Viettel dẫn đầu cuộc đua vô địch V-League 2020: Dấu ấn người Thể Công

GD&TĐ - CLB Viettel – truyền nhân của Thể Công vươn lên dẫn đầu cuộc đua vô địch V-League 2020 trong bối cảnh nhiều ứng cử viên có dấu hiệu hụt hơi.

Viettel sau trận thua CLB Hà Nội ở chung kết cúp quốc gia 2020 đã rút ra nhiều bài học kinh nghiệm.
Viettel sau trận thua CLB Hà Nội ở chung kết cúp quốc gia 2020 đã rút ra nhiều bài học kinh nghiệm.

Hơn lúc nào hết, người Thể Công đang sống trong tâm trạng mộng mơ và cũng rất đỗi tự hào. Sau những thăng trầm lịch sử, những trái tim “mãi mãi một tình yêu màu áo lính” đang cháy bỏng niềm tin về khả năng đăng quang của đội nhà sau 22 năm chờ đợi trong khắc khoải, có lúc tưởng chừng vô vọng.

Cuộc chiến tay đôi

Giai đoạn cạnh tranh chức vô địch của nhóm 8 đội dẫn đầu V-League 2020 đã đi qua 3 vòng đấu và ở những vòng đua quyết định, thì Viettel và CLB Hà Nội bứt lên mạnh mẽ, hình thành cuộc đua song mã.

Đương kim Á quân TP HCM coi như tự loại mình khỏi đường đua với 2 trận toàn thua và 1 trận hòa, hiện kém Viettel tới 10 điểm. Những hợp đồng triệu đô được bổ sung ở kỳ chuyển nhượng giữa mùa không thể giúp HLV Chung Hae-seong xoay chuyển được tình thế trong nỗ lực đi tìm lời giải cho bài toán Công Phượng, cầu thủ phải nghỉ thi đấu dài hạn vì chấn thương.

Sài Gòn FC dẫn đầu giai đoạn 1 với 23 điểm và khởi đầu giai đoạn 2 suôn sẻ bằng chiến thắng 2 - 1 trước HL Hà Tĩnh. Tuy nhiên, các đối thủ còn lại của đội bóng Sài Gòn đều thuộc hạng “thứ dữ”.

Thất bại trước B.Bình Dương và sau đó hòa nhạt nhòa trong trận derby với TP HCM đã khiến cho thầy trò HLV Vũ Tiến Thành mất ngôi đầu bảng cùng khoảng cách 3 điểm so với Viettel. Không loại trừ khả năng Sài Gòn khó duy trì thứ hạng trong top 3, bởi lực lượng của Sài Gòn không quá nổi bật. Những dấu hiệu trong 2 trận gần đây cho thấy họ đang hụt hơi và mục tiêu thiết thực nhất, có lẽ là kết thúc mùa giải trong top 5.

Than QN và B.Bình Dương đều không cho thấy có tham vọng tranh chấp chức vô địch ngay từ chặng đầu giai đoạn 2. Vậy nên, dù là những đội bóng không dễ chơi, nhưng họ đã thể hiện diện mạo thất thường trong 3 vòng đấu vừa qua.

Hiện, Than QN và B.Bình Dương đều nằm ở nhóm dưới với khoảng cách khá xa về điểm số so với vị trí đầu bảng. Trong khi đó, HAGL hay HL Hà Tĩnh chưa bao giờ được đánh giá là ứng viên đua vô địch ở mùa giải 2020.

Sự có mặt của 2 đội bóng này trong top 8 đội đua vô địch được cho là “bất ngờ và may mắn”. Đáng ra những vị trí đó phải thuộc về SHB Đà Nẵng hoặc SLNA.

Các ứng viên rơi rụng dần trên đường đua cũng là thời điểm Viettel và Hà Nội phô diễn sức mạnh và khát vọng vô địch. Đội bóng của Hà Nội có những lúc khủng hoảng lực lượng trầm trọng, đặc biệt là hàng thủ.

7 vòng đầu tiên của giai đoạn 1, thầy trò HLV Chu Đình Nghiêm có số trận thua bằng cả mùa trước. Vị trí HLV trưởng đội bóng lung lay dữ dội và tưởng như được thay thế bằng cựu Giám đốc Kỹ thuật của LĐBĐ Việt Nam (VFF) Jurgen Gede. Nhưng đội bóng Thủ đô vẫn vượt qua khó khăn và dần chứng tỏ thực lực.

Trước những thử thách “ghê gớm” nhất, thầy trò HLV Chu Đình Nghiêm cho thấy vị thế của nhà đương kim vô địch. Ở giai đoạn một, Viettel với đầy đủ binh hùng tướng mạnh vẫn không khuất phục một Hà Nội mất quá nửa đội hình chính vì chấn thương và thẻ phạt.

Ấn tượng hơn, HLV Chu Đình Nghiêm và các học trò còn ngược dòng đánh bại chính Viettel để bảo vệ thành công chức vô địch Cúp Quốc gia, điều 13 năm qua chưa đội bóng nào làm được.

7 điểm sau 3 vòng đấu của giai đoạn 2 giúp CLB Hà Nội bám đuổi sát sao đội đầu bảng Viettel trong khi vẫn còn 4 vòng đấu ở phía trước.

Tuyển thủ quốc gia Bùi Tiến Dũng mang băng đội trưởng CLB Viettel.
Tuyển thủ quốc gia Bùi Tiến Dũng mang băng đội trưởng CLB Viettel.

Cơ hội nào cho Viettel?

Ngay từ đầu mùa giải 2020, đội bóng của doanh nghiệp Quân đội đã được nhận diện là ứng cử viên sáng giá cho chức vô địch. Tuy nhiên, đội hình của Viettel được bổ sung nhiều hảo thủ đã thi đấu không ổn định ở giai đoạn 1 và có những lúc, người ta hoài nghi về sức mạnh cũng như tham vọng thực sự của đội bóng.

Mặc dù vậy, Viettel đã thể hiện phong thái ổn định và rất đáng sợ trong giai đoạn 2. Thầy trò HLV Trường Việt Hoàng giành trọn 9 điểm sau 3 trận và chính thức giành “pole” trên đường đua vô địch. Dường như, trận thua 1 - 2 trước CLB Hà Nội ở trận chung kết cúp quốc gia đã mang đến những bài học sâu sắc cho HLV Trương Việt Hoàng và các học trò.

Viettel giờ đây tiếp cận trận đấu bình tĩnh, chắc chắn với phong thái của đội bóng có khả năng kiểm soát và điều tiết trận đấu trước khi tung ra những “nhát kiếm” quyết định.

Không chỉ trông chờ đối phương sơ hở, hàng phòng ngự rắn chắc với thủ môn dạn dày kinh nghiệm Trần Nguyên Mạnh cùng các hậu vệ tuyển thủ quốc gia như Quế Ngọc Hải và Bùi Tiến Dũng trở thành nền tảng, bệ phóng cho Viettel phát huy lối chơi phối hợp nhỏ, ban bật ở cự ly ngắn đưa bóng tiếp cận khung thành đối phương từ nhiều hướng, đa dạng và nguy hiểm hơn.

Thắng cả 3 trận ở giai đoạn 2 cho thấy một Viettel khó lường và mạnh mẽ hơn.

Trọng Hoàng trở lại sau chấn thương giúp cho lối chơi của Viettel mạnh mẽ, giàu sức chiến đấu hơn.
Trọng Hoàng trở lại sau chấn thương giúp cho lối chơi của Viettel mạnh mẽ, giàu sức chiến đấu hơn.

Mặc dù vậy, chặng đường phía trước của đội bóng hậu duệ Thể Công đầy chồng gai và khó lường. Ngày 25/10, Viettel làm khách tại Hà Tĩnh và 29/10, trở về Hàng Đẫy đá trận “chung kết” với Hà Nội FC.

2 lượt trận cuối, CLB Hà Nội và Viettel lần lượt sẽ  gặp Sài Gòn và Than QN. Như vậy, thầy trò HLV Trương Việt Hoàng cần có ít nhất 1 điểm tại Hà Tĩnh, đội bóng vốn từng xuất phát từ cái nôi của bầu Hiển, để bảo đảm giữ được ngôi đầu bảng trước khi chơi trận đấu “cuộc đời” với CLB Hà Nội.

Nếu không tỉnh táo, Viettel chưa chắc đã qua nổi ải Hà Tĩnh với một Phạm Minh Đức tinh quái trên băng ghế chỉ đạo chứ chưa nói gì đến cuộc đối đầu trực tiếp với Hà Nội.

Trong cuộc chiến tay đôi, thầy trò Chu Đình Nghiêm dạn dày kinh nghiệm và bản lĩnh hơn hẳn so với Trương Việt Hoàng và các học trò. Đội bóng Hà Nội nhiều lần vấp phải những đối thủ khó chơi, trải qua những cuộc đua khốc liệt nhưng rồi cuối mùa họ vẫn lên ngôi vô địch như trước Hải Phòng mùa giải 2016, hay TPHCM mùa giải 2019.

Viettel sở hữu nhiều cầu thủ chất lượng. Nhưng đây mới là mùa thứ 2 những Tiến Dũng, Hoàng Đức, Đức Chiến… hít thở không khí khốc liệt của V-League. Một đội bóng với nhiều mảnh ghép trẻ tuổi luôn đối mặt với nguy cơ không vượt qua nổi chính mình, đồng thời gục ngã dễ dàng ngay trước cổng thiên đường. 

CLB Viettel (áo sáng) và Hà Nội đang là 2 ứng cử viên sáng gia cho chức vô địch V-League 2020.
CLB Viettel (áo sáng) và Hà Nội đang là 2 ứng cử viên sáng gia cho chức vô địch V-League 2020.

Thể Công - cháy mãi một tình yêu

Thể Công là hình ảnh của đội bóng của những cầu thủ mang trên mình màu áo lính, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu hết mình cho dù đối thủ có mạnh hơn mình nhiều lần.

13 lần vô địch giải hạng A miền Bắc, sau này là 5 lần vô địch quốc gia… từng ấy danh hiệu đã đủ để nói lên sức mạnh của đội bóng Quân đội. Thể Công trở thành tượng đài bất tử trong tình cảm của hàng triệu người hâm mộ Việt Nam.

Nhưng không có gì là mãi mãi! Bước vào sân chơi chuyên nghiệp, Thể Công đã trải qua những biến động lịch sử. Đúng vào dịp kỷ niệm 50 năm thành lập (2004), Thể Công xuống hạng.

Thể Công trở lại V-League vào năm 2007. Những khoản tiền khổng lồ đổ ra tái thiết đội bóng. Bi kịch cũng chính từ đây. Thể Công sở hữu những cầu thủ tỷ phủ song cũng mất dần đi chất lính. Tinh thần thi đấu cống hiến, màu cờ sắc áo nhạt nhòa, đồng thời, có dấu hiệu của thứ bóng đá “liên minh mờ ám” hiện hữu trong long đội bóng. Để rồi ngày 25/9/2009, Bộ Quốc Phòng chính thức ra quyết định xóa tên Thể Công khỏi bản đồ bóng đá Việt Nam, chấm dứt 55 năm tồn tại của đội bóng quân đội oai hùng.

Đã 11 năm từ ngày “định mệnh” đó, cho đến bây giờ, những người hâm mộ chưa thể nguôi ngoai nỗi buồn về tình yêu đã ăn sâu vào máu thịt của họ. Trong khoảng 10 năm qua, những người mà trong dòng máu và con tim luôn có một phần Thể Công chưa bao giờ tắt hy vọng về một ngày hồi sinh “cơn lốc đỏ”.

Thậm chí, rất nhiều thế hệ cán bộ, cầu thủ, CĐV từng là người của Thể Công đã khởi động “chiến dịch” thu thập 1 triệu chữ ký ủng hộ trên cả nước để kiến nghị Bộ Quốc phòng về việc thành lập lại đội bóng Thể Công… Chính tình cảm sắt son của người hâm mộ, nhiều thế hệ cựu danh thủ… thực sự khiến nhiều lãnh đạo Quân đội xúc động. Kế hoạch tái thiết được vạch ra, trên nền tảng những người Thể Công năm xưa.

Khán giả ăn mừng trong ngày Viettel giành quyền lên V-League 2019.
Khán giả ăn mừng trong ngày Viettel giành quyền lên V-League 2019.

Sau những biến cố, người Thể Công thời bóng đá chuyên nghiệp rút ra bài học xương máu, tiền không thể làm nên một đội bóng thực sự, nhất là cái bóng Thể Công quá lớn. Bóng đá Quân đội phải bắt đầu từ gốc rễ. Trung tâm Đào tạo bóng đá Viettel được hình thành từ đó với khát vọng ngày về trong vinh quang.

Trước mùa giải 2018, CLB Viettel phát đi thông điệp rằng: “Sau 9 năm phiên hiệu Thể Công không tồn tại trên bản đồ bóng đá nước nhà, mùa giải 2018 là bước ngoặt để cái tên Thể Công hào hùng trở lại. Việc thăng hạng và lấy lại phiên hiệu Thể Công ở mùa giải V-League 2019 là nhiệm vụ hàng đầu”.

Viettel đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2018, giành quyền lên chơi V-League 2019. “Cơn lốc đỏ” đã trở lại, trong sự chúc mừng của người trong nghề lẫn hàng triệu người hâm mộ cái tên Thể Công trên khắp cả nước.

Bóng đá Quân đội đã tạo dựng được vị thế vững chắc. Các tuyến trẻ của lò đào tạo Viettel luôn có mặt trong vòng chung kết, thậm chí không ít lứa đội trẻ của họ đã vô địch các giải trẻ quốc gia trong gần một thập niên trở lại đây. Nhưng cái tên Thể Công vẫn chưa trở lại!? Đội bóng vẫn mang tên doanh nghiệp Quân đội, Viettel.

Lần cuối cùng đội bóng Quân đội vô địch quốc gia vào năm 1998, dưới tay Vương Tiến Dũng. 22 năm trôi qua, đội bóng áo lính và NHM của họ chưa được nếm trải cảm giác đứng trên đỉnh vinh quang.

Thế nên, vị trí đầu bảng V-League 2020 của thầy trò HLV Trương Việt Hoàng đang nắm giữ đã khiến cho những người Thể Công phần nào cảm nhận được hình ảnh của Thể Công oai hùng năm xưa đang trở lại. Nếu Viettel vô địch V-League 2020, có thể sẽ là cú hích mạnh mẽ để lãnh đạo đội bóng Quân đội đưa cái tên Thể Công trở lại.

Cựu danh thủ Cao Cường trong một lần gặp các các cầu thủ trẻ Viettel đã chia sẻ:  “Các cháu phải nghĩ rằng mình là người lính đá bóng. Người lính đá bóng thì từ tinh thần, đạo đức, ý trí phải luôn luôn rèn luyện, tu dưỡng.
Về chuyên môn cũng thế, phải luôn luôn rèn luyện, phải luôn coi mình là một người lính trên mặt trận thể thao. Phải luôn luôn có kỷ luật, có đạo đức, chấp hành nghiêm và giữ sức khỏe để tập luyện. Chúng tôi đi tập luyện bao giờ cũng có câu khẩu hiệu rằng: ‘Thao trường đổ mồ hôi, chiến trường đỡ đổ máu’...”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ