Kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2017): “Đền ơn đáp nghĩa” bằng trách nhiệm, nghĩa tình và nét đẹp nhân văn

GD&TĐ - Giữa những ngày Tháng bảy nghĩa tình này, nhắc nhở những người con đất Việt ở khắp mọi miền đất nước đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”,“Đền ơn đáp nghĩa”. 

Kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2017): “Đền ơn đáp nghĩa” bằng trách nhiệm, nghĩa tình và nét đẹp nhân văn

Đây là trách nhiệm, tình cảm và nét đẹp nhân văn của dân tộc Việt Nam. Kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ hằng năm là dịp tri ân những anh hùng, liệt sĩ, người có công trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đã anh dũng hy sinh hoặc để lại một phần thân thể ở chiến trường.

Trong lịch sử dựng nước và giữ nước hàng nghìn năm của dân tộc đã chứng kiến lớp lớp thế hệ người Việt Nam với tinh thần yêu nước, thương nòi; với ý chí kiên cường, bất khuất và lòng thủy chung, nhân hậu đã không tiếc máu xương, công sức của cải để giữ gìn độc lập tự do, thống nhất Tổ quốc, xây đắp giang sơn. Với sự hy sinh của đông đảo quần chúng, của chiến sĩ, anh hùng kế tiếp nhau trong lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Máu đào của các liệt sĩ ấy đã làm cho lá cờ cách mạng thêm đỏ chói. Sự hy sinh anh dũng của liệt sĩ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do”.

Chứng kiến những hy sinh, mất mát lớn của dân tộc, Người không chỉ dành tình cảm đặc biệt đối với thương binh, gia đình liệt sĩ và gia đình có công với Tổ quốc “xin kính cẩn cúi chào vong linh các anh chị em đã bỏ thân vì nước và các đồng bào đã hy sinh trong cuộc đấu tranh cho nước nhà. Sự hy sinh đó không phải là uổng”.

Kế thừa truyền thống quý báu đó của dân tộc ta, trong thời đại Hồ Chí Minh, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân ta đã viết nên những trang sử vẻ vang trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm giành độc lập, tự do và thống nhất đất nước; với Cách mạng tháng Tám năm 1945, lập ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; với chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, đánh đổ ách thực dân, giải phóng một nửa giang sơn. Và với ý chí “không có gì quý hơn độc lập tự do”, quân và dân ta đã tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước trường kỳ gian khổ, làm nên đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đưa cả nước vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Trong các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, hàng triệu người con ưu tú của dân tộc ta, mà phần lớn là thanh niên đã hiến dâng tuổi thanh xuân và cả cuộc sống của mình cho đất nước. Họ ngã xuống trên chiến trường, hoặc khi trở về đã mang trên mình thương tật suốt đời. Hàng triệu thân nhân liệt sĩ, những bậc ông bà, cha mẹ, những người chồng, người vợ và những người con đã mãi mãi không thể gặp lại người thân yêu nhất của mình.

 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Chính họ đã làm rạng rỡ dân tộc, vẻ vang giống nòi. Họ chết cho Tổ quốc sống mãi…, tinh thần của họ luôn sống với non sông Việt Nam”. Đảng, Nhà nước và nhân dân ta mãi mãi ghi tạc và đời đời biết ơn sự hy sinh, cống hiến to lớn đó. Các thế hệ người Việt Nam sẽ luôn tự hào và nguyện sống xứng đáng với những hy sinh cao cả của các thế hệ cha anh.

Cứ đến tháng bảy hàng năm, cả nước lại tràn ngập không khí tri ân những người có công với nước. Ngày càng có nhiều hoạt động đền ơn đáp nghĩa, quan tâm đời sống các gia đình liệt sĩ, thương binh, Bà Mẹ Việt Nam anh hùng, chăm sóc phần mộ các liệt sĩ, tổ chức những hoạt động về nguồn đầy xúc động... Tri ân những người hy sinh vì nước đã trở thành một nét đẹp văn hóa trong đời sống xã hội. Những việc làm đó còn có ý nghĩa giáo dục cho lớp trẻ hôm nay về một thời oanh liệt của đất nước, về đạo lý uống nước nhớ nguồn.

Hiện nay, mọi người được sống trong thanh bình, chúng ta càng nhớ tới công lao và sự hy sinh to lớn của các thương binh và liệt sĩ. Những năm qua, Đảng, Nhà nước đã đặc biệt quan tâm đến chính sách đối với thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công.

Các cấp, các ngành, đoàn thể và chính quyền địa phương đã thể hiện bằng những việc làm thiết thực để chăm sóc sức khỏe, tạo công ăn việc làm, giúp đỡ về nhà ở; con em của họ được ưu tiên xét tuyển, giảm tiền đóng góp xây dựng trường, được tặng học bổng, trợ cấp…

Không những chăm lo người còn sống, chúng ta còn có nhiều hoạt động quan tâm chăm sóc nơi an nghỉ của những người đã khuất như: xây dựng, tu sửa các nghĩa trang liệt sĩ, đài tưởng niệm, cầu siêu cho hương hồn các liệt sĩ được ấm lòng nơi chín suối… phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” đã và đang lan tỏa sâu rộng ở tất cả các cấp, các ngành, các địa phương mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần phụng dưỡng 100% Bà mẹ Việt Nam anh hùng.

Đến nay, hơn 96% gia đình chính sách có mức sống trung bình trở lên so với dân cư cùng địa bàn cư trú và xuất hiện nhiều tấm gương người có công làm kinh tế giỏi, giúp đỡ ngày càng nhiều đối tượng con thương binh, liệt sĩ có việc làm ổn định, đóng góp xứng đáng vào xây dựng và phát triển kinh tế xã hội.

Thực hiện Chỉ thị 05 ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo dức, phong cách Hồ Chí Minh, các phong trào toàn dân chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ không chỉ góp phần ổn định và nâng cao mức sống của thương, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, góp phần ổn định tình hình chính trị - xã hội, củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, mà còn có tác dụng giáo dục toàn dân, đặc biệt là thế hệ trẻ về lòng yêu nước, truyền thống ân nghĩa bằng trách nhiệm và tấm lòng nghĩa tình, thực hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây”, lòng tự hào, tự tôn dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Sự quan tâm này được thể hiện sinh động bằng những hoạt động hết sức thiết thực, phù hợp với đạo lý truyền thống nhân văn ngàn đời của dân tộc Việt Nam và phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của đất nước trong từng giai đoạn cách mạng.

Tuy nhiên, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” ở một số địa phương vẫn còn chưa làm thật tốt chính sách đối với các đối tượng có công, có biểu hiện chạy theo hình thức, phát động phong trào theo “thời vụ”. Có địa phương thiếu sự quan tâm, hằng năm chỉ đến dịp Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27-7 hoặc lễ, Tết mới cử cán bộ đến thăm hỏi, tặng quà.

Việc chăm sóc sức khỏe khi đau yếu, việc chữa trị những vết thương do chiến tranh để lại, việc chăm lo học hành và giải quyết việc làm chưa được chu đáo và vẫn còn những người, những gia đình chưa được hưởng đầy đủ những chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước ta… đang để lại nỗi thương đau khắc khoải trong lòng những người thân.

Đền ơn đáp nghĩa không chỉ thực hiện một ngày, một tháng, mà phải được tiến hành thường xuyên, quanh năm. Từ thực tiễn công tác thương binh, liệt sĩ và người có công những năm qua cho thấy, các ngành, đoàn thể và địa phương cần có nhiều hình thức, biện pháp và cách làm sáng tạo trong việc chăm lo cuộc sống gia đình có công với cách mạng nhằm thiết thực phát huy truyền thống và đạo lý dân tộc, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hướng đến mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.