Việt Nam đã triển khai tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ em như các quốc gia trên thế giới

GD&TĐ - Đó là nhận định của PGS.TS. Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương khi đề cập đến những thông tin mới nhất của thế giới liên quan đến tiêm chủng cho trẻ em từ 5 đến 11 tuổi.

PGS.TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương. Nguồn: VGP.
PGS.TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương. Nguồn: VGP.

Chuyên gia: Nếu chúng ta không ủng hộ việc tiêm chủng là tước bỏ quyền được tiêm chủng của trẻ em

Tại tọa đàm “Tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ em - Những lưu ý quan trọng” được tổ chức bởi Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết, với thành công của của Chiến dịch tiêm chủng vắc xin, có thể nói chúng ta là nước đi sau về trước.

Việt Nam chúng ta đã từ một nước có ít vắc xin để tiêm chủng với tỉ lệ tiêm chủng thấp nhất, trong thời gian rất ngắn, đã vươn lên là nước tiêm chủng vắc xin hàng đầu.

Chính nhờ thành tựu đó, chúng ta đã có thể dần từng bước trở lại cuộc sống bình thường mới, khống chế dịch bệnh và phản ứng linh hoạt hơn trước các biến chủng mới, tình hình mới của dịch bệnh.

Và quả thực, chúng ta thấy đất nước đang mở ra, chúng ta đang trở lại với cuộc sống bình thường mới, rất nhiều các hoạt động đang mở: Hàng không, dịch vụ vui chơi giải trí, nhiều hoạt động kinh tế-xã hội…, đưa chúng ta đến những hi vọng mới, một cuộc sống với nhiều hi vọng, nhiều niềm tin cho tương lai tốt đẹp.

Với những kết quả như vậy, chúng ta sẽ thấy tiêm chủng là rất quan trọng. Hiện nay, vấn đề đặt ra là, còn một mảng ghép nữa, nếu hoàn thành, chúng ta sẽ có toàn bộ bức tranh của tình hình tiêm chủng: Đó là tiêm chủng vắc xin cho trẻ em từ 5 đến 11 tuổi, khoảng trên dưới 10 triệu em. Việc tiêm chủng này quan trọng như thế nào? Những vấn đề gì đang đặt ra?

Việc thực hiện thành công chiến lược vắc xin "đi sau về trước", với chiến dịch tiêm chủng lớn nhất từ trước đến nay đã giúp Việt Nam ứng phó, kiềm chế, kiểm soát được dịch bệnh, từng bước chuyển sang trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.

Có thể nói, đến nay, hầu hết các hoạt động kinh tế-xã hội trên cả nước đã từng bước trở lại trạng thái bình thường mới khi những biện pháp hạn chế, kiểm soát đi lại được dỡ bỏ. Tuy nhiên, để cả nước thực sự chuyển sang trạng thái bình thường mới, thì việc hoàn thành tiêm chủng cho hơn 10 triệu trẻ em từ 5 đến 11 tuổi, giống như những "mảnh ghép" cuối cùng, rất quan trọng.

Trẻ em là tương lai của đất nước. Đảng, Nhà nước, người dân luôn luôn dành sự quan tâm đặc biệt, những điều tốt đẹp nhất để các em được phát triển đầy đủ, toàn diện cả về trí tuệ, tinh thần, thể chất. Vì vậy, tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi là vấn đề hết sức quan trọng, được cả xã hội quan tâm, chú ý. 

TS. Nguyễn Sĩ Dũng nhấn mạnh: Chúng ta không thể nóng vội, mà phải đi từng bước chắc chắn, đảm bảo an toàn tối đa cho trẻ. Trẻ em là tương lai của đất nước, do đó Đảng và Nhà nước ta luôn dành sự quan tâm hết sức to lớn cho trẻ em. Chính phủ đồng ý mua 21,9 triệu liều vắc xin Pfizer cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi vừa qua cũng theo định hướng đó.

Thông điệp của các chuyên gia: "Tiêm chủng lợi ích lớn gấp nhiều lần so với rủi ro khi không tiêm. Các bậc phụ huynh không phải đắn đo nhiều và nên lựa chọn tiêm cho các cháu. Bởi xét từ góc độ thương con thì phải bảo vệ con tốt hơn, thương con thì phải tránh rủi ro cho con nhiều hơn chứ không phải tước bỏ quyền được tiêm của con mình. Nhìn từ góc độ quyền của trẻ em thì đây là quyền được tiêm chủng, quyền không bị lây nhiễm bệnh tật. Nếu chúng ta không ủng hộ việc tiêm chủng là chúng ta tước bỏ quyền được tiêm chủng của trẻ em."

Hơn 60 quốc gia triển khai tiêm vắc xin cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi

Tại tọa đàm, thông tin về tình hình tiêm chủng cho trẻ em từ 5 đến 11 tuổi ở các nước trên thế giới hiện nay, PGS.TS Dương Thị Hồng cho biết, tiếp theo tiêm chủng cho trẻ em từ 12 tuổi trở lên, trên thế giới hiện nay đang tiêm vắc xin cho trẻ em từ 5 đến 11 tuổi.

Theo thông tin của nhà sản xuất và Tổ chức Y tế Thế giới, ngành y tế cập nhật, có tới hơn 60 quốc gia triển khai tiêm vắc xin cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi. Hầu hết các quốc gia đã chấp thuận vắc xin này từ tháng 11/2021 và nhiều quốc gia cho đến tận tháng 2/2022 mới đây, chấp thuận vắc xin để tiêm cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi.

PGS.TS Dương Thị Hồng nhận định: "Chúng tôi cũng đã tham khảo số lượng vắc xin sử dụng trên thế giới hiện nay, đã có 80 triệu liều của hãng Pfizer/BioNTech được phân bổ cho các quốc gia. Số liệu vẫn đang được tiếp tục cập nhật qua hệ thống của Tổ chức Y tế Thế giới cũng như các nhà sản xuất." 

"Chúng tôi cũng xin lưu ý đây là những vắc xin đã được sử dụng tại các quốc gia ở châu Mỹ như Mỹ; châu Âu với tổng số là 64 quốc gia đã cho phép sử dụng vắc xin cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi. Đối với các quốc gia châu Á như Nhật Bản, Philippines, Singapore, Malaysia là những nước gần chúng ta cũng đã chấp thuận sử dụng vắc xin cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi." - PGS.TS Dương Thị Hồng nói.

PGS.TS Dương Thị Hồng nhấn mạnh, việc sử dụng vắc xin cho trẻ ở độ tuổi này theo khuyến cáo, số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới và của nhà sản xuất thì tính an toàn của vắc xin cũng tương tự như đối với vắc xin sử dụng cho người lớn và trẻ lớn từ 12 tuổi cho đến dưới 18 tuổi. Do đó, Việt Nam chúng ta đã triển khai như các quốc gia trên thế giới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ