Vĩnh Phúc: Nhiều trụ sở “ôm đất vàng” để hoang

GD&TĐ - Nhiều cơ quan Nhà nước tại Vĩnh Phúc sau khi xây nơi làm việc mới đã không bàn giao hoặc chậm trả trụ sở cũ tại vị trí “đất vàng”.

Trụ sở cũ của VKSND huyện Yên Lạc trở thành nơi bán hoa.
Trụ sở cũ của VKSND huyện Yên Lạc trở thành nơi bán hoa.

Việc này dẫn đến công trình bị xuống cấp, nguồn lực đất đai lãng phí.

Nơi chăn vịt, chỗ bán hoa

Trụ sở của của VKSND thành phố Phúc Yên thành nơi thả vịt.
 Trụ sở của của VKSND thành phố Phúc Yên thành nơi thả vịt.

Nhiều năm qua, trụ sở cũ của Tòa án và Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) thành phố Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc rơi vào tình trạng hoang hóa. Công trình không được sử dụng thường xuyên nên đã xuống cấp nhanh chóng. Sẽ có người khi nhìn thấy những trụ sở này có thể cảm thấy tiếc nuối bởi cơ sở vật chất bị lãng phí. Hơn nữa, những khu “đất vàng” này đã bị bỏ phí trong suốt một thời gian dài.

Mặt tiền khu đất trụ sở Tòa án và VKSND thành phố Phúc Yên nằm trải dài trên trục đường chính của thành phố là đường Trần Hưng Đạo. Khu đất cách trụ sở Thành ủy, UBND thành phố chỉ một đoạn đường ngắn. Một số người coi đây là mảnh “đất vàng” của thành phố. Tổng diện tích đất của hai trụ sở này chưa đến 1.000m2. Nhưng nếu tính về giá trị, thời điểm này khu đất được định giá đặc biệt lớn.

Hiện trụ sở cũ của VKSND thành phố mặt tiền được bịt kín bằng bức tường gạch. Bên trong bức tường, nơi từng là sân của Tòa án thì nay chất chứa nhiều loại phế thải xây dựng. Nhà làm việc của VKS sau thời gian dài bỏ hoang đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Cùng với đó là gà, vịt của hộ dân chăn thả khi trụ sở không còn sử dụng. 

Bên cạnh công trình bỏ hoang của VKS là trụ sở cũ thuộc TAND thành phố. Cổng trụ sở này hàng ngày vẫn mở. Nhưng nó không mở cho công chức đến làm việc mà trở thành địa điểm bán hoa, cây cảnh. Phần sân, cây cối mọc um tùm che phủ phần lớn không gian phía trước. Tường bị rêu mốc bám phủ. Tất cả đã tạo nên hình ảnh nhếch nhác, khó coi. Phía trong trụ sở đã hiện rõ sự xuống cấp.

Chung số phận như hai trụ sở trên, công trình cũ của VKSND huyện Yên Lạc, Vĩnh Phúc nằm trên đường tỉnh lộ 305, thuộc trung tâm huyện cũng đang trong tình trạng “đắp chiếu”. Từ khi VKS huyện chuyển sang địa điểm mới thì trụ sở cũ không được chăm chút nên đã có dấu hiệu xuống cấp. Sân của trụ sở cũng trở thành nơi bán hoa, cây cảnh.

Ngoài ra, còn nhiều cơ quan khác cũng trong tình trạng tương tự như Bảo hiểm xã hội, Thuế... Dù không biến thành nơi chăn vịt, bán hoa nhưng có chung một tình cảnh là “cửa đóng then cài” trong suốt thời gian dài.

Địa phương ở... thế khó

Mặt tiền trụ sở cũ của VKS và TAND thành phố Phúc Yên (hiện tại) gây mất mỹ quan đô thị.
Mặt tiền trụ sở cũ của VKS và TAND thành phố Phúc Yên (hiện tại) gây mất mỹ quan đô thị.

Được biết, những trụ sở này trước đây còn khá tốt. Khi cơ quan chuyển đi, nếu được giao cho đơn vị khác quản lý, sử dụng, làm trụ sở thì đỡ lãng phí, được bảo quản. Các khu đất này đều rất đắc địa, mặt tiền rộng nên phải sớm có phương án xử lý, nếu tiếp tục kéo dài lãng phí là rất lớn.

Rõ ràng, trụ sở cũ của cơ quan Nhà nước bị hoang hóa, gây lãng phí nguồn lực từ các công trình xây dựng và đất đai. Nhưng việc quản lý của địa phương nơi đặt trụ sở lại rơi vào thế khó vì không thuộc thẩm quyền. Ngoài ra, công trình xuống cấp còn gây mất mỹ quan đô thị nhưng địa phương không được sửa chữa, cải tạo.

Thông tin từ UBND TP Phúc Yên cho biết, Tòa án và VKS thành phố đã xây dựng và chuyển ra trụ sở mới từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, thời gian gần đây, trụ sở cũ của VKS mới được bàn giao lại cho Sở Tài chính tỉnh quản lý. Trụ sở của TAND thành phố thì vẫn chưa được giao lại cho tỉnh. 

Khi được hỏi về hướng xử lý đối với trụ sở cũ của Tòa án thành phố, ông Đỗ Thế Bình – Chánh án TAND thành phố Phúc Yên cho biết, đã chuyển ra trụ sở mới được 8 năm. Còn trụ sở cũ, hiện TAND thành phố đã có văn bản gửi TAND tối cao để xin hướng dẫn xử lý. Nhưng đến nay vẫn chưa có văn bản trả lời.

Đối với trụ sở cũ của VKSND huyện Yên Lạc, ông Lê Việt Cường - Trưởng phòng Tài chính huyện cho rằng, phía địa phương không quản lý tài sản này. Hiện trụ sở đã được bàn giao cho Sở Tài chính tỉnh. Việc quản lý, xử lý tài sản thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh và Sở Tài chính.

Có thể thấy, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc hiện có nhiều trụ sở của các cơ quan Nhà nước trong tình trạng dôi dư hoặc không còn sử dụng đến. Để các tài sản này không bị lãng phí, đề nghị UBND tỉnh, Sở Tài chính tỉnh Vĩnh Phúc sớm có giải pháp thu hồi, xử lý theo đúng quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công đã có hiệu lực thi hành.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa.

Quy về thang điểm chung

GD&TĐ - Việc quy về một thang điểm chung là hoàn toàn khả thi; nếu khó cũng nên làm vì lợi ích chung của cả hệ thống...