Vĩnh Long khuyến cáo nông dân không mở rộng diện tích cam sành

GD&TĐ - Cam sành Vĩnh Long rớt giá bị ứ đọng, những ngày qua các tổ chức đoàn thể, người dân và mạnh thường quân đã cùng chung tay hỗ trợ tiêu thụ.

Chung tay hỗ trợ nông dân tiêu thụ cam sành ở Vĩnh Long.
Chung tay hỗ trợ nông dân tiêu thụ cam sành ở Vĩnh Long.

Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Vĩnh Long Bùi Văn Chiều cho biết, từ sau Tết Nguyên đán đến nay giá cam sành có chiều hướng đi xuống, trong khi sản lượng cam sành đến thời vụ thu hoạch ước khoảng 60.000 tấn.

Hiện các thương lái ở địa phương (HTX, cơ sở thu mua cam sành mỗi ngày khoảng 200 tấn/ngày), thu mua tại vườn với giá dao động từ 1.500 - 4.000 đ/kg. Loại cam sành đã chín, vượt thời gian thu hoạch từ 1 - 2 tháng có giá từ 1.500 - 2.000 đ/kg nhưng ít có thương lái đến mua. Từ đó dẫn đến tình trạng ùn ứ, lượng cam sành trong người dân còn nhiều.

Hội Nông dân tỉnh Vĩnh Long khuyến cáo người dân có cam tới đợt thu hoạch không nên treo lại, vì sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển, tuổi thọ của cây và gây tồn đọng sản lượng cục bộ, làm ảnh hưởng đến giá cả đầu ra sản phẩm. Ngành chức năng sẽ phối hợp mời gọi các tổ chức, cá nhân tham gia hỗ trợ tiêu thụ, tìm đầu ra cho sản lượng cam sành đang còn tồn đọng và sắp thu hoạch.

Trong thời gian tới, Hội Nông dân cũng khuyến cáo người dân không nên tiếp tục mở rộng diện tích cam sành. Người dân cần tham gia vào các tổ hợp tác, HTX cam sành và áp dụng các quy trình sản xuất đảm bảo an toàn thực phẩm, sản xuất tốt để kết nối tìm đầu ra ổn định; tích cực vận động và hỗ trợ nhà vườn tham gia mã số vùng trồng để kết nối thị trường tiêu thụ.

Giá thu mua cam sành giảm mạnh, dao động từ 3.000-5.000 đồng/kg.

Giá thu mua cam sành giảm mạnh, dao động từ 3.000-5.000 đồng/kg.

Chung tay hỗ trợ người nông dân trồng cam.Chung tay hỗ trợ người nông dân trồng cam.

Chung tay hỗ trợ người nông dân trồng cam.

Hội Nông dân tỉnh Vĩnh Long và các cơ quan có liên quan đã tìm hiểu nguyên nhân cam sành ùn ứ, rớt giá. Theo đó, thời điểm thu hoạch cam sành rơi vào tháng 11/2022. Lúc này, thương lái mua với giá 10.000-11.000 đồng/kg, thấy giá thấp nên người dân có thói quen neo lại chờ đến Tết Nguyên đán 2023 mới bán (giá cam sành vào Tết Nguyên đán 2022 là 18.500 đồng/kg).

Tuy nhiên, không như người dân mong đợi, đến Tết Nguyên đán 2023 vừa qua, giá cam sành chỉ còn từ 7.000 - 8.000 đồng/kg. Chính vì vậy, sản lượng cam đến lứa thu hoạch cuối năm 2022 neo lại đến nay đã quá lứa.

Ngoài ra, do thời điểm này, sản lượng cam sành tới vụ thu hoạch nhiều trong khi nhu cầu tiêu thụ thì ít nên xảy ra mất cân đối cung cầu, dẫn đến giá giảm mạnh.

Trước tình hình trên, Hội Nông dân tỉnh Vĩnh Long cho biết, sẽ phối hợp cùng các đơn vị có liên quan mời gọi các tổ chức, cá nhân tham gia hỗ trợ tiêu thụ, tìm đầu ra cho sản lượng cam sành đang còn tồn đọng và sắp thu hoạch; Hỗ trợ đưa sản phẩm cam sành bán trên các sàn thương mại điện tử của các sở, ngành trong tỉnh.

Theo kết quả khảo sát của Hội Nông dân tỉnh Vĩnh Long, toàn huyện Trà Ôn hiện có 9.500 ha diện tích cam sành.Trong đó diện tích cam sành mới cho trái vụ 1 trên 4.000 ha, diện tích cam sành đang cho hiệu quả kinh tế cao là 4.828 ha, còn lại diện tích cam sành kém hiệu quả là hơn 680 ha. Sản lượng cam sành hàng năm thu hoạch khoảng 400.000 - 500.000 tấn/năm.

Chi phí đầu tư cho 1.000 m2 cam sành từ khi trồng đến lúc thu hoạch vụ đầu tiên từ 90-100 triệu đồng, bao gồm tiền thuê đất, lên vườn, đắp mô, máy bơm tưới, phân, thuốc, cây giống, nhân công,...). Nếu sản lượng thu hoạch cam sành từ 10 – 13 tấn/công và với giá bán từ 8.000 – 10.000 đồng/kg thì xem như hoà vốn.

Kể từ vụ thu hoạch thứ 2 trở về sau thì chi phí đầu tư giảm xuống còn từ 40 - 50 triệu đồng/1.000m2, đây là thời điểm người dân thu lợi nhuận nếu giá cam bán từ 5.000 đồng/kg trở lên.

Các hợp tác xã, người dân trồng cam sành cho biết những năm trước với giá ổn định từ 15.000 – 18.000 đồng/kg thì hàng năm lợi nhuận từ 1 -1,2 tỷ đồng/ha.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ