GS.NGND Nguyễn Kim Đính nguyên là Chủ nhiệm Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (1988-1991), nay là Khoa Văn học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.
GS Nguyễn Kim Đính là giảng viên trực tiếp dạy lớp Văn Khóa 8 (1963 - 1967) vàhết sức ấn tượng về người học trò đặc biệt này.
Ấn tượng về người học trò đặc biệt
Thời gian đã qua hơn 60 năm, nhưng những kỷ niệm về người học trò cũ, sau này là Tổng Bí thư vẫn vẹn nguyên trong trí nhớ của GS Nguyễn Kim Đính.
"Tôi dạy ông Nguyễn Phú Trọng là lúc cả Trường đang sơ tán ở Thái Nguyên. Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội sơ tán về Thái Nguyên từ năm 1965 đến năm 1969. Tôi chuyên giảng dạy về Lịch sử Văn học Nga. Trong ấn tượng của tôi, trong thời gian còn học ở trường, ông Trọng là một trong những sinh viên rất nghiêm túc, học hành chỉn chu, ít nói và điềm đạm. Sau khi ông Trọng tốt nghiệp ra trường, tôi có hay tin ông về làm việc ở Tạp chí Cộng sản", GS Nguyễn Kim Đính nhớ lại.
Theo dõi bước đi của cậu sinh viên Nguyễn Phú Trọng ngày đó và cũng chứng kiến từng bước trưởng thành, GS Nguyễn Kim Đính càng khẳng định khí tiết của cậu trò này.
"Năm 2016, nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày ra trường của Khóa 8, ông Trọng đến dự khi đó đã là Tổng Bí thư. Tại buổi họp mặt, tôi chợt nghĩ ra đôi câu đối tặng ông Trọng. Tôi nói với ông Trọng, cho tôi mượn chữ “Trọng” trong tên của anh để tặng anh đôi câu đối. Tôi viết ngay tại chỗ chứ không chuẩn bị trước", GS Nguyễn Kim Đính chia sẻ.
Hai câu đối đó là "Trọng chính trọng liêm hưng Đảng tiết/Dương tài dương đức kết dân tâm".
Tức là phải xem trọng sự liêm khiết, chính trực để khơi dậy khí tiết của Đảng ta, phải biểu dương người có tài, có đức độ để liên kết được lòng dân.
Sau khi tôi tặng 2 câu đối ấy cho ông Trọng, ông nói: "Hôm nay thầy và các bạn giao cho trách nhiệm nặng nề quá!”.
Theo GS Nguyễn Kim Đính, chữ “Trọng” mà được chọn dùng trong câu đối là “coi trọng”, cũng có ý chỉ “sức nặng”.
Nhưng khi xem báo đài nước ngoài đưa tin, tôi lại thấy họ dùng chữ “Trọng” khác. Chữ “Trọng” trên báo đài nước ngoài hay dùng có nghĩa là “em” trong Mạnh, Trọng, Quý để phân biệt anh em theo thứ tự từ lớn đến nhỏ.
"Sau này, tôi chưa có dịp gặp lại ông Trọng để hỏi xem tên ông là dùng chữ “Trọng” nào", vị Giáo sư nói.
Nhân cách cao quý
Theo GS Nguyễn Kim Đính, những năm tháng ông Nguyễn Phú Trọng học ở Khoa Ngữ văn - Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội tuy không nhiều, đồng thời còn phải học ở khu vực sơ tán, điều kiện vật chất cũng như sách vở gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn.
Nhưng thời gian ấy chắc chắn đã để lại những "đường nét" không thể nào quên với sinh viên Văn Khoá 8, đặc biệt là tính nhân văn, kiến thức về xã hội, con người.
Theo nhận xét của GS Nguyễn Kim Đính, con đường chuyên môn của ông Trọng sau này tưởng là xa nhưng lại rất gần với Văn học, vì học Văn học là học về con người.
"Tôi cho rằng những kiến thức ông Trọng học được ở Khoa Ngữ văn rất quan trọng đối với việc hoạt động, công tác của ông. Công tác xây dựng Đảng mà ông đeo đuổi suốt cuộc đời thực chất là xây dựng con người, từ điểm này, ảnh hưởng từ Khoa Ngữ văn là không nhỏ", GS Nguyễn Kim Đính nói.
Nói về ấn tượng với đề tài tốt nghiệp đại học của sinh viên Nguyễn Phú Trọng, GS Nguyễn Kim Đính cho hay, ông Trọng làm đề tài tốt nghiệp về Văn học dân gian trong thơ Tố Hữu.
Ông Trọng lại được một thầy giáo rất giỏi, rất uy tín về chuyên môn Văn học dân gian là Giáo sư Đinh Gia Khánh trực tiếp hướng dẫn.
"Dám chọn một đề tài như thế phải là một người rất chắc chắn về chuyên môn. Sự lựa chọn ấy đã thể hiện một sự trưởng thành ở ông Trọng từ khi còn trẻ tuổi, cũng thể hiện sự kỹ càng, chắc chắn, chín chắn trong công việc nói chung, cũng như phẩm chất sau này của ông", GS Nguyễn Kim Đính nói.
Khi nghe tin ông Trọng, vị Giáo sư già bày tỏ sự nuối tiếc.
"Tôi tiếc vì mấy nhẽ. Một Tổng Bí thư mà còn có trình độ lý luận như ông ấy là hiếm lắm! Rất hiếm!
Ông Nguyễn Phú Trọng vừa là Tổng Bí thư, đồng thời còn là một nhà lý luận xuất sắc của Đảng, đây là ưu điểm đặc biệt nổi trội của ông ấy. Đề tài mà ông đau đáu nghiên cứu suốt cả cuộc đời là xây dựng Đảng. Những bài viết cuối đời của ông đặc biệt tập trung vào vấn đề xây dựng Đảng và xây dựng khí tiết của người Đảng viên.
Tôi cũng quý ông Trọng vì ông ấy tuy đã là Tổng Bí thư nhưng vẫn tiếp tục làm lý luận về Đảng.
Ông Nguyễn Phú Trọng mất đi, chúng ta mất đi một chuyên gia nghiên cứu chuyên sâu về Đảng. Về mặt nhân cách. Ông Nguyễn Phú Trọng là một con người có nhân cách thực sự cao quý, cao đẹp, ông được nhiều người quý mến. Tôi rất thương tiếc!", GS Nguyễn Kim Đính nói.