Khi nào nên tái khởi động điện hạt nhân ở Việt Nam?

GD&TĐ - Các chuyên gia cho rằng, cân nhắc nhiều yếu tố nhu cầu, lợi ích đối sánh với những rủi ro phải đối mặt, chi phí đầu tư… thời điểm này, Việt Nam chưa nên phát triển điện hạt nhân.

Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận được Quốc hội thống nhất dừng triển khai năm 2016.
Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận được Quốc hội thống nhất dừng triển khai năm 2016.

Chi phí làm điện hạt nhân rất cao

Ủy ban Kinh tế của Quốc hội mới đây vừa đề xuất xem xét phát triển điện hạt nhân để giảm phát thải ròng về 0 vào năm 2050, ở giai đoạn phát triển năng lượng tiếp theo. Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận đã được dừng theo quyết định tại Nghị quyết 31 năm 2016 của Quốc hội.

Trong báo cáo giám sát về việc thực hiện nghị quyết này, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đánh giá điện hạt nhân được các quốc gia công nhận là điện sạch, phát thải khí nhà kính rất thấp sau Hội nghị COP 26.

Việt Nam xem xét phát triển điện hạt nhân trong giai đoạn tiếp theo sẽ góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, phát triển kinh tế độc lập, tự chủ và bảo đảm an ninh hệ thống điện với nhu cầu đa dạng nguồn phát.

TS Ngô Đức Lâm, chuyên gia về năng lượng cho biết, điện hạt nhân được coi là sạch, không phát thải CO2. Phát triển điện hạt nhân sẽ tránh phụ thuộc vào nguồn cung cấp dầu và khí, cung cấp điện năng ổn định công suất lớn cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Tuy nhiên, đầu tư cho nhà máy điện hạt nhân là bài toán rất lớn, chi phí rất cao. Chi phí này gồm cả đầu tư, xử lý môi trường chất thải, vận hành, công nghệ… “Tôi cho rằng, chúng ta không nên tính đến phát triển điện hạt nhân, ít nhất là từ nay đến năm 2035. Điều này dựa trên xu thế thời đại và tiềm năng sẵn có của Việt Nam”, TS Ngô Đức Lâm nói.

Nước ta có tiềm năng lớn về năng lượng tái tạo. Cụ thể, với điện Mặt trời, tiềm năng khai thác ở Việt Nam khá lớn, nhất là ở khu vực duyên hải miền Trung, Đồng bằng sông Cửu Long với năng lượng bức xạ Mặt trời trong năm tương đối ổn định là 4 – 5 kWh/m2/ngày.

Việt Nam nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, có đường bờ biển trải dài hơn 3.200km với 28 tỉnh, thành phố ven biển, vì vậy tiềm năng phát triển năng lượng gió tại Việt Nam cũng vô cùng lớn. Theo tính toán, đến năm 2050, nếu như hoàn toàn không dùng năng lượng khác, thì riêng tiềm năng gió, Mặt trời đã đủ phát điện cho toàn quốc.

Cân nhắc thời điểm hợp lý

GS Phạm Duy Hiển, Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam cho biết, Việt Nam không có bất cứ lợi thế nào để làm điện hạt nhân theo con đường xây dựng các lò phản ứng công suất lớn. Chúng ta không hề có tiềm năng về nhiên liệu urani.

Chúng ta không đủ năng lực công nghệ và trình độ chuyên gia để có thể tiếp thu, làm chủ và nội địa hóa công nghệ điện hạt nhân như Trung Quốc và Hàn Quốc đã làm. Trung Quốc đã tự xây dựng các nhà máy điện hạt nhân trong những năm 1990 sau khi nhập và nội địa hóa các lò phản ứng từ Pháp, Nga, Mỹ.

Do vậy, Việt Nam nên phát triển năng lượng khác dựa trên tiềm năng và lợi thế của mình. Nhờ dừng dự án điện hạt nhân, tỉnh Ninh Thuận đã bứt phá lên trở thành một trung tâm năng lượng tái tạo hàng đầu của cả nước.

Đến nay, nhờ lợi thế có nguồn ánh sáng Mặt trời rất ưu việt, Ninh Thuận đã đưa vào vận hành nhiều trang trại điện Mặt trời với tổng công suất hàng nghìn MW, và con số này còn lớn hơn nữa trong những năm tới. Những trang trại năng lượng gió cũng đang tiến đến công suất nghìn MW.

Như vây, chỉ vài năm sau khi dừng dự án điện hạt nhân, năng lượng tái tạo của Ninh Thuận đang tiến rất gần đến mục tiêu 4.000 MW điện hạt nhân vốn được dự kiến cho năm 2030.

PGS.TS Vương Hữu Tấn, Chủ tịch Hội Năng lượng nguyên tử Việt Nam cho rằng, xu thế phát triển điện hạt nhân là tất yếu, quan trọng là cân nhắc thời điểm hợp lý.

Vấn đề hiện nay là phải xem xét các cơ sở hạ tầng cần thiết, trong đó có hạ tầng về an toàn, an ninh và bồi thường hạt nhân của chúng ta như thế nào và kế hoạch hoàn thiện ra sao thì mới biết khi nào mới nên tái khởi động dự án điện hạt nhân.

Cho đến nay, trong bối cảnh xu thế chung của thế giới, để có thể bảo đảm cam kết theo COP26, cung cấp điện năng ổn định công suất lớn cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, và đặc biệt là bảo đảm an ninh năng lượng, không phụ thuộc vào nguồn cung dầu và khí, việc quay lại phát triển điện hạt nhân cần được đưa ra xem xét toàn diện, khoa học và kỹ lưỡng để sớm có quyết định. Đặc biệt, phải có nhóm chuyên gia giỏi trong và ngoài nước để phân tích, đánh giá đầy đủ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.