Niềm tin của doanh nghiệp
Với sự phục hồi của nền kinh tế và những nỗ lực của Chính phủ trong việc ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thời gian qua, các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã không ngừng nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành, tổ chức bộ máy; thực hiện nhiều biện pháp cải thiện môi trường kinh doanh; kịp thời nắm bắt, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi nhất để cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã giao nhiệm vụ cụ thể cho từng ngành, lĩnh vực, địa phương chịu trách nhiệm nâng cao từng chỉ số thành phần của chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), thành lập tổ giúp việc của Chủ tịch UBND tỉnh để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; đường dây nóng được vận hành thông suốt, hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp được đẩy mạnh, được các nhà đầu tư, các doanh nghiệp đánh giá cao và tin tưởng vào hệ thống chính quyền của tỉnh.
Chỉ số cải thiện môi trường đầu tư, cải cách hành chính của tỉnh trong năm cải thiện tích cực: Chỉ số PCI của tỉnh Vĩnh Phúc đứng thứ 5/63 toàn quốc (tăng 24 bậc), trong đó Chỉ số Chi phí thời gian 8,46; chi phí không chính thức 8,05; chỉ số tăng nhanh: Hỗ trợ DN từ 5,03 lên 7,11; chi phí không chính thức 6,25 lên 8,05. Chỉ số cải cách hành chính PARINDEX đứng thứ 5 toàn quốc (tăng 10 bậc).
Lãnh đạo Ban Quản lý các khu công nghiệp Vĩnh Phúc trao giấy chứng nhận cho nhà đầu tư cho dự án Solum Electronics Việt Nam. |
Ước năm 2022, tỉnh Vĩnh Phúc thu hút được 453 triệu USD vốn FDI, bằng 100,6% kế hoạch năm; Về thu hút vốn DDI toàn tỉnh dự kiến thu hút đạt 12.500 tỷ đồng, bằng 57% so với cùng kỳ năm 2021, vượt mục tiêu kế hoạch đề ra. Lũy kế đến hết năm 2022, trên địa bàn tỉnh có 1.286 dự án, trong đó: 450 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 7,41 tỷ USD và 828 dự án DDI với tổng vốn đầu tư 125 nghìn tỷ đồng.
Tình hình đăng ký doanh nghiệp trong năm 2022 trên địa bàn tỉnh tiếp tục ghi nhận nhiều tín hiệu khởi sắc. Năm 2022 (tính đến 15/11), Vĩnh Phúc có 1.618 doanh nghiệp doanh nghiệp thành lập mới và quay lại hoạt động, cao hơn thời điểm 31/12/2021 (1.224 doanh nghiệp), cao nhất kể từ khi tái lập tỉnh Vĩnh Phúc đến nay. Ước tính với 1.618 doanh nghiệp tham gia vào thị trường này sẽ tạo thêm việc làm cho 9.343 lao động trong và ngoài tỉnh.
Năm 2023, Vĩnh Phúc đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ 8-9,5% so với năm 2022. Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội trên địa bàn chiếm khoảng 30-35% GRDP theo giá hiện hành. Tổng thu ngân sách nhà nước phấn đấu đạt 32.398 tỷ đồng, trong đó thu nội địa 27.398 tỷ đồng. Thu hút 400 triệu USD vốn FDI và 5.000 tỷ đồng vốn DDI.
Tăng cường kết nối
Nhiều hoạt động phối hợp giữa các cơ quan quản lý Nhà nước với doanh nghiệp để tổ chức các Hội chợ, triển lãm trong năm 2022, góp phần thúc đẩy hoạt động lưu thông hàng hóa, sản phẩm của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vũ Chí Giang cùng các đại biểu cắt băng khai mạc hội chợ công thương Đồng bằng Sông Hồng - Vĩnh Phúc 2022. |
Theo báo cáo của UBND tỉnh, từ đầu năm đến nay, UBND tỉnh đã tổ chức hàng chục buổi làm việc, đối thoại tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp; chương trình “Cà phê doanh nhân” đã tổ chức 31 kỳ gặp gỡ doanh nhân, tiếp nhận phản hồi và hướng dẫn, giải quyết 281 đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp; tiếp xúc và làm việc trực tiếp với 139 doanh nghiệp; tạo điều kiện tối đa cho 335 doanh nghiệp gặp khó khăn khi phải thực hiện các thủ tục phá sản.
Linh hoạt các hình thức hỗ trợ, Tổ hỗ trợ doanh nghiệp trên các nhóm Zalo của Sở Kế hoạch và Đầu tư và các sở, ban, ngành đã cung cấp 115 văn bản cho doanh nghiệp, trả lời 75.000 lượt email; tiếp nhận hơn 1.700 câu hỏi, hơn 17.000 lượt tin nhắn trao đổi với doanh nghiệp, nhà đầu tư về các nội dung phòng, chống Covid – 19, kế hoạch tiêm vắc xin ngừa Covid – 19, tình hình lao động, việc thay đổi mã số thuế cá nhân…
Đồng thời, giới thiệu 16 chương trình kết nối, hợp tác đầu tư giữa các doanh nghiệp DDI với doanh nghiệp FDI. Riêng Bộ phận xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp Nhật Bản tại Vĩnh Phúc từ đầu năm đến nay đã tiếp nhận, giải đáp 24 phản ánh, góp ý, kiến nghị của doanh nghiệp Nhật Bản; tiến hành kết nối cho 23 doanh nghiệp Nhật tìm hiểu cơ hội hợp tác, giao lưu kinh tế.
Đặc biệt, thực hiện Nghị quyết số 115 của Chính phủ về các giải pháp thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ phát triển, Vĩnh Phúc đã chủ trương tăng cường mối liên kết, hợp tác, hỗ trợ giữa các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI, tạo điều kiện để doanh nghiệp trong nước từng bước tiếp cận công nghệ tiên tiến, tham gia sâu vào chuỗi giá trị, hình thành và thu hút nhiều doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ. Trong đó, lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ cho sản xuất, lắp ráp ô tô, xe máy có trên 40 doanh nghiệp; lĩnh vực công nghiệp điện tử, tin học trên 100 dự án.
Nhiều doanh nghiệp như: Công ty cổ phần đầu tư công nghiệp Thuận An, Công ty TNHH công nghệ Cosmos, Công ty TNHH Điện – Điện tử Mê Trần Bình Xuyên; Công ty TNHH SSP Moulding, Công ty TNHH Thành Thắng, Công ty TNHH Tùng Lâm Vĩnh Phúc, Công ty TNHH Lâm Viễn…tiếp tục hoạt động ổn định, hiệu quả trong ngay cả khi dịch bệnh Covid-19 do đã tạo được các mối liên kết, hợp tác, cung ứng thường xuyên một số sản phẩm cho các doanh nghiệp FDI trong lĩnh vực chế tạo, cơ khí.
Thời gian tới, Vĩnh Phúc sẽ tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động hỗ trợ, kết nối doanh nghiệp; kịp thời nắm bắt, chỉ đạo giải quyết các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp bằng việc duy trì hoạt động của chương trình “Cà phê doanh nhân”, Tổ giúp việc của Chủ tịch UBND tỉnh; bộ phận Japan Desk, Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore, Thái Lan…
Cùng với đó, đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ, thủ tục cho doanh nghiệp; chỉ đạo các ngân hàng thương mại tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi; các cơ sở giáo dục, đào tạo nghề nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp.