Tham gia Hội thảo có gần 200 học giả, nhà nghiên cứu thuộc các trường đại học đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và cùng cán bộ, giảng viên các trường đại học, các khoa chuyên ngành về Kinh tế ở Việt Nam.
Có 23 báo cáo về lĩnh vực đầu tư trực tiếp nước ngoài tại châu Á được trình bày, giới thiệu tại Hội thảo, với những phân tích vừa tổng quan vừa cụ thể về tác động lan tỏa tích cực của FDI đối với sự tăng trưởng kinh tế ở cả các nước phát triển và đang phát triển, xu hướng dòng vốn FDI trên thị trường.
Đồng thời, đề xuất những giải pháp thu hút đầu tư nước ngoài trực tiếp nhằm góp phần phát triển kinh tế của nước chủ nhà thông qua việc tạo việc làm, chuyển giao công nghệ sản xuất mới, chia sẻ kỹ năng quản lý và kiểm soát sản xuất cũng như cấp vốn trực tiếp,…
Theo GS. Yasuhiro Yamada - đại diện Viện nghiên cứu Hội nhập Đông Á ASEAN–Nhật Bản, Đông Nam Á là khu vực dẫn đầu thế giới về tăng trưởng kinh tế bền vững trong 3 thập kỷ qua nhờ những cải cách mạnh mẽ về môi trường kinh doanh cũng như hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới.
Bằng chứng cụ thể với Việt Nam là thu nhập bình quân đầu người từ 1.120 USD năm 2009 đã lên mức 1.990 USD năm 2015. Mức thu nhập này được đánh giá là ở ngưỡng các nước trung lưu và trong tương lai sẽ là nước có mức thu nhập trung bình đầu người cao tầm 12.745 USD.
Hội thảo đã đề xuất nhiều giải pháp thu hút đầu tư nước ngoài trực tiếp nhằm góp phần phát triển kinh tế cho các nước trong khu vực châu Á. |
Trong tương lai, các nước trong khu vực ASEAN, đặc biệt là Việt Nam sẽ trở thành địa điểm hấp dẫn của các nhà đầu tư trên thế giới nhờ có yếu tố tích cực trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, cũng như những cải thiện đổi mới và phát triển của môi trường kinh doanh.
Để tận dụng được tốt xu hướng này, các nước châu Á cần phải quan tâm đến chất lượng dự án đầu tư nước ngoài, đồng thời tăng cường khả năng kết nối của doanh nghiệp trong nước vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài, tạo ra cơ hội phát triển toàn diện và bền vững cũng như thúc đẩy hội nhập và mậu dịch tại khu vực châu Á để lựa chọn kế hoạch đầu tư mới, mở rộng hợp tác và phát triển lâu dài.
GS. Suk Jun Lim - ĐH Dong-A (Hàn Quốc) - nhận định: Với chiến lược toàn cầu hóa, từ đầu thập niên 90, các công ty của Hàn Quốc và Nhật Bản đã bắt đầu tăng đầu tư nước ngoài.
Đặc biệt, năm 2000, đầu tư trực tiếp nước ngoài được tập trung vào các nước phát triển ở khu vực Đông Nam Á như Việt Nam, Indonesia, Thái Lan và ngày càng nhiều công ty đầu tư vào thị trường này, giúp Hàn Quốc và Nhật Bản trở thành hai nền kinh tế lớn của châu Á có ảnh hưởng rất lớn đến các nước trong khu vực ASEAN.
Công cuộc mở cửa nền kinh tế và phát triển theo hướng thị trường hóa đã mang lại cho hai quốc gia này những thành tựu kinh tế rõ nét, bằng chứng cụ thể là tạp chí Forbes - một tạp chí uy tín hàng đầu của thế giới công bố danh sách Global 2000 (2000 công ty lớn nhất thế giới) năm 2016, trong đó khu vực châu Á nổi trội lên trong danh sách gồm 219 công ty Nhật Bản và 67 công ty Hàn Quốc.
Theo đó, nhiều báo báo nghiên cứu nhìn nhận, hiện nay, rất nhiều quốc gia lớn trên thế giới quyết định lựa chọn đầu tư vào Việt Nam mà trong đó Hàn Quốc là một đối tác chiến lược quan trọng, điều này cũng góp phần thay đổi hình ảnh của Việt Nam.
Đó cũng là lí do vì sao Hàn Quốc – một nước châu Á mới lên được xếp hạng đầu tiên về cả số lượng và dự án tích lũy trong đầu tư vào Việt Nam, tiếp sau đó là Nhật Bản, Đài Loan, Singapore, Trung Quốc, Hồng Kông.
Điều đó cho thấy, Việt Nam đang trở thành một trong những quốc gia đầu tư hấp dẫn không chỉ đối với các nước châu Á, mà còn các nước lớn như Mỹ và châu Âu.
TS. Bùi Văn Viễn cho biết: Trong thời gian qua, Việt Nam là điểm đến hấp dẫn của nhiều nhà đầu tư quốc tế và đầu tư trực tiếp nước ngoài có tác động tích cực đáng kể đến tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam khi 1% FDI tăng lên sẽ dẫn đến sự gia tăng 0.243% GDP.
Trong thời gian đến, Việt Nam cần giải quyết những khó khăn kinh tế vĩ mô hiện nay như lạm phát, nợ xấu, lượng hàng tồn kho cao... bên cạnh có những giải pháp phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội – giáo dục đi đôi với cải thiện chính sách đầu tư hấp dẫn, tạo môi trường đầu tư cạnh tranh hơn để thu hút FDI.