cuối năm 2022. Và VNIndex có thể bứt phá mốc 1.300 điểm sau tháng 6.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ōoku, hậu cung phiên bản Nhật Bản. Ảnh: Nippon.com

Quy tắc phòng the nghiêm ngặt của Shogun

GD&TĐ - Thời Mạc phủ Tokugawa (1603 - 1868) ở Nhật Bản, thế lực nắm quyền điều hành đất nước là các Chính di Đại tướng quân nhà Tokugawa - Shogun.