Người dân khu vực bị sạt lở cho biết dấu hiệu sạt lở đã xuất hiện vào khoảng 15 giờ chiều ngày 8/9/2023, đến khoảng 4 giờ sáng ngày 9/6/2023 sạt lở bắt đầu xảy ra.
Đoạn sạt lở có chiều dài 300 mét ăn sâu vào đất liền 7 mét, có nơi bứt nguyên đoạn đường xuống sông làm ảnh hưởng đến 24 căn nhà của người dân sống cặp đoạn sông này với 122 nhân khẩu.
Trong đó có 2 căn nhà sạt lở nghiêm trọng, gây ảnh hưởng trực tiếp đến việc đi lại của người dân nơi đây. Chị Nguyễn Thị Ngọc Hiền, ấp Phú An, xã Phú An, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long cho hay: “Đường sạt lở hết, không còn đường cho học sinh đi học, người dân đi chợ”.
Ngay sau khi xảy ra sạt lở, lãnh đạo huyện ủy, UBND huyện Long Hồ cùng với chính quyền địa phương và các ngành chuyên môn đến khảo sát và chỉ đạo di dời các hộ dân bị ảnh hưởng trực tiếp. Lực lượng dân quân cũng đã đến hỗ trợ các hộ dân di dời tài sản. Hiện tại khu vực này vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ bị sạt lở với nhiều vết nứt hiện hữu.
Ông Trần Hoàng Nam, chủ tịch UBND xã Phú Đức, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long cho biết: “Hiện UBND xã đã cho lực lượng ban ngành đoàn thể hỗ trợ người dân di dời đồ đạc và vận động người dân sơ tán đối với những nhà có nguy cơ sạt lở. Đồng thời thực hiện thống kê nhà cửa, dọn đường sá để bà con đi lại trong thời gian trước mắt".
Ngay sau khi xảy ra sạt lở, chính quyền địa phương và các ngành chuyên môn đến khảo sát và chỉ đạo di dời các hộ dân bị ảnh hưởng trực tiếp. |
Theo báo cáo nhanh từ UBND xã Phú Đức đến trưa ngày 9/6 sạt lở đã làm ảnh hưởng trực tiếp đến 2 căn nhà, buộc phải di dời ngay 6 căn nhà bị rạn nứt sân, hàng rào. Chính quyền đang hỗ trợ tháo dỡ.
Ngoài ra, sạt lở còn ảnh hưởng đến 30 ha đất vườn của người dân nơi đây. 100 mét trên tuyến này có dấu hiệu bị sạt lở tiếp. UBND huyện Long Hồ đang khẩn trương đề nghị tỉnh Vĩnh Long sớm hỗ trợ để khắc phục.