Những ngày tháng gần đây, các địa phương trong cả nước đang chuẩn bị và bắt đầu triển khai nhiều hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ. Trong những ngày này, chính quyền các cấp, các đoàn thể mà trọng tâm là Hội cựu chiến binh tổ chức nhiều hoạt động sôi nổi, rầm rộ, chủ yếu là việc các cá nhân, tổ chức, nhà chức trách thăm và tặng quà cho các gia đình thương binh, liệt sĩ, dâng hương tri ân tại các Nghĩa trang liệt sĩ
Hòa vào không khí chung đó, vừa qua ngày 16/5/2017, Câu lạc bộ Thơ Nhà giáo Việt Nam dã tổ chức kỷ niệm 20 năm thành lập và trong phần phương hướng hoạt động cúa thời gian tới, có ghi rõ: Tháng 7/2017 sinh hoạt thơ về đề tài 70 năm ngày Thương binh liệt sĩ. Và ngày 21/7/2017 Ban Chủ nhiệm CLB sẽ tổ chức một buổi giao lưu thơ kỷ niệm ngày Thương binh liệt sĩ tại thư viện Hà Nội, sẽ tuyển chọn các bài thơ hay để in Tuyển tập.
Đến dự có nhiều hội viên là thương binh và có nhiều hội viên là gia đình liệt sĩ. Đặc biệt CLB rất vinh dự tự hào có nhà giáo hội viên Võ Thị Xuân Lan, nguyên là cán bộ tiền khởi nghĩa, vụ phó Vụ Tổ chức Bộ GD và ĐT, nguyên Bí thư Đảng ủy trường Cán bộ quản lý và trường Đại học Tại chức,nguyên là bí thư Phụ nữ tỉnh Ninh Thuận, cùng với em là nhà giáo Võ Thị Phương Thảo, nguyên là học sinh tỉnh Ninh Thuận được Nhà nước cho đi học ở Liên Xô, khi tốt nghiệp về làm giảng viên của Đại học Quốc gia Hà Nội.
Nhà giáo hội viên Võ Thị Xuân Lan sinh trưởng trong một gia đình có 9 người tham gia cách mạng và 2 người trong số đó là anh hùng LLVT ND và Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Bà sẽ giới thiệu bài thơ "Người chị anh hùng" nói về người chị ruột của mình là liệt sĩ - anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Võ Thị Xuyến, bị giặc Pháp bắt tra tấn dã man, rồi chôn sống. Là chủ nhiệm CLB nên tôi rất quan tâm đến sự kiện này. Tôi đã hỏi chuyện và trao đổi rất nhiều với hội viên Võ Thị Xuân Lan về người chị anh hùng và tôi xin ghi lại những thông tin về cuộc trao đổi đó để độc giả cùng nghe.
Anh hùng liệt sĩ Võ Thị Xuyến sinh năm 1924 trong một gia đình viên chức nhỏ , tại thôn Thanh Ly, xã Bình Nguyên, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Chị đã tham gia cách mạng rất sớm từ lúc còn nhỏ tuổi. Từ năm 1936 đến năm 1940 đã làm liên lạc cho Cách mạng, đặc biệt cho đồng chí Phan Nhung, nguyên ủy viên thường vụ Thành ủy Sài Gòn Chợ Lớn.
Đồng chí Nhung là con của dì ruột liệt sĩ Võ Thị Xuyến và là con nuôi của gia đình chị, người đã dìu dát cả gia đình tham gia cách mạng.Từ năm 1943 đến tháng 8 năm 1945 chị Xuyến làm liên lạc cho đồng chí Phan Phú tức Phan Tăng Hồ, nguyên chủ nhiệm Việt Minh huyện Liêm Thuận (cũ), tỉnh Bình Thuận. Năm 1947 được đồng chí Nguyễn Côn, bí thư Ban cán sự Cực Nam (sau này là Phó Thủ tướng Chính phủ) cử đồng chí Phan Phú làm chủ nhiệm Việt Minh tỉnh Đồng Nai Thượng, trên đường đi công tâc đồng chí đã bị hy sinh tháng 5/1947 tại Suối Vàng, Song Quao, Bình Thuận.Từ tháng 8 năm 1945 đến 23/9/1945 chị Võ Thị Xuyến tham gia khởi nghĩa ở Đồng Nai Thượng, thành lập chính quyền cách mạng và là đại biểu phụ nữ vùng Hà Lôn tỉnh Đồng Nai Thượng.
Từ tháng 9/1945 đến tháng 5/1946 chị là cứu thương trên chiến trường Bảo Lộc Lâm Đồng và Ninh Thuận.Về công việc này chị đã có những thành tích nổi bật. Đầu năm 1946 theo chủ trương của trên, một số đơn vị đã tiến hành giải thể, một số thương, bệnh binh được đưa về khu V để điều trị. Chị được giao nhiệm vụ cùng với bệnh viện Phương Cựu Ninh Thuận vận chuyển thương, bệnh binh. Đoàn công tác đến Mỹ Tường, Ninh Hải, Ninh Thuận thì bị địch phát hiện, tấn công dữ dội, nhiều cán bộ, chiến sĩ bị thương và hy sinh.
Chị đã tìm cách đưa những người còn sống vào ẩn náu trong nhà dân nhờ nhân dân giúp đỡ và báo cáo về cấp trên xin cứu viện , đồng thời tập trung chôn cất những đồng chí đã hy sinh.Từ tháng 6/1946 đến tháng 10/1946 chị làm Chủ nhiệm Việt Minh thị xã Phan Rang – Tháp Chàm, Ninh Thuận.Tháng 6/ 1946 có lệnh tập trung, tái lập những đơn vị đã giải tán trước đây, chị cùng với đội công tác biết được nơi nuôi giấu cán bộ, chiến sĩ đã phân công đi tập hợp lực lượng và vận động thanh niên địa phương tham gia chiến đấu.
Trong một chuyến đi công tác vận động, chị bị địch bắt tại bến đò Trị Thủy, Ninh Hải, Ninh Thuận. Để khai thác thông tin từ đội công tác, bọn địch đã đánh đập tra tấn chị dã man. Tuy vậy tuyệt nhiên chúng không lấy được lời khai nào từ chị. Biết không thể khuất phục được tinh thần của người chiến sĩ cách mạng ấy, bọn địch đã đem chị ra bìa rừng xử bắn để uy hiếp tinh thần các đồng chí trong đội công tác, hòng lấy lời khai từ những cán bộ khác.
Tuy nhiên, khiếp sợ trước tinh thần đấu tranh của quần chúng nhân dân, bọn địch không dám bắn chị. Sau khi dùng đủ mọi cách, bọn địch chỉ duy nhất biết được một câu: “Chúng tôi là dân quê không biết gì”. Biết không thể khai thác được gì thêm, bọn chúng phải tha đội công tác, trong đó có chị.
Ngày 14/9/1946, Chính phủ ta ký với Pháp bản Tạm ước, quy định hai bên tạm dừng xung đột. Nhằm để cho nhân dân hiểu rõ những nội dung của Bản tạm ước, chị cùng với một số cán bộ của Ninh Thuận được giao nhiệm vụ xuống địa phương để tuyên truyền giải thích, vận động nhân dân.
Trong khi đang làm nhiệm vụ chị bị địch bắt, toàn bộ tài liệu, vũ khí không kịp cất giấu. Biết chị là cán bộ chủ chốt, chúng tìm cách mua chuộc, nhưng không được. Vì vậy bọn chúng đã tra tấn chị dã man để khai thác thông tin. Nhiều lần bị đánh đến ngất đi rồi tỉnh lại, chị vẫn kiên trung, giữ vững ý chí sắt đá của người chiến sĩ cách mạng, không tiết lộ bí mật.
Những lúc được gặp những cán bộ cùng bị bắt, chị luôn đọng viên, nhắc nhở: “Các đồng chí hãy cứng rắn, cố gắng chịu đựng kiên quyết không khai, tuyệt đối không được phản bội Tổ quốc, không được phản bội đồng bào, bà con mình”.
Sau nhiều lần tra tấn bằng những trận đòn dã man, tàn khốc, bọn địch vẫn không khai thác được gì. Biết không thể nào khuất phục được tinh thần của người con gái kiên trung, người chiến sĩ cách mạng của vùng đất MIền Trung kiên cường, bọn địch đã đào hố sâu, thả chị xuống và lấp đất dần dần, chôn sống chị.
Chị đã anh dũng chấp nhận cái chết dần vào ngày 30/10/1946, khi vào tuổi đôi mươi. Sự hy sinh của chị làm cho quân thù khiếp sợ, trở thành tấm gương sáng, thúc đẩy phong trào cách mạng ở địa phương, làm dấy lên lòng sôi sục căm thù trong cán bộ và nhân dân trước hành động dã man của kẻ thù. Tấm gương hy sinh anh dũng của chị được ghi nhớ mãi trong lịch sử đấu tranh hào hùng của quân và dân Ninh Thuận nói riêng và dân tộc Việt Nam nói chung.
Gương sáng của chị được ghi lại trong cuốn “Phụ nữ Nam Trung Bộ trong sự nghiệp kháng chiến cứu nước (1930 – 1975)” của Nhà xuất bản Đà Nẵng và nhiều tài liệu khác. Ngày 12/12/1991, cố Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt đã ký quyết định số 279 – TTg công nhận Liệt sĩ và truy tặng Bằng Tổ quốc ghi công cho đồng chí Võ Thị Xuyến, hy sinh trong kháng chiến chống Pháp.
Với khí tiết, tấm gương hoạt động và sự hy sinh anh dũng của chị, Ban Chỉ huy quân sự thành phố Phan Rang Tháp Chàm và Ban Quân sự tỉnh Ninh Thuận xét thấy đồng chí Võ Thị Xuyến đủ điều kiện đã đề nghị Hội đồng thi đua - khen thưởng thành phố, UBND thành phố và Ban Thường vụ Thành ủy xét đề nghị truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. UBND và thường vụ Thành ủy đã đề nghị lên Nhà nước và đồng chí đã được Nhà nước truy tặng danh hiệu AHLLVTND ngày 21/10/2014 với Quyết định số 2689/QĐ – CTN.
Trong bài viết “Chuyện về nữ chủ nhiệm Việt Minh anh hùng”, sau khi đã nêu thành tích và sự hy sinh anh dũng đặc biệt của chi Võ Thị Xuyến, tác giả Bảo Ngọc đã kết luận: “Chị Võ Thị Xuyến, Người Chủ nhiệm Việt Minh thị xã Phan Rang – Tháp Chàm đã trút hơi thở cuối cùng vào ngày 30/10/1946, vào tuổi đôi mươi, khi biết bao hoài bão cách mạng tuổi thanh xuân còn dang dở. Tinh thần cách mạng, khí phách anh hùng của chị làm kẻ thù khiếp sợ, là tấm gương sáng ngời mãi về ý chí cách mạng để lớp trẻ, mọi người noi theo. Chị là niềm tự hào của quê hương Quảng Nam và nhân dân, cán bộ tỉnh Ninh Thuận trong kháng chiến hôm nay và mai sau”
Trong bài thơ của nhà giáo hội viên Võ Thị Xuân Lan nói về người chị ruột anh hùng của mình, đọc tại Thư viện Hà Nội trong buổi giao lưu thơ của CLB Thơ Nhà giáo Việt Nam kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7 2017) có các đoạn:
“Mỹ đã thua rồi, giặc dữ ơi / Dù nhiều gươm súng ở trên đời
Vẫn không khuất phục người nhi nữ
Giữa tuổi thanh xuân bước vào đời
Chị đã hy sinh rồi chị ơi/ Giữa đêm vằng vặc ánh sao trời
Như một thiên thần vào vĩnh cửu/Yêu thương kính phục cho bao người
Chị đã hy sinh rồi, chị ơi/ Để em đứng lặng giữa đất trời
Khắc dáng hình chị vào tâm khảm/ Không còn nước mắt để lệ rơi”
Vâng, nhà giáo hội viên Võ Thị Xuân Lan đã khóc nhiều mỗi khi nghĩ tới cái chết đau thương và anh dũng của người chị ruột mình và khi đọc bài thơ này, còn chúng tôi cũng cảm động không ngăn được dòng nước mắt, với niềm vinh dự tự hào, tiếc thương và kinh phục chị Võ Thị Xuyến, người nữ anh hùng của Tổ quốc Việt Nam.