Sở Y tế Hà Nội vừa có Công văn khẩn số 79/SYT-NVY về công tác điều trị cho trẻ em nhiễm Covid-19 gửi các bệnh viện trong và ngoài công lập; 30 trung tâm y tế của quận, huyện, thị xã.
Theo đó, để bảo đảm tốt cho công tác điều trị cho trẻ em nhiễm Covid-19 trong thời gian học sinh, sinh viên đến trường học tập trung trở lại, Sở Y tế Hà Nội giao cho Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, chuyên khoa đầu ngành Nhi tổ chức đào tạo, tập huấn cho các đơn vị trong ngành công tác xử trí, chăm sóc, điều trị trẻ em mắc Covid-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Đồng thời, Sở Y tế Hà Nội giao bệnh viện này chịu trách nhiệm khảo sát năng lực đáp ứng điều trị nhi khoa toàn ngành để lên kế hoạch hỗ trợ đơn vị tuyến dưới trong công tác điều trị trẻ em nhiễm Covid-19.
Bên cạnh đó, Sở Y tế Hà Nội cũng yêu cầu các bệnh viện đa khoa có giường điều trị nhi khoa khẩn trương xây dựng phương án tổ chức tiếp nhận, điều trị trẻ em nhiễm Covid-19, sẵn sàng nhân lực, trang thiết bị, thuốc, vật tư tiêu hao đáp ứng điều trị.
Đối với 30 trung tâm y tế quận, huyện, thị xã, Sở Y tế yêu cầu tham mưu UBND quận, huyện, thị xã phương án bảo đảm y tế trường học khi học sinh quay trở lại trường học; đồng thời, phối hợp với phòng y tế, phòng giáo dục quận, huyện, thị xã để chủ động xây dựng kịch bản với các tình huống có thể xảy ra tại trường học, không để bị động, lúng túng, bất ngờ.
Theo các bác sĩ, số trẻ mắc Covid-19 nặng chưa quá nhiều nhưng biểu hiện bệnh lại khá đa dạng, khó xác định và không giống ở người lớn. Có trẻ không có triệu chứng đường hô hấp mà lại có triệu chứng ở não hay tim.
Điều đáng lo ngại là phụ huynh không nghĩ trẻ bị nhiễm Covid-19 mà chỉ là cảm sốt thông thường hoặc các bệnh khác, nhất là những trẻ nhỏ có biểu hiện kích thích, vật vã, nôn ói chứ không khó thở hay các triệu chứng như ở người lớn.
Do đó, các bậc phụ huynh dễ nhầm lẫn, bỏ sót và đưa con đến bệnh viện muộn.
Khi chuyển biến bệnh nặng tổn thương đa cơ quan chứ không riêng tổn thương phổi mà có thể ở gan, thận thậm chí một số bé tổn thương ở não...
Trước đó, ngày 18/2, Sở Y tế Hà Nội đã ban hành hướng dẫn điều chỉnh (lần thứ 7) về phân luồng tiếp nhận, điều trị người bệnh Covid-19, đặc biệt là có thêm hướng dẫn phân luồng điều trị trẻ mắc Covid-19.
Cụ thể, trẻ trên 3 tháng tuổi sẽ được điều trị tại nhà. Nếu không đủ điều kiện điều trị tại nhà, sẽ được chuyển điều trị tại cơ sở thu dung quận, huyện.
Với trẻ có bệnh nền không ổn định hoặc thể trạng béo phì, trẻ từ 3 tháng tuổi trở xuống sẽ chuyển điều trị tại bệnh viện đa khoa có giường bệnh điều trị nhi khoa.
Trẻ mắc Covid-19 mức độ trung bình được điều trị tại tầng 2 (các bệnh viện đa khoa có khoa nhi); bệnh viện trung ương, bộ, ngành.
5 bệnh viện: Thanh Nhàn, Hà Đông, Đức Giang, Xanh Pôn và Sơn Tây; bệnh viện trung ương, bộ, ngành sẽ tiếp nhận trẻ em mắc Covid-19 tầng 3.
Trong một diễn biến liên quan, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố tại Công văn số 472/UBND-KGVX ngày 18/2/2022, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội thông báo tới các đơn vị, nhà trường tạm dừng phương án cho học sinh các khối lớp 1, 2, 3, 4, 5, 6 thuộc 12 quận trở lại trường học trực tiếp (theo kế hoạch là vào ngày 21/2) cho đến khi có thông báo mới của thành phố. Học sinh các khối từ lớp 1 đến lớp 12 thuộc 18 huyện, thị xã và học sinh từ lớp 7 đến lớp 12 thuộc 12 quận tiếp tục học trực tiếp theo kế hoạch. Trẻ mầm non trên địa bàn toàn thành phố tiếp tục nghỉ tại nhà.
Từ ngày 29/4/2021 đến nay, Hà Nội ghi nhận 196.416 ca Covid-18 với 893 ca tử vong.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, Sở Y tế Hà Nội khuyến cáo, người dân trên địa bàn thành phố khi có một trong các biểu hiện như: sốt, ho, đau họng, khó thở, đau người, mệt mỏi, ớn lạnh, giảm hoặc mất vị giác, hoặc mất khứu giác, cần liên hệ ngay với trạm y tế phường, xã nơi lưu trú để được hướng dẫn và làm xét nghiệm SARS-CoV-2 miễn phí nhằm phát hiện sớm nguy cơ mắc bệnh Covid-19, hoặc liên hệ với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội qua số điện thoại (0969.082.115 hoặc 0949.396.115) để được tư vấn...
Khai báo y tế hằng ngày trên ứng dụng PC-Covid, nhất là những người có biểu hiện ho, sốt để góp phần giúp các cơ quan y tế kịp thời phát hiện, phân loại những ca F0 trong cộng đồng, nhằm chặn đứng, khóa chặt nguồn lây nhiễm.