Giáo viên là “hạt nhân” của quá trình đổi mới
Đây là điều mà các chuyên gia, nhà quản lý giáo dục đều khẳng định khi Bộ GD&ĐT triển khai và đưa chương trình GDPT mới đi vào thực tế. Bởi theo các chuyên gia, khi thực hiện một chương trình mà người giáo viên (GV) không thể thích ứng, linh hoạt và chủ động trong mọi phương pháp, tình huống sư phạm thì sẽ rất khó để chương trình đi đến thành công.
Bà Đàm Thị Kinh - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Lâm Đồng nhìn nhận: Trong chương trình GDPT mới lần này, vai trò của các GV trong nhà trường tăng lên một cách đáng kể, giữ vị trí “hạt nhân” cho sự thành công của tiết dạy.
Đánh giá chương trình GDPT mới là một bước chuyển lớn của ngành trong việc hướng đến chất lượng giảng dạy và đào tạo ra những con người năng động cho thời đại mới, ông Nguyễn Thanh Giang - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng nhìn nhận, công tác bồi dưỡng nghiệp vụ, giúp GV thay đổi dần phương pháp sư phạm, trong đó phương pháp giảng dạy theo hướng tích hợp liên môn là đặc biệt quan trọng. Bởi theo ông, chỉ khi chúng ta có một đội ngũ GV hiểu rõ chương trình, chủ động với từng tiết học, tình huống sư phạm và có kỹ năng ứng xử sư phạm phù hợp, chương trình GDPT mới mới có thể đi vào cuộc sống.
VNEN - mô hình chuyển tiếp phù hợp
Để thực hiện tốt việc giảng dạy theo chương trình GDPT mới, ngoài nền tảng kiến thức sư phạm mới thì sự nhuần nhuyễn, quen thuộc trong cách thức tiếp cận lớp học, sự chủ động nơi người GV là tối quan trọng.
Tuy chưa triển khai chương trình GDPT mới, nhưng theo thầy Văn Đức Phương - Hiệu trưởng Trường THCS Quang Trung, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng, đội ngũ GV của trường đã sẵn sàng vì với việc giảng dạy gần như nhuần nhuyễn chương trình VNEN, ông tự tin sau khóa bồi dưỡng ngắn hạn, GV nhà trường sẽ dễ dàng tiếp cận chương trình mới.
Đồng tình với thầy Phương về sự tiếp nối mang tính nền tảng cao của mô hình VNEN, cô Lê Thị Tuyết - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nghĩa Hiệp, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng cho rằng: VNEN là mô hình giáo dục đổi mới mang tính toàn diện, nó không chỉ tác động trực tiếp đến người học, người dạy, mang lại sự hứng khởi cho học sinh, mà còn giúp cho học sinh định hình được các kỹ năng, phương pháp NCKH cơ bản ngay từ nhỏ… Từ đó, giúp học sinh lẫn GV thay đổi cách làm, cách học, cách giảng dạy, cách quản lý và cách tổ chức lớp học.
“Cá nhân tôi nhận thấy, mô hình VNEN thật sự là một mô hình có tính tiếp nối, chuyển tiếp rất tốt cho GV khi chúng ta chuyển sang chương trình GDPT mới. Qua mô hình VNEN, GV thuần thục phương pháp giảng dạy kiểu tích hợp liên môn, sự chủ động sáng tạo trong từng giờ lên lớp. Đặc biệt, họ sẽ không bỡ ngỡ khi tổ chức lớp học theo hướng cá thể hóa, phát huy năng lực người học. Điều mà chương trình GDPT mới mong muốn hướng đến cho học sinh”- cô Tuyết nhấn mạnh.