Việt Nam có đủ năng lực quản lý vận hành điện hạt nhân?

GD&TĐ - Nên hay không nên tiếp tục phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam? Nếu phát triển điện hạt nhân thì chúng ta được gì, bài toán hiệu quả và an toàn được tính như thế nào?

Việt Nam có đủ năng lực quản lý vận hành điện hạt nhân?

Điện hạt nhân là năng lượng xanh

Sau Hội nghị COP26 tại Paris, điện hạt nhân trên thế giới lại được nhắc đến như một giải pháp để đạt được mục tiêu zero carbon. Trong nghị trường Quốc hội đang họp cũng đã nêu ra vấn đề này với phát biểu của Bộ trưởng Bộ Công Thương về đề xuất điều chỉnh Quy hoạch điện 8 để có thể bổ sung phương án điện hạt nhân.

Là người có thời gian làm việc khá nhiều năm, gần như cả cuộc đời công tác trong lĩnh vực điện hạt nhân nên cũng xin được chia sẻ một số quan điểm về phát triển điện hạt nhân.

Điện hạt nhân hiện nay đóng góp trên 10% sản lượng điện toàn cầu và chiếm 1/3 trong số các loại điện được tạo ra bằng công nghệ phát thải carbon thấp. Điện hạt nhân giúp giảm phát thải Dioxit Carbon hàng năm 2 tỷ tấn, tương đương với việc không cho lưu hành 400 triệu xe ô tô.

Ngoài 31 quốc gia và vùng lãnh thổ đã có điện hạt nhân, thì hiện có 27 nước đã có chủ trương phát triển điện hạt nhân, trong đó 12 nước dự kiến có nhà máy điện hạt nhân đầu tiên đi vào vận hành năm 2035 với tổng công suất 26.000 MW.

Khác biệt căn bản của điện hạt nhân với các dạng nhiệt điện khác là yêu cầu về bảo đảm an toàn và an ninh hạt nhân.

Do đó, một quốc gia muốn phát triển điện hạt nhân phải đáp ứng các yêu cầu về cơ sở hạ tầng an toàn và an ninh hạt nhân theo hướng dẫn của IAEA. Các chất thải hạt nhân được quản lý bảo đảm an toàn cho con người và môi trường ở cả hiện tại cũng như tương lai.

Các đầu tư phát triển công nghệ điện hạt nhân hiện nay chủ yếu tập trung vào các giải pháp bảo đảm an toàn dựa trên kinh nghiệm vận hành, các bài học rút ra từ các sự cố tai nạn vừa qua và cập nhật các tiến bộ của công nghệ như vật liệu, xây dựng, điện, điện tử, cơ khí… giúp tăng cường biện pháp bảo đảm an toàn.

Vì vậy, suất đầu tư của điện hạt nhân hiện nay là cao hơn so với các loại hình phát điện khác.

Tuy nhiên, hệ số sử dụng công suất và thời gian sống của nhà máy điện hạt nhân khá dài 60 năm, có thể đến 80 năm nên sản lượng điện tạo ra nhiều hơn các loại phát điện khác cùng công suất và dẫn đến giá thành rất rẻ khi hết khấu hao đầu tư, còn chi phí nhiên liệu trong giá điện thì rất thấp (các loại nhiệt điện khác như than, dầu, khí thì giá điện chủ yếu cấu thành là từ giá nhiên liệu).

Công nghệ an toàn là trên hết

Nhiều nước trình độ không hơn Việt Nam cũng đã quản lý an toàn các nhà máy điện hạt nhân. Chẳng nhẽ người Việt Nam ta lại không đủ năng lực để quản lý và vận hành an toàn các nhà máy điện hạt nhân. Tôi không nghĩ như vậy!

Hiện nay, khi bàn luận về việc phát triển điện hạt nhân thường là có các ý kiến trái chiều, ủng hộ và phản đối. Đây là điều bình thường. Tuy nhiên, ủng hộ hay phản đối phát triển điện hạt nhân đều phải dựa trên cơ sở các luận cứ khoa học, không chỉ là cảm tính.

Thực tế nhà máy điện hạt nhân trong điều kiện vận hành bình thường là thân thiện với môi trường. Trong lịch sử phát triển điện hạt nhân chỉ chứng kiến 2 tai nạn có ảnh hưởng đến con người và môi trường là tai nạn Chernobyl và Fukushima.

Tai nạn Chernobyl xảy ra với loại công nghệ không được thương mại, chỉ sử dụng ở Liên Xô và sự vi phạm quy phạm vận hành. Còn tai nạn Fukushima là do công nghệ cũ thế hệ II chưa tính tới các yếu tố cực đoan của môi trường của động đất và sóng thần. Sau mỗi tai nạn các tiêu chuẩn về an toàn lại được xem xét đánh giá lại và nâng cao hơn các tiêu chuẩn về an toàn.

Về công nghệ có thể sẽ giải quyết được các kịch bản sự cố tai nạn. Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là ý thức con người.

Vì vậy để hạn chế các rủi ro thì công tác đào tạo cán bộ, nâng cao nhận thức về văn hóa an toàn trong các nhà máy điện hạt nhân và có cơ chế quản lý an toàn hết sức nghiêm ngặt kể cả trong nội bộ của chủ nhà máy điện hạt nhân và cũng như quản lý ngoại bộ của cơ quan pháp quy hạt nhân là hết sức cần thiết.

Bộ Công Thương kiến nghị “xem xét nghiên cứu khả năng phát triển điện hạt nhân trong tương lai”. Tôi nghĩ đề xuất mới của Bộ Công Thương là hợp lý vì các nguồn năng lượng hóa thạch nội địa của ta hạn chế và thủy điện đã khai thác hết các tiềm năng. Còn phát triển điện từ năng lượng tái tạo vẫn phải có 20% công suất dự phòng từ nhiệt điện (điện khí, điện hạt nhân).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa INT.

Môn học công cụ

GD&TĐ - Theo kết quả kỳ thi học sinh giỏi quốc gia lớp 12 năm học 2024 - 2025, Hà Nội vẫn dẫn đầu cả nước về số lượng học sinh đoạt giải.