Thầy hiệu trưởng sáng tạo, trực tiếp đứng lớp

GD&TĐ - Tiên phong đổi mới quản lý dạy và học, có nhiều sáng kiến góp phần thực hiện hiệu quả mô hình Trường học mới, thầy Văn Đức Phương- hiệu trưởng trường THCS Quang Trung (Bảo Lâm, Lâm Đồng) được đồng nghiệp, phụ huynh và học sinh kính trọng.

Thầy hiệu trưởng sáng tạo, trực tiếp đứng lớp

Thầy Phương là 1 trong 64 cá nhân được nhận bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT tại Lễ tuyên dương gương người tốt việc tốt, đổi mới sáng tạo trong dạy và học năm học 2016-2017.

Sinh ra và lớn lên ở thành phố Đà Lạt, thầy Phương về công tác tại Trường THCS Quang Trung (huyện Bảo Lâm) từ năm 1984 đến nay. Từ khi còn là giáo viên đứng lớp, đến khi được bổ nhiệm làm phó hiệu trưởng, rồi hiệu trưởng, thầy luôn là người tận tụy và tâm huyết với sự nghiệp trồng người.

Nhờ sự tận tụy của thầy trong công việc, sáng tạo trong công tác quản lý chuyên môn, chăm lo xây dựng chất lượng đội ngũ giáo viên, nâng cao chất lượng giáo dục nên trong những năm gần đây, Trường THCS Quang Trung trở thành một trong những trường điểm của huyện Bảo Lâm.

Thầy Phương luôn được đồng nghiệp, phụ huynh và học sinh kính trọng

Với cương vị là hiệu trưởng, thầy Phương luôn tìm tòi sáng tạo, đổi mới quản lý giáo dục và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Thầy Phương là người tiên phong đưa ra những sáng kiến, những giải pháp thiết thực nhằm nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường, của địa phương.

Đối với đồng nghiệp, thầy Phương là một người anh cả đi trước chia sẻ kinh nghiệm cho lớp giáo viên kế cận. Thầy tận tình hướng dẫn các chuyên đề dạy học của các tổ bộ môn, hay góp ý về sáng kiến kinh nghiệm, giải pháp hữu ích cho giáo viên nhà trường dự thi giáo viên giỏi các cấp.

Hàng năm, thầy đều có các sáng kiến kinh nghiệm áp dụng rộng rãi trong nhà trường và được các trường trên địa bàn vận dụng, mang lại hiệu quả thiết thực và được hội đồng khoa học cấp huyện, cấp tỉnh công nhận.

Đặc biệt, trong việc triển khai mô hình trường học mới (VNEN) cấp THCS, thầy Phương được đánh giá là người chịu khó nghiên cứu, vận dụng hiệu quả mô hình này.

Là cán bộ quản lý nhưng thầy Phương vẫn dành thời gian đều đặn để đứng lớp. Theo thầy, phải trực tiếp dạy thì mới hiểu được tâm tư nguyện vọng của học sinh và cả giáo viên, để từ đó, có sự hỗ trợ kịp thời cũng như giải quyết các vướng mắc.

Thầy Phương nhớ lại: Cách đây 3 năm, khi trường bắt đầu triển khai thực hiện mô hình VNEN, tôi đã trực tiếp đứng lớp với sự chứng kiến của hội đồng sư phạm nhà trường cũng như đảo phụ huynh học sinh.

"Trong một bài học, tôi đã dạy theo cả hai cách, một theo truyền thống và một theo mô hình VNEN để phụ huynh so sánh. Kết thúc tiết dạy, đa số phụ huynh đều ủng hộ việc nhà trường thực hiện giảng dạy theo mô hình VNEN vì thấy rằng bài học rất hấp dẫn và hiệu quả".

Mô hình VNEN triển khai ở Trường THCS Quang Trung (Bảo Lâm) khá hiệu quả. Ảnh: T.H

Mô hình VNEN triển khai hiệu quả ở Trường THCS Quang Trung (Bảo Lâm, Lâm Đồng)

Thầy Phương cho biết, ngay từ lần đầu được tập huấn triển khai mô hình VNEN, bản thân thầy cũng phân vân, lo lắng. Do vậy, thầy đã đầu tư nhiều thời gian, công sức để tìm hiểu. Sau khi đã nắm rõ, thầy bắt đầu xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể.

Trước tiên, thầy Phương tổ chức nhiều cuộc hội thảo trong từng bộ môn để giáo viên chia sẻ, nắm bắt những khó khăn trong quá trình giảng dạy theo mô hình VNEN.

Đồng thời, xây dựng phương án tuyên truyền đến từng phụ huynh học sinh để họ nắm rõ những nét thay đổi đặc trưng của mô hình này và vai trò của phụ huynh đối với tập thể lớp trong mô hình trường học mới.

Cùng với đó là tập huấn cho giáo viên chủ nhiệm lớp về quy cách tổ chức hoạt động của Hội đồng tự quản; tập huấn cho Hội đồng tự quản, nhóm trưởng và thư ký về quy cách điều hành tổ chức lớp học VNEN.

Nhờ sự sáng tạo của thầy Phương, mô hình VNEN cấp THCS tại trường THCS Quang Trung nói riêng và ở tỉnh Lâm Đồng nói chung đang phát huy hiệu quả, thực sự tạo môi trường học tập chủ động, sáng tạo cho học sinh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bên trong căn hầm tái hiện hoạt động in ấn tài liệu, truyền đơn của Hội ủng hộ Vệ quốc đoàn trong những năm kháng chiến.

Hầm in tài liệu bí mật giữa lòng Sài Gòn

GD&TĐ - Nằm trong con hẻm nhỏ ở đường Ngô Gia Tự, Quận 10, TPHCM, cơ sở in ấn của Hội ủng hộ Vệ quốc đoàn năm 1954 là nơi in cả nghìn ấn bản phục vụ cách mạng.