Viết luận - Trình bày miệng một hoạt động lai tạo

GD&TĐ - Trong một số bài trước chúng tôi đã đề cập đến xu hướng mới trong dạy tiếng Anh, đó là sự phối hợp rèn luyện một vài kỹ năng giao tiếp trong một loại hình bài tập, mà thuật ngữ gọi là hybrid activities (hoạt động lai tạo).

Viết luận - Trình bày miệng một hoạt động lai tạo

Các thiết kế loại hình bài tập này có thể được ứng dụng vào các lớp học tiếng Anh trên toàn thế giới. Tuy nhiên, khi ứng dụng vào một địa phương cụ thể, người thiết kế cần chú ý đến những nét khác biệt về ngôn ngữ và văn hóa giữa tiếng mẹ đẻ và ngôn ngữ mục tiêu, những nét đặc thù của người học như xu hướng mắc lỗi, trình độ tiếp thu…

Trong bài này chúng tôi xin giới thiệu một loại bài tập phối hợp giữa hai kỹ năng, luyện viết và nói, một loại hình, chúng tôi hy vọng, phù hợp với học sinh trung học ở Việt Nam.

Hiểu về “nói” và “viết”

Nói thường được coi là một kỹ năng khác biệt với viết trên cơ sở có hai phạm trù: ngôn ngữ nói và ngôn ngữ viết (David Brazil, 1995). Nói một cách khái quát nhất, khi dạy nói người thày quan tâm đến tình huống giao tiếp cụ thể trong đó chủ đề có thể thay đổi theo thời gian, do vậy yêu cầu tìm ra cách diễn đạt thích hợp đóng vai trò quan trọng.

Khi dạy viết người thày lại quan tâm nhiều hơn đến một chủ đề và tìm ngôn ngữ thích hợp để dựng lên một chuỗi thông tin liên kết chặt chẽ với nhau xung quanh chủ đề đó.

Ann Raimes (1983) đưa ra những điểm khác nhau giữa nói và viết như sau:

1. Lời nói mang tính phổ quát. Mọi người đều học nói từ khi lọt lòng mẹ, nhưng phải qua một giai đoạn dài, năm bảy năm sau mới học đọc và học viết.

2. Người nói sử dụng giọng nói, động tác cơ thể, chỗ dừng (pause), và ngữ điệu (intonation) để diễn dạt. Người viết hoàn toàn dựa vào từ vựng, chính tả và dấu chấm câu (punctuation).

3. Nói thường dùng đến phản xạ tức thời (spontaneous response). Viết thường phải có thời gian lập dàn bài (planning/scheming) và sửa đi sửa lại.

4. Người nói nhận được sự phản hồi (feedback) ngay trước mặt mình. Sự phản hồi này không tồn tại với người viết. 

5. Nói thường thân mật (informal) và  lặp lại (repetitive). Viết thường nghi thức (formal) và cô đọng (compact).

Nhìn chung trong Thời đại Phương pháp nói và viết thường được tách ra luyện tập riêng nhằm phát huy hết bản chất của quy trình nói và viết, không quan tâm đến sự phối hợp giữa nói và viết trên cơ sở quan tâm đến những vùng giao thoa.

Có rất nhiều loại hình nói như phát âm (âm, trọng âm từ và câu, nhịp điệu và ngữ điệu), hội thoại (conversation), trình bày (presentation), thảo luận và tranh luận (discussion and argument), giải quyết vấn đề (problem-solving), phỏng vấn (interview). Đi theo các loại hình này là hàng trăm các kỹ thuật luyện, từ những kỹ thuật sơ đẳng như dựng câu (sentence building) đến những kỹ thuật phức tạp như giải quyết vấn đề (problem solving). (Jim Wingate,1993; Brian Hill, 1989).

Các kỹ thuật luyện nói giúp học sinh

- Tham gia các cuộc hội thoại và thảo luận nhóm thành công.

- Tổ chức một bài nói chuyện/trình bày (presentation) với những ý tưởng rõ ràng và cụ thể.

- Tăng cường năng lực nghe và phát âm.

- Củng cố kỹ năng tư duy phân tích (critical thinking skills) thông qua việc huy động ý kiến tập thể (brainstorming), đánh giá giá trị (considering values), ra quyết định (making decision), giải quyết vấn đề (solving problem) và phân tích vấn đề (analysing issues).

- Phân tích tính hiệu quả của các cuộc thảo luận, các bài trình bày thông qua việc sử dụng những quan sát cá nhân, bạn bè và nhóm.

- Xây dựng sự nhạy bén đối với các vấn đề văn hóa xuyên quốc gia (cross-cultural isues).

- Xây dựng thói quen chịu trách nhiệm với quy trình học tập của chính mình.

                                                     (Candace Matthews, 1994)

Loại hình luyện viết cũng rất đa dạng từ đơn giản như dựng câu (sentence building) đến phức tạp như viết luận (composition).

Các kỹ thuật luyện viết giúp học sinh:

- Củng cố các cấu trúc ngữ pháp, thành ngữ và từ vựng đã học.

- Khi viết, học sinh thường có cơ hội bay bổng với ngôn từ (be adventurous with the language),   khác với lời nói thường giản đơn.

- Khi viết, học sinh luôn luôn phải tìm mọi cách để diễn đạt ý tưởng của mình một cách rõ ràng nhất, chính xác nhất. Bộ óc phải được huy động tối đa để có thể tìm ra điều muốn nói (what to say) và diễn đạt nó như thế nào (how to say)

                                                                             (Ann Raimes, 1983)

Bàn về phương pháp dạy tiếng trong thế kỷ 21, Hinkel (2010) cho rằng nếu chúng ta tách các kỹ năng giao tiếp để dạy riêng từng kỹ năng một (taught in a segregated fashion) thì nó không phản ánh được sự giao tiếp trong đời sống thực. Tất cả các kỹ năng điều tương tác với nhau một khi tiến hành giao tiếp. (" All our linguistic skills interact with one another when we communicate").

Phối hợp kỹ năng nói, viết trong rèn luyện năng lực ngôn ngữ

Tôi xin gợi ý phương pháp phối hợp kỹ năng nói và kỹ năng viết trong rèn luyện năng lực ngôn ngữ cho người học, tập trung vào một mục đích là viết luận (writing conversation) và trình bày miệng một vấn đề (presentation).

Khả năng lồng ghép hai kỹ năng này xuất phát từ nhu cầu giao tiếp: Trong bước chuẩn bị trình bày miệng một vấn đề gì trước khán giả, người trình bày phải có sự chuẩn bị chu đáo bằng văn bản rồi sau đó mới làm diễn giả. Bước này rất giống với quy trình xây dựng một văn bản viết như một bài báo khoa học, một luận văn, một câu chuyện, ....

Chúng ta hãy xem sơ đồ một quy trình viết của Tricia Hedge (1988)

Động cơ viết (being motivated to write)

          -> thu thập ý tưởng (getting ideas together)

                   -> lập dàn bài (planning and outlining)

                            -> phác thảo (making notes)

                                      -> viết nháp lần 1 (making a first draft)

                                              -> sửa chữa, sắp xếp lại, viết nháp lần 2                                                       (revising, replanning, redraffting)

                                                       -> biên tập, hoàn thiện để công bố

                                                                (editing and getting ready for                                                                          publication)

                                                                    (Tricia Hedge, 1988, p. 21)

Bảy bước chuẩn bị này cũng là quy trình chuẩn bị của một bài nói chuyện, một báo cáo trước hội nghị. Đối với một số cuộc nói chuyện, nếu người trình bày không để lại một văn bản viết để in ấn dưới bất cứ hình thức nào thì có thể bỏ qua bước making a first draft và bước cuối cùng, editing and getting ready for publication, chỉ thực hiện năm bước còn lại, đồng thời chuẩn bị  power point. Power point hoàn thiện dùng để trình bày trên hội nghị vẫn phải bộc lộ đầy đủ ý tưởng của mình (ideas) một cách mạch lạc (planned) thông qua nội dung tóm tắt (notes).

Hai quy trình compositionpresentation đều bắt đầu bằng hai câu hỏi: What is the purpose ? Who am I writing for/speaking to? Sự khác nhau duy nhất là sản phẩm cuối cùng, một sản phẩm nói và một sản phẩm viết.

Vậy bài tập lai tạo Compo-Presentation có hai giai đoạn: giai đoạn chuẩn bị và giai đoạn trình bày, và sự khác nhau rơi vào giai đoạn trình bày. Nếu trình bày miệng, người học phải được huấn luyện để đạt những tiêu chuẩn nói, nếu trình bày bằng văn bản thì đạt tiêu chuẩn viết như Ann Raimes (1983) đề xuất.

Xem chi tiết hướng dẫn các bước cụ thể xây dựng văn bản hoàn thiện TẠI ĐÂY

Điểm qua sự phát triển của lĩnh vực dạy ngoại ngữ khi bắt đầu bước vào thế kỷ 21 chúng ta thấy mọi phương pháp, mọi cải tiến đều nhằm biến lớp học thành nơi hoạt động của học sinh (student-centrered), mọi loại hình bài tập khi xây dựng lên phải trả lời được câu hỏi "Bài tập này đòi hỏi học sinh tham gia tới mức độ nào, đồng thời đánh giá được bài tập đã khai thác tài liệu được tới mức nào? Tất cả những điều đó đều nhằm cung cấp cho học sinh một năng lực kết hợp các kỹ năng giao tiếp để họ có được một sức mạnh thực sự trong các tình huống giao tiếp hàng ngày.

Để có thể thực hiện nhiệm vụ học thuật ấy (academic tasks) người thày cần phải được liên tục huấn luyện để bắt kịp với những nhịp đập mới. Vì thế ngày nay người ta thường thay thế thuật ngữ teacher training (huấn luyện/tập huấn giáo viên) bằng teacher development (phát triển nghiệp vụ cho giáo viên).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ