Việt Nam: Hai trường đại học tham gia dự án quốc tế triệu đô

GD&TĐ - Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) và Trường ĐH Cần Thơ là hai thành viên của Việt Nam tham gia dự án Erasmus+ do Liên minh châu Âu tài trợ về quản lý nguồn tài nguyên nước.

Các thành viên của Dự án họp online trong bối cảnh toàn cầu đang chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.
Các thành viên của Dự án họp online trong bối cảnh toàn cầu đang chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.

Dự án với sự tham gia của 5 quốc gia gồm: Pháp, Tây Ban Nha, Việt Nam, Lào và Campuchia. Tổng kinh phí cho dự án là 1,2 triệu đô la Mỹ. Dự án có 5 hoạt động chính bao gồm:

Hiện đại hóa chương trình giảng dạy hiện có về lĩnh vực nước và tài nguyên thiên nhiên;

Thành lập các hệ sinh thái đổi mới, mở về nước (Water Living Labs), trong đó có các trang thiết bị, công nghệ hiện đại, và các khu thực nghiệm hiện trường dành cho người học, nghiên cứu và làm việc trong lĩnh vực nước;

Thành lập Mạng lưới quốc gia và quốc tế bao gồm các học giả, nhà quản lý, chuyên gia, sinh viên và các bên liên quan để khuyến khích sự hợp tác giữa các thành phần nhằm tìm ra các giải pháp mới và sáng tạo cho các thách thức về nước và thúc đẩy phổ biến, ứng dụng phục vụ trong xã hội;

Phổ biến phương pháp học tập dựa trên vấn đề (Problems based learning), đưa khái niệm phát triển bền vững và kinh tế tuần hoàn vào các môn học quản lý tài nguyên và môi trường;

Nâng cao kỹ năng, trình độ cho các nhà khoa học, chuyên gia về ứng dụng và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực quản lý nước và bảo vệ môi trường.

PGS.TS Trần Đình Trinh - Phó Giám đốc Phòng Thí nghiệm Trọng điểm Vật liệu tiên tiến ứng dụng trong Phát triển xanh, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội), Chủ nhiệm Dự án tại khu vực Đông Nam Á - cho biết: Dự án được hỗ trợ bởi 15 Hiệp hội Nước và Môi trường tại châu Âu và Đông Nam Á.

Thông qua dự án, các thiết bị hiện đại sẽ được đầu tư phục vụ cho việc đào tạo, nghiên cứu và ứng dụng thông qua các hệ sinh thái đổi mới, mở về nước nhằm thúc đẩy những sáng tạo, công nghệ mới, và hỗ trợ ứng dụng trong thực tế phục vụ xã hội trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống cộng đồng.

Các khóa học lý thuyết và ứng dụng sẽ được xây dựng dựa trên các phương pháp đào tạo tiên tiến theo tiêu chuẩn châu Âu, có điều chỉnh cho phù hợp với thực tế ở Việt Nam, Lào và Campuchia.

Dự án được thực hiện trong 3 năm (2021-2024) với trọng tâm là lĩnh vực quản lý nguồn tài nguyên nước, thúc đẩy bảo vệ môi trường và nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Mục tiêu của dự án là thúc đẩy việc bảo vệ môi trường và nguồn tài nguyên nước; hỗ trợ đào tạo sau đại học cho các nước thành viên theo chuẩn châu Âu, nâng cao trình độ, nhận thức của người dân, các nhà quản lý, nhà khoa học cũng như các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Bên cạnh việc hỗ trợ đào tạo, nâng cao kỹ năng, trình độ chuyên môn cho các nhà quản lý, chuyên gia, các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực nước và bảo vệ môi trường, chương trình còn đào tạo, trao đổi sinh viên, giảng viên giữa các trường đại học ở Việt Nam, Lào và Campuchia với các đối tác châu Âu, góp phần xây dựng các mối quan hệ hợp tác giữa các trường đại học của hai khu vực.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.