Từ cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh
Sau gần 5 năm thực hiện Nghị quyết 01, chỉ có năm 2016, Vĩnh Phúc xếp vị trí thứ 9 - nằm trong nhóm tốt, các năm: 2017, 2018, 2019 đều tụt hạng và nằm trong nhóm khá. Do vậy, để quay trở lại top 10 trong năm 2020, Vĩnh Phúc cần phải thực hiện triệt để nhiều giải pháp, nỗ lực cải thiện nhiều chỉ số, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho người dân và doanh nghiệp.
Theo báo cáo của Sở KH&ĐT Vĩnh Phúc về kết quả chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2019, Vĩnh Phúc đứng thứ 17/63 tỉnh, thành, tụt 4 bậc PCI so với năm 2018, không đạt mục tiêu đề ra và là năm có kết quả thấp nhất trong 3 năm trở lại đây.
Đặc biệt các chỉ số thành phần của tỉnh chưa có sự ổn định, tốc độ cải thiện một số chỉ số có xu hướng chậm hơn so với một số địa phương ở top 15 tỉnh, thành dẫn đầu; những chính sách về cải cách, đổi mới có tác động mạnh đến doanh nghiệp và liên quan đến kết quả PCI còn hạn chế và chưa thật sự có đột phá.
Lý giải về nguyên nhân khiến Vĩnh Phúc chưa quay trở lại được top 10 trong năm 2019, ông Nguyễn Văn Độ, Giám đốc Sở KH&ĐT Vĩnh Phúc cho biết, đó là do một số chỉ số thành phần có trọng số cao sụt giảm, một số chỉ số không cải thiện được điểm số và thứ hạng.
Cùng với đó, chất lượng công tác tham mưu, đề xuất giải quyết một số nội dung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp chưa kịp thời; thời gian giải quyết thủ tục hành chính qua Trung tâm phục vụ hành chính công và bộ phận một cửa tại một số cơ quan còn chậm.
Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án khó khăn, chính sách pháp luật về đất đai còn bất cập; công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật và các nội dung liên quan đến cải thiện môi trường đầu tư hiệu quả chưa cao, chưa nhận được sự phối hợp từ phía doanh nghiệp. Số lượng, chất lượng của các doanh nghiệp, đơn vị cung cấp các dịch vụ đào tạo, cung ứng lao động, dịch vụ tìm kiếm thị trường hạn chế...
Ngoài ra, còn do sự vươn lên mạnh mẽ cải thiện môi trường đầu tư của các tỉnh, thành trong cả nước; một số chỉ tiêu đánh giá của doanh nghiệp chưa thực sự khách quan, chưa phản ánh đúng những nỗ lực của các cấp, các ngành trong việc giải quyết các thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.
“Để đạt được mục tiêu nằm trong top 10 tỉnh, thành có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước trong năm 2020 thì PCI của tỉnh phải đạt tối thiểu 70 điểm trở lên, tăng 3,25 điểm so với năm 2019. Trong đó, chỉ số chi phí gia nhập thị trường đạt 8,5 điểm, duy trì nằm trong top 10; chỉ số tiếp cận đất đai đạt 6,5 điểm, nằm trong top 30; tính minh bạch đạt 7,2 điểm, nằm trong top 10; chi phí thời gian 7,5 điểm, nằm trong top 15; chi phí chính thức đạt 7 điểm; tính năng động đạt 6,5 điểm; dịch vụ hỗ trợ 6,7 điểm; đào tạo lao động 7,2 điểm; thiết chế pháp lý và an ninh trật tự 7 điểm và chỉ số cạnh tranh bình đẳng 7 điểm”, ông Độ phân tích.
Cải thiện chỉ số tiếp cận đất đai
Theo kết quả công bố chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2019 của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, trong 10 chỉ số thành phần PCI của Vĩnh Phúc thì chỉ số Tiếp cận đất đai xếp hạng 49/63 tỉnh, thành, với 6.38 điểm, tăng 0.64 điểm và tăng 11 bậc so với năm 2018.
Mặc dù tăng bậc so với năm 2018 nhưng chỉ số này vẫn có thứ hạng thấp nhất trong 10 chỉ số thành phần PCI của Vĩnh Phúc. Nguyên nhân là thủ tục hành chính về đất đai cũng như sự thay đổi về khung giá đất của tỉnh chưa phù hợp; việc tiếp cận đất đai, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khó khăn. Bên cạnh đó, những rủi ro bị thu hồi đất còn cao.
Để khắc phục tình trạng này và nâng cao chỉ số Tiếp cận đất đai, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ tích cực rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, tham mưu UBND tỉnh sửa đổi và ban hành bộ thủ tục hành chính về lĩnh vực tài nguyên và môi trường trên địa bàn tỉnh. Công bố công khai, đầy đủ thông tin quy hoạch, tích cực hướng dẫn các doanh nghiệp nghiên cứu lập dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh, có kế hoạch tiếp cận việc sử dụng đất. Tăng cường công tác quản lý quy hoạch, thường xuyên kiểm tra, giám sát; hoàn thiện chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.
Bên cạnh đó, Sở chủ động phối hợp với chính quyền các địa phương đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho các tổ chức theo chỉ đạo của Chính phủ và UBND tỉnh.
Tăng cường thanh, kiểm tra công tác cải cách hành chính và việc giải quyết các thủ tục hành chính, xử lý nghiêm cán bộ cố tình để hồ sơ chậm hạn mà không có lý do chính đáng. Triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin về giá đất, công khai, minh bạch giá đất để các nhà đầu tư quan tâm có cơ sở tiếp cận, nghiên cứu tham gia thị trường.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính tại Văn phòng đăng ký đất đai bảo đảm thông suốt, chất lượng, hiệu quả, tạo niềm tin, sự hài lòng đối với người dân, doanh nghiệp đến thực hiện các thủ tục hành chính.
Từ đầu năm 2019 đến nay, Sở Tài nguyên và Môi trường đã đề xuất UBND tỉnh xem xét, cắt giảm thời gian thực hiện đối với 63/87 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền cấp tỉnh; tham mưu, đề xuất UBND tỉnh thu hồi, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện 135 công trình, dự án trên tổng diện tích gần 567 ha; thực hiện ký 112 hợp đồng thuê đất với các tổ chức, doanh nghiệp trên tổng diện tích hơn 2.317 ha.
Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho các tổ chức theo chỉ đạo của Chính phủ và UBND tỉnh; hoàn thiện hồ sơ, phương án điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ cuối 2016 - 2020 cho các huyện, thành phố theo quy định của Luật Đất đai 2013 để làm cơ sở pháp lý thực hiện công tác thu hồi, giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất để thực hiện các công trình, dự án trên địa bàn tỉnh.
Đại diện UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, để quay trở lại được top 10 trong năm 2020 - năm cuối thực hiện Nghị quyết số 01 của BTV Tỉnh ủy, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương căn cứ Kế hoạch của UBND tỉnh xây dựng kế hoạch cụ thể để cải thiện, nâng cao các chỉ số thành phần liên quan, nhất là các chỉ số đang có điểm số và thứ hạng thấp như:
Tiếp cận đất đai, thiết chế pháp lý và an ninh trật tự, cạnh tranh bình đẳng, tính năng động, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, đào tạo lao động, tính minh bạch. Công khai, minh bạch các thông tin về quy hoạch, các quy định của pháp luật, các thông tin doanh nghiệp quan tâm.
Đồng thời, tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nhất là các vấn đề liên quan đến đất đai, lao động, thuế, thủ tục hành chính. Bên cạnh đó, phát huy hiệu quả hoạt động của Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh và các địa phương; đẩy mạnh ứng dụng chữ ký số đối với các thủ tục liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 đối với một số thủ tục hành chính.