Chủ động thay đổi
TP Cần Thơ hiện có 5 trường đại học (ĐH) công lập và ngoài công lập; 7 trường cao đẳng (CĐ), 3 phân hiệu đào tạo trình độ CĐ. Trong đó 2 trường ĐH Cần Thơ và CĐ Cần Thơ có bề dày đào tạo chuyên sâu nguồn lực giáo viên phục vụ các trường mầm non, phổ thông cho cả vùng ĐBSCL. Các trường hiện đã chủ động đón đầu cho việc đào tạo đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu mới.
Từ năm học 2015-2016, Trường CĐ Cần Thơ chọn 2 môn (Toán và Anh văn) để thí điểm đổi mới. Đến năm 2017-2018, trường xây dựng khung chương trình đào tạo theo tiêu chí mới của định hướng chương trình GDPT tổng thể, từ bậc mầm non đến phổ thông. Tiến sĩ Hồ Thanh Tâm, Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Cần Thơ, cho biết: Trường đang điều chỉnh, bổ sung chương trình đào tạo các ngành sư phạm, đổi mới theo hướng phù hợp nhu cầu thực tế giảng dạy ở trường phổ thông, đặc biệt là chủ động cập nhật kịp thời chương trình SGK hiện hành của ngành GD&ĐT. Trường đã chỉ đạo, thành lập tiểu ban là các bộ môn thuộc Khoa Sư phạm để xây dựng, bổ sung khung chương trình đào tạo theo hướng chương trình GDPT tổng thể”. Tuy trường vẫn sử dụng chương trình đào tạo cũ, nhưng có thể thấy sự chủ động đón đầu.
Khoa Sư phạm, Trường CĐ Cần Thơ có 10 bộ môn trực thuộc, với 54 cán bộ, giảng viên (45 người có trình độ sau đại học), cơ bản đáp ứng yêu cầu đào tạo. Chuẩn bị đón đầu cho chương trình GDPT mới, khoa đã thành lập các tiểu ban cho từng bộ môn; trong đó có 2 tiểu ban liên môn (Sử- Địa- Giáo dục công dân và Lý- Hóa- Sinh). Đồng thời xây dựng tất cả chương trình đào tạo theo khung năng lực của Bộ GD&ĐT, sau đó xây dựng đề cương chi tiết và đào tạo cụ thể theo liên môn.
Theo Thạc sĩ Nguyễn Thị Lệ Chi, Phó trưởng Khoa Sư phạm, Trường CĐ Cần Thơ, trường có nền tảng là trường sư phạm lâu năm nên nguồn lực đảm bảo đáp ứng yêu cầu. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là vẫn chưa có SGK mới, cũng như chương trình khung của Bộ GD&ĐT. Các giáo viên của trường soạn chương trình đào tạo theo định hướng từ những lần tham gia tập huấn, làm theo cách hiểu của mình. Bởi vì từ trước đến nay, việc đào tạo sinh viên sư phạm mang tính chuyên sâu theo từng môn; giảng dạy theo phương pháp truyền thống…
Thạc sĩ Nguyễn Thị Lệ Chi cho biết: “Với chương trình GDPT mới, trường phải đào tạo sinh viên có khả năng giảng dạy được liên môn (Lý- Hóa- Sinh hoặc Sử- Địa- Giáo dục công dân), đòi hỏi giáo viên phải có kinh nghiệm và kiến thức khoa học phải nắm vững, sâu ở các môn. Đó là chưa kể sinh viên được đào tạo phải tiếp thu cả kiến thức liên môn nên sẽ rất khó, chúng tôi đang nỗ lực hết mình”.
Trường CĐ Cần Thơ tổ chức lễ chào cờ đầu năm 2018 |
Cần giải pháp đồng bộ
Chương trình GDPT mới là cần thiết và phù hợp với xu hướng phát triển của giáo dục ở các quốc gia tiên tiến. Chương trình đảm bảo kết nối chặt chẽ giữa các lớp học, cấp học và liên thông với chương trình giáo dục từ mầm non đến đại học. 2 năm qua, ngành giáo dục TP Cần Thơ đã thực hiện việc đổi mới này, thể hiện ở việc triển khai áp dụng mô hình trường học mới (VNEN), trường điển hình đổi mới; tổ chức nhiều cuộc họp góp ý cho chương trình GDPT tổng thể… nhằm tránh phải bị động khi triển khai chương trình GDPT mới.
Tuy nhiên, theo cán bộ quản lý các trường phổ thông, để thực hiện chương trình GDPT mới đạt hiệu quả, cần có giải pháp đồng bộ, căn cơ. Trước mắt, đội ngũ giáo viên phải đủ năng lực trình độ chuyên môn và kỹ năng sư phạm.
Muốn thế, đội ngũ giáo viên phải được đào tạo, đào tạo lại một cách có hệ thống, liên tục. Thầy Trịnh Nguyễn Thi Bằng, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Đại Nghĩa (quận Cái Răng), cho rằng: Trong đào tạo, bồi dưỡng giáo viên nên giao cho các cơ sở đào tạo sư phạm có uy tín. Sở GD&ĐT nên có kế hoạch hướng dẫn cụ thể và đồng bộ triển khai chương trình GDPT mới. Đồng thời, Bộ nên sớm triển khai chương trình GDPT mới, dự thảo môn học; SGK mới để giáo viên hình dung dạy như thế nào để đạt hiệu quả nhất.
Một giải pháp rất hay được cán bộ quản lý các trường THPT đề xuất: Để tránh tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ ở các cơ sở giáo dục, ngành cần có sự điều phối, điều động, luân chuyển giáo viên giữa các cơ sở giáo dục gần nhau về mặt địa lý (cụm trường).
Sở GD&ĐT chủ trì, các cơ sở giáo dục xây dựng kế hoạch giáo dục, kế hoạch tuyển sinh theo hướng phát huy điểm mạnh của cơ sở mình. Chẳng hạn, trường A sẽ đào tạo học sinh có nguyện vọng theo hướng khoa học tự nhiên, trường B sẽ đào tạo học sinh có nguyện vọng theo hướng khoa học xã hội.
Kế hoạch này sẽ được thông báo rộng rãi đến toàn xã hội. Nếu không, việc thực hiện tự chọn sẽ không thực chất vì nhà trường sẽ chọn thay học sinh cho phù hợp với tình hình đội ngũ giáo viên. Để giải pháp này phát huy tác dụng, cần thu hẹp khoảng cách về chất lượng giữa các trường THPT.
Cơ sở vật chất là vấn đề lãnh đạo các đơn vị quan tâm. Thầy Nguyễn Văn Chi, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Thới Lai, kiến nghị: “Đi đôi với đào tạo giáo viên, địa phương, ngành giáo dục quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, bổ sung trang thiết bị cho các trường. Như môn Tin học sẽ trở thành môn chính khóa, đòi hỏi có trang thiết bị máy móc, đầy đủ, phục vụ giảng dạy”.
Trường THCS Thị trấn Thới Lai là một trong số trường phổ thông của huyện chuẩn bị nguồn lực đón đầu khi thực hiện chương trình GDPT mới.
Thầy Võ Văn Khiếm, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Thị trấn Thới Lai, nói: “Trường đang thực hiện mô hình trường học mới, đây là nền tảng để đón đầu khi áp dụng chương trình GDPT mới. Nhưng số học sinh/ lớp học vẫn còn đông (45 em/ lớp), ít nhiều chưa đạt hiệu quả như mong muốn, nếu như tới đây áp dụng chương trình GDPT mới. Do vậy, cơ quan chủ quản cần đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, giảm tải qui mô/ lớp học”.
Bộ môn Vật lý – Khoa Sư phạm Trường ĐH Cần Thơ |
Đồng tình với quan điểm này, thầy Lê Trung Bình, giáo viên dạy môn Lý, cho biết, 4 giáo viên tổ Lý-Công nghệ đã “ngồi lại” với nhau để soạn giáo án, áp dụng dạy học phù hợp. Rõ ràng, khi áp dụng chương trình mới, học sinh năng động, phát huy khả năng sáng tạo hơn. Nhưng muốn tiết học đạt hiệu quả hơn, số lượng học sinh nên ở mức 30 em/ lớp, thay vì 45 em/ lớp như hiện nay.
Bà Trần Hồng Thắm, Giám đốc Sở GD&ĐT Cần Thơ, cho biết: Ngành tiếp tục chỉ đạo, quán triệt trong cán bộ quản lý, đội ngũ giáo viên, cũng như đào tạo, bồi dưỡng giáo viên về chương trình GDPT tổng thể. Đồng thời, tham mưu, đề xuất với Thành ủy, HĐND, UBND đầu tư cơ sở vật chất, bổ sung trang thiết bị theo hướng trường đạt chuẩn quốc gia, đáp ứng yêu cầu dạy và học. Một công tác quan trọng khác là tranh thủ huy động nguồn lực xã hội hóa, vận động toàn xã hội chăm lo GD&ĐT.
ại Hội nghị Tổng kết năm học 2016-2017, triển khai nhiệm vụ năm học 2017- 2018 do Bộ GD&ĐT tổ chức trong tháng 8-2017, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo: Khi thực hiện Chương trình GDPT tổng thể, các Sở GD&ĐT phải tham mưu với UBND địa phương về nguồn lực cơ sở vật chất, đội ngũ nhà giáo đủ số lượng lẫn chất lượng để triển khai hiệu quả chương trình. Ngành giáo dục đóng vai trò chủ đạo trong việc dự báo nguồn nhân lực nhà giáo để tránh tình trạng thừa- thiếu. Các đơn vị phải đổi mới trên tinh thần khẩn trương nhưng phải đảm bảo chất lượng, chỉ thay đổi một lần và vận dụng trong nhiều năm, tránh lãng phí, tạo lòng tin trong xã hội.