Viettel vô địch V-League 2020: "Cơn lốc đỏ" trở lại

GD&TĐ - Mặc dù không sở hữu đội hình nhiều tuyển thủ quốc gia và ngoại binh chất lượng cao như Hà Nội FC, song Viettel bước lên đỉnh vinh quang nhờ lối chơi kỷ luật và tinh thần đoàn kết.

Nguyễn Trọng Hoàng lần thứ tư vô địch V-League, gồm SLNA (2011), B.Bình Dương (2014, 2015) và Viettel (2020).
Nguyễn Trọng Hoàng lần thứ tư vô địch V-League, gồm SLNA (2011), B.Bình Dương (2014, 2015) và Viettel (2020).

Danh hiệu vô địch quốc gia thứ 6 giúp đội bóng Quân đội trở thành CLB giàu thành tích nhất, đồng thời hứa hẹn về sự trở lại của cái tên “Thể Công – Cơn lốc đỏ”, như mong mỏi của hàng triệu người hâm mộ đội bóng hơn một thập kỷ qua.

Hàng phòng ngự thép

V-League 2020 là một mùa giải đầy biến động. Đại dịch Covid-19 mang đến vô vàn khó khăn và thách thức cho làng bóng đá thế giới và Việt Nam. Cụ thể, dịch bệnh đã khiến cho giải đấu chuyên nghiệp Việt Nam gián đoạn nhiều lần và… buộc phải thay đổi thể thức thi đấu.

Sau 13 vòng đấu (giai đoạn 1), các đội theo thứ hạng được chia 2 bảng đá tranh chức vô địch và đội đua trụ hạng (giai đoạn 2). Sự thay đổi ngoài ý muốn này cũng có tác động mạnh mẽ đến tính ổn định, phong độ của các ứng cử viên, đặc biệt ở cuộc đua đến chức vô địch. Trong bối cảnh đặc biệt ấy, các cầu thủ Viettel đã cho thấy được bản lĩnh và sức mạnh tập thể xuyên suốt cả 2 giai đoạn, nhất là trong những trận đấu quyết định để trở thành ông vua mới của bóng đá Việt Nam.

Sức mạnh làm nên một Viettel khó bị đánh bại chính là hàng phòng ngự thép với những cầu thủ đã thành danh, đây cũng là sự khác biệt lớn nhất của đội bóng Quân đội so với đối thủ số 1 là Hà Nội FC. Thực tế, cả Viettel và Hà Nội đều sở hữu hàng phòng ngự trong mơ, khó đối thủ nào sánh được.

Tuy nhiên, chấn thương đã khiến cho hàng phòng ngự đội bóng Thủ đô không còn Duy Mạnh, Đình Trọng, Văn Hậu trở về từ Hà Lan cũng chung “số phận”. Giải pháp tình thế từ những gương mặt trẻ của HLV Chu Đinh Nghiêm không thể lấp đầy khoảng trống mênh mông nơi hàng thủ. Ngay cả khi được bổ sung thủ môn dày dạn kinh nghiệm Bùi Tấn Trường, Hà Nội vẫn để mất điểm khó tin, trước những đối thủ yếu hơn.

Trong khi đó, sự chắc chắn của hàng phòng ngự Viettel đóng vai trò quyết định chức vô địch. Kết thúc V-League 2019 với 26 vòng đấu, Viettel ghi 36 bàn trong khi hàng thủ thủng lưới 40 bàn, thua 12 trận và không hòa trận nào trên sân khách, đứng hạng 6 chung cuộc.

Khép lại mùa giải năm nay, thầy trò HLV Trương Việt Hoàng chỉ để thua 16 bàn, ít nhất trong số các đội tham dự giải và chỉ để thua 3 trận, bằng 1/3 mùa trước.

Đặc biệt, sau chiến thắng đậm 4-1 trước HAGL ở loạt trận đầu tiên giai đoạn 2 năm nay, 6 vòng đấu còn lại, Viettel chỉ ghi được 5 bàn thắng. Nhưng điều quan trọng ở chỗ, 5 bàn thắng đấy chia đều ở 5 trận thắng khác nhau để mang về cho họ 15 điểm trọn vẹn.

HLV Trương Việt Hoàng (bên phải) góp công lớn vào chiến tích của Viettel.
HLV Trương Việt Hoàng (bên phải) góp công lớn vào chiến tích của Viettel.

Lần cuối cùng hàng phòng ngự Viettel nhận bàn thua là phút thứ 36 trong trận gặp HAGL. Kể từ thời điểm đó, thủ môn Nguyên Mạnh cùng bộ đôi trung vệ thép, Quế Ngọc Hải – Bùi Tiến Dũng giúp cho đội nhà trải qua 594 phút giữ sạch lưới.

Thế trận vững vàng đến từ hàng phòng ngự trở thành điểm tựa vững chắc để Viettel hoàn thành xuất sắc mục tiêu, cầm hòa trước đối thủ nặng ký Hà Nội FC, trận đấu mang tính chất “chung kết” và duy trì khoảng cách 2 điểm. Nếu thua trận này gần như chắc chắn thầy trò Trương Việt Hoàng hết cơ hội vô địch.

90 phút thành công trước Hà Nội đã mang đến rất nhiều lợi thế để sau đó, Viettel vững vàng vượt qua 2 rào cản khác mang tên Than QN và Sài Gòn FC, trở thành nhà tân vô địch một cách thuyết phục.

Tính hiệu quả trong lối chơi của Viettel được tăng lên từ chiến thuật hợp lý của HLV Trương Việt Hoàng. Cựu tuyển thủ Việt Nam không chạy theo triết lý bóng đá hào nhoáng, đẹp mắt nhưng dễ phải trả giá và không phù hợp với thực tiễn con người của Viettel. Ông biết giữ gìn và phân phối lực lượng trong từng thời điểm, cũng như chiến thuật cho những trận đấu cụ thể.

Với hàng phòng ngự rắn chắc, hiếm khi người ta thấy đội bóng này dâng cao đội hình tấn công ào ạt. Thay vào đó là lối chơi ru ngủ, tận dụng sự sơ hở của đối phương bằng những pha phản công tốc độ và chính xác.

Có bàn thắng, các cầu thủ Viettel nhanh chóng thiết lập vành đai phòng ngự án ngữ từ giữa sân để bảo vệ tỷ số. Như vậy, thầy trò Trương Việt Hoàng thể hiện được bản lĩnh của nhà vô địch vào thời điểm cần bảo vệ chiến thắng và giữ được cái đầu lạnh trong trận đấu chỉ cần tỷ số hòa.

Phá thế độc tôn của Hà Nội FC

Viettel vô địch, song nhiều nhà chuyên môn cho rằng, Hà Nội FC mới là đội bóng chơi hay hơn. Thầy trò HLV Chu Đình Nghiêm đã không gặp may trong nhiều trận nên khi bước vào những vòng đua quyết định, sự bừng tỉnh của họ là quá muộn.

Tuy nhiên, Hà Nội FC chỉ nên trách chính mình thay vì đổ lỗi cho yếu tố khách quan. Họ để cho Thanh Hóa cầm hòa  ngay tại Hàng Đẫy và không thể đánh bại được Viettel ở giai đoạn 2. Nếu thắng 2 trận này, chức vô địch đã nằm trong tay đội bóng Hà Nội.

Xa hơn nữa, trở về giai đoạn 1, Hà Nội đã mất điểm rất đáng tiếc trước Quảng Nam, đội bóng lúc đó đang cần điểm để trụ hạng và luôn rộ lên thông tin bên ngoài sân cỏ là có quan hệ với bầu Hiển.

CLB Viettel nhận cúp vô địch V-League 2020.
CLB Viettel nhận cúp vô địch V-League 2020.

Hà Nội FC không vô địch V-League là thất bại nặng nề như chính sự thừa nhận của chính người trong cuộc. Thế nhưng, khi Viettel vô địch người ta lại cho rằng đây là cái kết có hậu và V-League đã được “giải cứu” khỏi sự nhàm chán.

Lâu nay, dư luận vẫn ì xèo vấn đề bầu Hiển của Hà Nội FC có quan hệ mật thiết từ Than QN, Quảng Nam, Đà Nẵng, HL Hà Tĩnh… Chủ tịch Đoàn Nguyên Đức của HAGL nhiều lần đề cập đến vấn đề được ông cho là nhức nhối của bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam hiện nay.

10 năm qua, Hà Nội FC (hoặc có thời điểm gọi là Hà Nội T&T) 5 lần giành chức vô địch V-League. SHB Đà Nẵng từng công kênh ca tụng bầu Hiển khi vô địch năm 2012, một phần nhờ sự “xả thân” của Hà Nội cầm chân Xuân Thành SG.

Hay ở mùa 2017, CLB Hà Nội cũng bất ngờ khựng lại ở sân Cẩm Phả giúp đội Quảng Nam lên ngôi. Chỉ có B.Bình Dương hai mùa 2014 và 2015 đăng quang nhờ chi tiền tấn mua rất nhiều cầu thủ giỏi, hay SLNA bất ngờ về đích năm 2011. Bất kỳ đội bóng nào cũng kiêng dè thế lực của Hà Nội FC.

Với thành phần nhiều cầu thủ khoác áo các đội tuyển quốc gia và ngoại binh chất lượng cao, cùng ông bầu chịu chi, có cảm giác Hà Nội FC muốn vô địch mùa giải nào cũng được và cho ai đó vô địch thì cho. Vậy nên, Viettel giành chức vô địch mùa này đã phá vỡ thế độc quyền của Hà Nội FC và những đối tác được cho là thân cận.

Thầy trò HLV Trương Việt Hoàng thi đấu hiệu quả như B.Bình Dương năm 2014, 2015, đồng thời như SLNA năm 2011 âm thầm ngoi lên gây bất ngờ khiến các đối thủ trở tay không kịp. Cũng chỉ có Viettel mới là một đối trọng lớn của Hà Nội trong hai lần gặp gỡ đều không thua, khác với Sài Gòn lần đầu thắng đội bóng của bầu Hiển 1-0, đến lượt về thua nặng nề 2-4. Sài Gòn FC vẫn thiếu bản lĩnh của đội bóng lớn. TPHCM, HAGL, B.Bình Dương không đủ sức đua đường dài.

Danh hiệu vô địch V-League 2020 đưa Viettel tới gần hơn khát vọng lấy lại tên Thể Công. Tuy nhiên, bao giờ mong mỏi đó cũng như đông đảo người hâm mộ trở thành hiện thực vẫn còn là ẩn số.

Cựu danh thủ Thể Công Vũ Mạnh Hải cho biết quan điểm: “Thể Công của chúng tôi hoàn toàn là những người lính được tuyển chọn để chơi bóng. Viettel là đội bóng doanh nghiệp. Về bản chất, Viettel hay Thể Công đều là đội bóng quân đội, nhưng tính chất hoàn toàn khác nhau. Việc lấy lại tên Thể Công không hề đơn giản đối với CLB Viettel. Tôi nghĩ rằng rất khó để cái tên Thể Công có thể đứng độc lập”.

BLV Quang Tùng nhấn mạnh: “Vấn đề hiện tại là CLB Viettel có đủ sức đáp ứng những yêu cầu với một cái tên mang nhiều tính biểu tượng hay không. Các cầu thủ Viettel liệu có đủ sức khoác lên mình chiếc áo Thể Công, có chịu được những áp lực rất lớn không, hay với họ thời điểm này chiếc áo đó vẫn quá rộng? Quan điểm cá nhân tôi là chỉ khi nào CLB Viettel thực sự đủ bản lĩnh, đủ tự tin, Thể Công mới có thể trở lại”.

Câu chuyện lấy lại tên Thể Công sẽ còn tốn nhiều giấy mực và cần nhiều thời gian. Còn hiện tại, sau 22 năm, những người yêu mến “Cơn lốc đỏ” Thể Công mới được nếm trải cảm giác ngọt ngào của chiến thắng. Viettel đã vô địch. V-League có một làn gió mới và người ta tin, chiến công này có ích cho lịch sử bóng đá nước nhà.

Với ngôi vô địch V-League 2020, CLB Viettel được nhận 9 tỉ đồng, trong đó 3 tỉ từ Công ty Cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF), 1 tỉ đồng từ Bộ Quốc phòng và 5 tỉ đồng từ Tập đoàn Viettel. Sau khi nhận thưởng, đội bóng quyết định dành tặng 2 tỉ đồng để ủng hộ đồng bào chịu ảnh hưởng bão lụt ở miền Trung.
Đặc biệt, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại tướng Ngô Xuân Lịch đã gửi thư chúc mừng CLB Viettel, trong đó, Bộ trưởng nhấn mạnh: “Nhà vô địch V-League phải kỷ luật, khiêm tốn, không tự kiêu, phấn đấu đạt được những thành tích tốt hơn trong tương lai”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Các căn cứ quân sự Nga ở Syria đang bị đe dọa.

Kế hoạch Nga rút quân khỏi Syria?

GD&TĐ -Các căn cứ quân sự Nga ở Syria đang phải đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng kể từ khi chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad sụp đổ.