Vĩnh biệt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Một nhân cách lớn, một nhà lý luận xuất sắc

GD&TĐ - Sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là mất mát to lớn của Đảng, Nhà nước, Nhân dân.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Dù đau buồn trước mất mát này, nhưng người dân bày tỏ niềm tin vững chắc rằng, những di sản mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để lại sẽ được các thế hệ tiếp nối gìn giữ và phát huy.

Hình ảnh một Tổng Bí thư giản dị, gần gũi

Ông Phan Cao Lạc - Chủ tịch UBND xã Nam Triều (Phú Xuyên, Hà Nội) bày tỏ, sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là mất mát vô cùng lớn lao đối với Đảng, chính quyền và Nhân dân cả nước, đặc biệt là người dân Thủ đô Hà Nội.

Ông kể, Tết Nguyên đán năm 2012 Tổng Bí thư về thăm hỏi, động viên người dân Phú Xuyên. Hình ảnh bác Tổng Bí thư giản dị, gần gũi nhưng đầy uy nghiêm sẽ mãi mãi là nguồn động lực lớn lao cho huyện Phú Xuyên nói chung và xã Nam Triều nói riêng tiếp tục phấn đấu, vươn lên trong lao động, sản xuất.

“Dù biết rằng sinh lão bệnh tử không trừ một ai trong cõi nhân sinh, nhưng đây là mất mát to lớn của dân tộc ta. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với Nhân dân thật là gần gũi, như người anh cả với các em, như người cao tuổi với đàn con cháu. Hoàn toàn không có sự quan cách trong con người của ông, một lãnh đạo giản dị, khiêm nhường mà chúng ta đã thấy. Tôi là đảng viên thuộc Đảng bộ xã Đông Xuân, hơn lúc nào hết, càng vinh dự, tự hào được làm công dân Thủ đô thì càng phải thấy trách nhiệm của mình để không ngừng tu dưỡng, phấn đấu và rèn luyện về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức”, ông Đinh Công Vụ - Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Đông Xuân (huyện Quốc Oai, Hà Nội) xúc động nói.

Tháng 7/2016, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có chuyến công tác tại một số tỉnh Tây Bắc. Chuyến thăm ấy đã để lại tình cảm, ấn tượng sâu sắc đối với đồng bào các dân tộc nơi đây. “Tôi vẫn còn nhớ như in hình ảnh Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới thăm xã Bản Bo vào 8 năm trước. Sự gần gũi và quan tâm của ông khiến ai cũng rất xúc động. Qua đó, tăng thêm tinh thần đoàn kết, củng cố niềm tin của Nhân dân với sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước”, ông Đèo Văn Tình, Chủ tịch UBND xã Bản Bo (Tam Đường, Lai Châu) nhắc lại kỷ niệm với Tổng Bí thư.

Theo ông Tình, trong chuyến thăm, Tổng Bí thư mong muốn bà con các dân tộc trên địa bàn tiếp tục đoàn kết, thống nhất, vượt qua khó khăn, tập trung phát triển mạnh kinh tế. Giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, làm tốt công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh. “Khi nghe tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần, cán bộ, đảng viên, Nhân dân các dân tộc ở xã Bản Bo, đều bày tỏ tiếc thương, lòng thành kính đối với một người lãnh đạo xuất sắc, một đảng viên kiên trung” - ông Tình xúc động.

Sau chuyến thăm Lai Châu, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tới thăm xã Pom Lót (huyện Điện Biên, Điện Biên) vào ngày 16/7/2016. “Tôi may mắn được trong đoàn đón Tổng Bí thư đến thăm Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân xã Pom Lót. Điều đọng lại trong tôi và mọi người về Tổng Bí thư là tác phong làm việc hết sức giản dị, gần gũi với cán bộ, Nhân dân. Tổng Bí thư đi từ dưới hội trường lên, mặc một chiếc áo màu nâu cộc tay, nở nụ cười thân thiện và bắt tay hết lượt khoảng 100 người trong hội trường”, ông Đoàn Đình Sứng (khi đó là cán bộ Tư pháp - Hộ tịch xã Pom Lót) nhớ lại.

vinh biet tong bi thu nguyen phu trong (3).jpg
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm hỏi động viên Nhân dân các dân tộc xã Bản Bo, huyện Tam Đường (Lai Châu).

Dân yêu gọi “đường Bác Trọng”

Nhân dân các dân tộc xã Võ Miếu (Thanh Sơn, Phú Thọ) gọi con đường khang trang qua xã là đường “Bác Trọng” - con đường của lòng dân.

“Đầu tháng 4/2014, tôi và người dân trong xã vinh dự, vui mừng được gặp Tổng Bí thư nhân dịp ông về thăm, làm việc tại đây. Tại buổi gặp gỡ này, người dân Võ Miếu đã mạnh dạn bày tỏ nguyện vọng với Tổng Bí thư, mong muốn Nhà nước quan tâm đầu tư cải tạo, nâng cấp tuyến đường ĐT316C đi từ xã Thục Luyện qua xã Võ Miếu. Bởi tuyến đường này hẹp, xuống cấp, có đập tràn rất khó khăn cho người dân đi lại... Ngay sau đó, con đường được đầu tư, nâng cấp, người dân Võ Miếu tự nguyện hiến đất mở rộng đường. Tuyến đường hoàn thành giúp người dân đi lại thuận lợi, đời sống kinh tế của Nhân dân được cải thiện. Chúng tôi rất phấn khởi và thường gọi đó là “đường Bác Trọng”, ông Hà Quang Nguyện (SN 1961, dân tộc Mường) là người có uy tín ở Xóm Bần 1, xã Võ Miếu nhớ lại.

Bà Phùng Thị Vân (SN 1953, dân tộc Mường, Xóm Trại, xã Võ Miếu cũng là người may mắn được gặp và nói chuyện với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào năm đó) mắt ngấn lệ. “Nghe tin bác Nguyễn Phú Trọng từ trần, tôi không thể cầm được nước mắt. Người dân chúng tôi vô cùng thương tiếc. Bác đã suốt đời phục vụ Đảng, phục vụ Nhân dân, quan tâm đến đời sống của tất cả các dân tộc”.

Đã hơn 10 năm nhưng cảm xúc lần đầu gặp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vẫn còn vẹn nguyên trong trái tim của bà Hoàng Thị Hồng Lý (Tùng Châu, Tùng Ảnh, Đức Thọ, Hà Tĩnh). Ngày 28/4/2014, nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Trần Phú - Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng, người dân Tùng Ảnh vinh dự đón Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về thăm và dự lễ kỷ niệm. Bà Lý làm công tác phụ trách truyền thanh của xã được giao nhiệm vụ thông báo trên loa phát thanh để người dân được biết. Nhận thông tin bà khấp khởi thực hiện ngay và mong ngóng được gặp Tổng Bí thư.

“Những năm qua, qua các phương tiện truyền thông, tôi đều theo dõi, cảm nhận được sự gần gũi, sẻ chia của người đứng đầu Đảng đối với cán bộ và các tầng lớp Nhân dân. Tổng Bí thư đã ân cần thăm hỏi, động viên bà con Nhân dân khiến ai cũng thấy gần gũi, ấm áp. Dù ông đã về cõi vĩnh hằng, nhưng hình ảnh về một vị lãnh đạo sáng suốt, gần dân vẫn sẽ luôn đọng lại mãi trong tâm trí tôi”, bà Lý chia sẻ.

vinh biet tong bi thu nguyen phu trong (5).jpg
Nhân dân các dân tộc Đắk Lắk luôn ghi nhớ lời thăm hỏi, động viên của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: VT

Di sản Tổng Bí thư sẽ được kế thừa và phát huy

Trong 2 lần đến thăm và làm việc tại Quảng Trị (2015 và 2017), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đều dành cho người dân nơi đây tình cảm ân cần, đồng thời có những chỉ đạo, gợi ý cho sự phát triển của địa phương. Ông Đặng Thông (94 tuổi, ở xã Triệu Thành, huyện Triệu Phong, cán bộ lão thành cách mạng, 65 năm tuổi Đảng) vinh dự khi được trực tiếp trò chuyện cùng Tổng Bí thư.

“Tổng Bí thư bắt tay các cán bộ nghỉ hưu, hỏi han tình hình đời sống người dân. Ông luôn tình cảm, nhẹ nhàng, thân mật, quan tâm đến thu nhập, cuộc sống người dân. Nghe tin Tổng Bí thư từ trần, tôi rất thương tiếc. Ông là lãnh đạo gần dân, suốt đời vì Nhân dân phục vụ, luôn dốc hết sức mình để cống hiến cho đất nước”, ông Đặng Thông bày tỏ.

Ông Thông nói rằng, trong lần tiếp xúc hôm đó và sau này, qua theo dõi công tác chỉ đạo, điều hành đất nước, ông nhận thấy Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người tài năng, trí tuệ và đức độ. Đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng và Tổng Bí thư đã có nhiều đổi mới, phát triển toàn diện cả về đối nội, đối ngoại, an ninh quốc phòng, uy tín với quốc tế được nâng lên.

Đề cập đến công cuộc chống tham nhũng do Tổng Bí thư chỉ đạo, ông Đặng Thông cho rằng, Tổng Bí thư là người rất quyết liệt, sắc sảo, kiên quyết đấu tranh với tệ nạn tham nhũng, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Nếu để tham nhũng kéo dài sẽ kìm hãm sự phát triển đất nước, làm mất lòng tin trong Nhân dân. Tuy nhiên, nhờ chống tham nhũng quyết liệt như vậy đã lấy lại niềm tin đối với Nhân dân cả nước.

Những ngày này, Tiến sĩ Lê Bích Thắng (SN 1950, huyện Hoằng Hoá, Thanh Hoá), cựu cán bộ Bộ Tài nguyên và Môi trường lại mang những tấm ảnh chụp cùng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ra ôn lại ký ức. Với bà Thắng, đó là những tư liệu quý giá mà bà có khi được gặp gỡ, trò chuyện cùng Tổng Bí thư.

Bà Thắng cho biết, bà vô cùng vinh dự vì là thế hệ đàn em của Tổng Bí thư được đào tạo tại Liên Xô. Trong quá trình công tác bà nhiều lần được gặp Tổng Bí thư. Đặc biệt, năm 2023, bà được gặp gỡ, nắm tay, trò chuyện cùng Tổng Bí thư trong Hội nghị “60 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp mặt đội ngũ trí thức và 40 năm ngày thành lập Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam”.

Ấn tượng của bà Thắng về Tổng Bí thư là một người mẫu mực, tận tụy, hết lòng vì dân vì nước; thân thiện, cởi mở, chân tình, gần gũi. “Bàn tay của Tổng Bí thư rất ấm, tôi được nắm tay Tổng Bí thư và trò chuyện với ông suốt 20 phút. Tổng Bí thư mất đi là một tổn thất rất lớn, để lại niềm thương tiếc sâu sắc trong Nhân dân. Đây là những ngày đau buồn nhất của cả dân tộc Việt Nam. Tôi tin tưởng, những di sản chính trị quý báu và đồ sộ mà Tổng Bí thư để lại sẽ được kế thừa và phát huy hơn nữa, nhằm thúc đẩy sự nghiệp đổi mới của Việt Nam; đưa đất nước Việt Nam vươn lên trở thành một nước xã hội chủ nghĩa giàu mạnh và phát triển”, bà Thắng nói.

vinh biet tong bi thu nguyen phu trong (10).jpg
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trồng cây lưu niệm tại Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh (TP Cà Mau).

“Trái tim lớn” sống mãi trong lòng dân

Trái tim lớn đã ngừng đập nhưng những đóng góp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mãi để lại ấn tượng sâu sắc và tình cảm đặc biệt trong lòng cán bộ Đảng viên và Nhân dân Thừa Thiên Huế.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND huyện A Lưới nhớ lại, sáng 17/3/ 2014, Tổng Bí thư và đoàn công tác Trung ương đến thăm bà con các dân tộc xã Hồng Hạ, huyện A Lưới - huyện nghèo nhất của tỉnh Thừa Thiên Huế. Đây là xã tập trung 5 dân tộc anh em cùng sinh sống là Katu, Pacô, Pahy, Tà ôi và Kinh.

Qua trò chuyện, Tổng Bí thư mong muốn Đảng bộ, Nhân dân trong xã tiếp tục phát huy truyền thống anh hùng, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, không cam chịu đói nghèo; và ghi nhận, ủng hộ đề xuất của xã về việc xây dựng nhà Rông truyền thống để cán bộ, đảng viên, Nhân dân trong xã có nơi sinh hoạt văn hóa, tổ chức các lễ hội truyền thống.

“Được gặp và trò chuyện với bác Nguyễn Phú Trọng, tôi thấy bác rất giản dị, gần gũi và yêu quý đồng bào dân tộc. Qua buổi trò chuyện, người dân thêm niềm tin sâu sắc vào đường lối của Đảng dưới tư tưởng, chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng”, Chủ tịch UBND huyện A Lưới bày tỏ cảm xúc.

“Tôi vẫn nhớ đó là một chiều muộn, Huế vừa có một trận mưa lớn nhưng Tổng Bí thư và đoàn công tác vẫn đúng lịch vào thăm khu di sản Hoàng cung Huế. Dù đã được đón tiếp nhiều vị lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước, các nguyên thủ quốc gia đến thăm khu di sản Cố đô nhưng tôi vẫn rất ấn tượng bởi phong cách giản dị, thái độ chân thành cùng sự am hiểu sâu sắc của đồng chí Tổng Bí thư về lĩnh vực văn hóa, di sản.

Khi thăm điện Thái Hòa và các cung điện bên trong Tử Cấm thành, Tổng Bí thư đã nghe chúng tôi giới thiệu rất chăm chú đồng thời luôn đưa ra những nhận xét ngắn gọn nhưng rất chuẩn xác về giá trị, ý nghĩa sâu sắc cũng như sự kết nối, kế thừa của di sản văn hóa thời Nguyễn trong dòng chảy lịch sử văn hóa của dân tộc”, ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa & Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế nhớ lại.

Từ vùng biên giới của huyện Tuy Đức (Đắk Nông), nghe tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần, cán bộ, đảng viên và người dân các dân tộc vô cùng tiếc thương người lãnh đạo trọn đời vì nước, vì dân.

Ông Điểu Khanh (người MNông) - Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Trực xúc động nói: “Nghe tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần, cán bộ, Đảng viên và Nhân dân xã Quảng Trực vô cùng tiếc thương. Đây là mất mát lớn lao của Đảng, Nhà nước, của Nhân dân, đặc biệt trong bối cảnh nước ta đang triển khai quyết liệt công tác xây dựng Đảng, phòng chống tham nhũng có dấu ấn rất lớn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Cán bộ, đảng viên và Nhân dân các dân tộc trong xã vẫn luôn nhớ lời Tổng Bí thư căn dặn, phải luôn đoàn kết, đồng lòng, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, tiếp tục ra sức học tập, nỗ lực phấn đấu xây dựng vùng biên giới giàu mạnh”.

Anh Điểu Ngót (người MNông) - Bí thư Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh xã Quảng Tâm (Tuy Đức, Đắk Nông) chia sẻ: “Thế hệ trẻ trong xã vô cùng thương tiếc một người lãnh đạo trí tuệ, bản lĩnh, tận tuỵ vì nước vì dân, người luôn dành những tình cảm đặc biệt cho thế hệ trẻ và người dân vùng sâu vùng xa. Chúng tôi, lớp thanh niên luôn khắc ghi lời Tổng Bí thư căn dặn, phải luôn phát huy tinh thần đoàn kết, đồng lòng, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước. Chúng tôi sẽ cố gắng học tập, làm ăn, phát triển sản xuất, ra sức xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp.”

Trong ký ức của già làng Ama Nem (buôn Dur Kmăl, xã Dur Kmăl, huyện Krông Ana) vẫn còn nguyên vẹn những cử chỉ ân cần thăm hỏi, những lời động viên chia sẻ những khó khăn của Tổng Bí thư với bà con trong xã. Điều đó, cũng tiếp thêm niềm tin của đồng bào vào các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

“Thời gian qua, Tổng Bí thư và Trung ương làm rất mạnh phòng chống tiêu cực, chống tham nhũng lãng phí, nhắc nhở cán bộ cho tốt với người dân. Nên đồng bào Tây Nguyên, buôn làng chúng tôi rất đồng tình ủng hộ,tin tưởng lắm! Tôi cũng mong muốn, thời gian tới Đảng, Nhà nước tiếp tục quan tâm để đồng bào dân tộc ngày càng phát triển hơn nữa”, già Ama Nem chia sẻ.

vinh biet tong bi thu nguyen phu trong (9).jpg
Cựu chiến binh ở Cà Mau lập di ảnh, bàn thờ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Đất nước mất đi một lãnh đạo hiền, tài

Những đóng góp to lớn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với sự nghiệp của Đảng, của dân tộc đã để lại ấn tượng sâu sắc và tình cảm đặc biệt trong lòng thế hệ trẻ TPHCM. Chiều 19/7, nhận được tin đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần trên các kênh thông tin chính thức của Đảng và Nhà nước, Lê Nguyễn Quỳnh Như, Phó Bí thư Đoàn Khoa Báo chí và Truyền thông (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TPHCM) không kìm được xúc động.

“Ngày bác mất là ngày buồn của dân tộc. Người cộng sản ấy đã dành trọn con tim, cuộc đời của mình để “tận trung với Đảng, tận hiếu với dân”. Lần đầu tiên trong cuộc đời, em cảm nhận được rõ niềm xót xa trước sự ra đi của một vị lãnh tụ dân tộc lớn và mãnh liệt đến nhường nào”, Quỳnh Như xúc động nói.

Với ThS Trần Nam, Trưởng phòng Công tác sinh viên, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TPHCM), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được Nhân dân yêu mến bởi nhân cách chuẩn mực, sự giản dị, bao dung, tình yêu thương Nhân dân, tận tụy hết lòng vì sự phát triển phồn vinh của dân tộc; bởi sự quyết liệt trong công cuộc xây dựng và chỉnh đốn Đảng, phòng chống tham nhũng.

Theo ông Trần Nam, đất nước ta dưới sự lãnh đạo của Đảng, trong đó có vai trò rất lớn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã vượt qua rất nhiều khó khăn của bối cảnh địa - chính trị, bối cảnh kinh tế rất nhiều thách thức để rồi đất nước ta luôn ở trong vị trí cao của thế giới về sự phát triển kinh tế, kiến tạo môi trường phát triển ổn định, người dân được thụ hưởng những thành quả của sự phát triển ấy.

“Nhân cách, phong cách, quan điểm, lối sống của đồng chí Tổng Bí thư nhắc nhở chúng ta về việc phải sửa đổi bản thân, sửa đổi lề lối làm việc một cách liên tục để ngày mai chúng ta sẽ tốt hơn ngày hôm nay. “Thật tiếc thương khi đất nước mất đi một người lãnh đạo hiền, tài”, ông Trần Nam bày tỏ.

Với người dân Cà Mau - vùng đất tận cùng cực Nam Tổ quốc, tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần là một mất mát lớn.

Cựu chiến binh Nguyễn Ngọc Ngưng (ngụ Phường 9, TP Cà Mau) cho biết, hay tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần, ông cảm thấy như mất đi người thân trong gia đình. “Tôi theo dõi thông tin thời sự hằng ngày, rất nể trọng nhân cách, đạo đức, cũng như tấm lòng vì dân, vì nước của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Bác Trọng luôn xuất hiện với hình ảnh gần gũi, giản dị, nhưng hành động thì cứng rắn, quyết liệt, đặc biệt là trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Những câu nói của ông luôn đi đôi với làm và làm đạt hiệu quả”, ông Ngưng bày tỏ tình cảm.

Ông Trần Thanh Liêm - nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Cà Mau chia sẻ: “Lúc nghe Bộ Chính trị thông cáo trên báo chí tình hình sức khỏe của Tổng Bí thư, nói bác đang được tập trung điều trị tích cực, tôi vẫn hy vọng bác mau khỏi bệnh để tiếp tục điều hành đất nước. Khi hay tin bác từ trần, tôi vô cùng đau xót. Đất nước mất đi người lãnh đạo tài giỏi, hết lòng vì sự nghiệp cách mạng, vì dân, vì nước. Nhân dân mất đi một vị lãnh tụ đáng kính. Mặc dù bác Trọng ra đi, nhưng di sản mà bác để lại cho Đảng, cho đất nước vô cùng to lớn. Tôi tin tưởng đội ngũ cán bộ kế thừa sẽ phát huy tốt di sản của bác, xây dựng Đảng ngày càng trong sạch vững mạnh, đất nước Việt Nam ngày càng phồn thịnh”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ