Viết có thể thay đổi thế giới?

GD&TĐ - Thế giới biến động dữ dội và khó lường, gây bất an cho toàn nhân loại, trong đó có những người cầm bút.

Ảnh minh họa: ITN.
Ảnh minh họa: ITN.

“Sau ngày cuối cùng của thế giới

Anh trở lại khu vườn của chúng ta

Đứng dưới vòm hoa dạ lý”.

(Nguyễn Đức Tùng)

Tới những năm đầu thế kỷ 21, cùng với sự phá vỡ cân bằng sinh thái trên Trái đất, những mâu thuẫn sắc tộc, xung đột tôn giáo và tham vọng bành trướng của các nước lớn đã lên tới đỉnh điểm.

Vào cuối tháng 12/2019, đại dịch Covid-19 làm đảo lộn cuộc sống trên toàn thế giới, đe dọa sức khỏe, tính mạng của nhân loại. Thế giới biến động dữ dội và khó lường, gây bất an cho toàn nhân loại, trong đó có những người cầm bút.

Hiện thực đời sống diễn tiến quá nhanh, làm phần lớn những người cầm bút có cảm giác như bị quên lãng, nhấn chìm, bị hất văng ra khỏi dòng chảy thời cuộc. Đây không còn là “Cú sốc tương lai(1)”, hay “sự thay đổi áp đảo con người” như Alvin Toffler(2) đã từng viết, mà là cú sốc hiện tại diễn ra bất ngờ, gây hoang mang, thách thức đời sống nhân loại.

Những biến động đó làm thay đổi, đa dạng hóa các giá trị, trong đó có văn học. Sự thay đổi ấy tác động trực tiếp vào người viết và người đọc, cả tích cực và tiêu cực. Là người cầm bút, tôi luôn trăn trở và tự đặt cho mình những câu hỏi: Lúc này viết để làm gì và viết như thế nào để vượt qua những tiêu cực? Viết có thể làm thay đổi thế giới không?

Viết để giành lại quyền năng của sự sáng tạo

Người viết hôm nay không chỉ phản ánh, lý giải hiện thực, mang lại nhận thức và xúc cảm tươi mới cho người đọc, mà viết để giành lại quyền năng của sự sáng tạo, quyền được tạo ra sản phẩm văn chương tương ứng với hiện thực đời sống khắc nghiệt, cao hơn, hoặc đi xa hơn.

Viết, với bất kỳ thể loại văn chương nào, hoặc kết hợp nhiều thể loại trong một tác phẩm, những người cầm bút đang giành lại quyền tự do ngôn luận và biểu đạt, quyền bảo vệ đồng loại cũng như bảo vệ thiên nhiên, muông thú, cỏ cây... Bằng chính hành động viết, chúng ta nuôi dưỡng khát vọng của nhân loại, bảo vệ những điều cao quý luôn có nguy cơ bị trấn áp.

Ở thời đại chúng ta, con người không chỉ trải nghiệm cuộc sống trong thế giới tiện nghi, mà còn có nhu cầu sống trong thế giới các giá trị. Người viết là người tạo ra giá trị văn chương trong chuỗi những giá trị ấy.

Nhưng hiện nay, phần lớn tác phẩm văn chương của chúng ta vẫn còn ở khoảng cách khá xa so với nhu cầu của người đọc. Phải chăng tác phẩm của đa số các nhà văn chưa đủ lớn, chưa đủ lực để ảnh hưởng tới cộng đồng?

Tôi quan niệm, một người cầm bút không có những tác phẩm lay động lòng người, không ảnh hưởng tới cộng đồng, tức là anh ta vẫn im lặng. Đó là sự im lặng trước những khát vọng, để mặc chúng bị chôn vùi, trước những người đã chết, cũng có thể coi đó là sự thỏa hiệp với cái xấu, cái ác.

Vậy viết phải chăng là hành động phá vỡ sự im lặng, để trở thành một phần của cái toàn thể, để bước tới cái ta rộng lớn, một cái ta khác hẳn, cái ta này không loại bỏ cái tôi, mà hình thành từ cái tôi giàu bản sắc và bản lĩnh.

Viết để tạo nên ý nghĩa của tồn tại. Triết gia người Pháp René Descartes(3) từng viết: “thế giới bên ngoài độc lập với tâm trí chỉ có thể được gián tiếp trải nghiệm thông qua trung gian là những ý tưởng về nó(4)”.

Người viết, trong mọi hoàn cảnh, chính là người tạo ra những “trung gian”, những cuộc đối thoại cởi mở giữa người đọc và chính văn bản mà nhà văn ấy tạo ra.

Tác phẩm văn chương giúp người đọc không bị mắc kẹt trong con người hiện tại của họ, mà luôn có vô vàn lối thoát vào những không - thời - gian khác nhau, những hóa thân khác nhau.

Viết để bảo vệ và tôn trọng sự thật. Lịch sử một cộng đồng, một dân tộc cũng có lúc bị lu mờ, bị đánh tráo, bị bôi xóa. Trong đó, văn hóa dân tộc bị tiêu diệt, bị bóp méo; các di sản vật thể và phi vật thể bị hủy hoại, thất tán; những sự thật bị chối bỏ, nhân phẩm con người bị chà đạp...

Vậy viết là sự phục hoạt, làm tái sinh, đòi lại những cái đã mất, trả lại sự thật cho các giá trị, cho những khái niệm từng bị đánh tráo. Viết là đi sâu vào một cấu trúc bên dưới mọi nền văn hóa, khơi dậy những ký ức ngủ yên dưới đáy mọi tâm trí, trong thẳm sâu trái tim người đọc.

Viết để thức tỉnh những điều tốt đẹp nhất trong mỗi con người, làm cho họ được sống người hơn trong một thế giới ngày càng ảo.

Viết để góp phần ngăn chặn chiến tranh, dịch bệnh, giữ thăng bằng trật tự thế giới... Đặc biệt hơn, viết để cân bằng sinh thái. Cũng không quá tiêu cực khi nói rằng, Trái đất của chúng ta đang chết dần, chúng ta phải cứu lấy Trái đất.

Nhà thơ Christopher Manes(5) từng cảnh báo: “Thiên nhiên đang im lặng trong nền văn hóa của chúng ta (và trong các xã hội biết chữ nói chung)(6)”. Vậy mỗi người cầm bút cần xác định, viết để bảo vệ ngôi nhà chung của chúng ta đang bị ô nhiễm, bị lạm dụng bởi chính lòng tham và sự vô cảm của con người.

Chúng ta đang sống trong thời đại của sự chuyên biệt hóa tri thức, do sự phát triển vượt bậc của khoa học và công nghệ. Việc chuyên môn hóa kiến thức cho phép con người thử nghiệm lớn hơn, khám phá sâu hơn những bí mật trong đời sống và vũ trụ, nhưng chính nó cũng sinh ra những hệ quả tiêu cực, đó là sự phân mảnh, khu biệt hóa tri thức và văn hóa.

Do vậy, tác phẩm văn chương chính là nơi giữ thăng bằng, kết nối con người với nhau. Để họ không chỉ biết mình là một dòng hải lưu, một hòn đảo, mà còn thấy được cả đại dương, là một phần không thể tách rời của thế giới.

Ảnh minh họa: ITN.

Ảnh minh họa: ITN.

Cần vượt qua những ranh giới do chính mình tạo dựng

Vậy viết thế nào luôn là nỗi băn khoăn của những người cầm bút hiện nay. Với cá nhân tôi, người viết trước hết cần vượt qua những ranh giới do chính mình tạo dựng.

Đó chính là ranh giới của thi pháp, của hệ hình thẩm mỹ mà mình đã dày công thiết lập bằng trải nghiệm, bằng tích lũy kiến thức, nhưng đã đến lúc phải biết nghi ngờ, coi như nó không còn phù hợp. Cái ranh giới ấy thực ra là lớp vỏ cứng bao bọc lấy người sáng tạo.

Nó từng làm lá chắn, thậm chí chính nó đã tạo ra phong cách cho nhà văn ấy, nhưng giờ phải đập vỡ nó, như để tìm ra lớp nhân hạt đích thực bên trong, có giá trị cao hơn.

Khi người viết coi mỗi lần sáng tạo là một lần “xuất phát”, “làm lại từ đầu”, thì chính tác phẩm sẽ giúp hình thành những thủ pháp mới để anh ta không còn phải đi trên đường cũ, không phải trải nghiệm lại những cảm xúc quen thuộc. Vậy viết là cách mỗi tác giả tự mình mở rộng đường biên của quan niệm thẩm mĩ, của thi pháp.

Để văn chương luôn là dòng chảy của đời sống hiện đại ngày càng công nghệ hóa, càng ảo hóa, người viết cần không ngừng sáng tạo, làm mới ngôn ngữ biểu đạt.

Nhà văn cần lắng nghe ngôn ngữ đời sống để tạo lập những cấu trúc mới, những ngữ nghĩa mới sinh động hơn cho từ vựng, đó chính là cách duy nhất để hấp dẫn độc giả. Ngoài kĩ năng viết, kinh nghiệm và tài năng, nhà văn nên tìm tòi một ngôn ngữ biểu hiện của riêng mình và đưa ngôn ngữ ấy vượt qua những khuôn mẫu sáo mòn, quen thuộc.

Trong vài thập niên gần đây, những người cầm bút, đặc biệt các tác giả trẻ đã áp dụng một số thủ pháp sáng tác của phương Tây, trong đó có trào lưu hậu hiện đại.

Trào lưu này chủ trương dung hợp mọi giá trị, trong đó có những giá trị vốn bị gạt ra bên lề, xóa bỏ mọi ranh giới giữa trung tâm và ngoại vi - một mối quan hệ bản chất, xác định diện mạo của hệ thống thế giới hiện đại. Thời gian đầu, cũng có người cổ xúy quá tả cho những giá trị ngoại vi, nhưng gần đây mối quan hệ ấy được thăng bằng trở lại.

Một ngôn ngữ trung tâm xô dạt về bên lề và các tư tưởng ngoại vi đang hướng tâm với nghĩa tích cực. Khuynh hướng, trào lưu nào rồi cũng bị vượt qua. Cá nhân tôi cũng từng áp dụng một số thủ pháp của khuynh hướng này, nhận thấy sự nổi loạn có tính phá phách tuy đã tạo được một số giá trị và sự chú ý, nhưng rõ ràng không chinh phục được đông đảo độc giả, nhất là tầng lớp tinh hoa.

Viết trong bối cảnh thế giới hiện nay là đi tìm sự thăng bằng giữa các đối cực, là tạo nguồn cảm xúc mạnh mẽ và thông suốt để kết nối các phân mảnh, nhằm xây dựng một không - thời - gian nghệ thuật đa phương, đa điểm nhìn.

Ảnh minh họa: ITN.

Ảnh minh họa: ITN.

Viết cũng là quay vào bên trong tâm hồn mình, lắng nghe tiếng nói nội tâm, của bản thể. Khi trong tâm người viết là tất cả thế giới thì họ sẽ viết về chính mình như viết về thế giới và ngược lại.

Văn chương luôn là một giấc mơ. Quá khứ của mỗi con người là một chuỗi giấc mơ mà nhà văn giúp người đọc chiêm nghiệm lại, của chính mình và của tha nhân.

Và, văn chương luôn là điều kỳ diệu, nó có thể chạm đến mọi tâm hồn bằng những cách khác nhau, để thanh lọc, làm khởi sinh điều tốt đẹp và cao thượng. Văn chương không có tuổi, ở nó luôn có sự tươi mới và đẹp đẽ mà con người khao khát.

Là một dòng chảy ánh xạ mọi sự kiện xảy ra theo dòng thời đại, văn chương có vai trò thế nào trong thời đại đầy những biến động tiêu cực, khó lường của chúng ta? Có lẽ nhiều người đã tự đặt câu hỏi, liệu sau vài thập kỷ tới, Trái đất có còn là ngôi nhà chung của chúng ta nữa không? Phải chăng loài người đang sống với lòng tham và sự sợ hãi.

Ngoài những dự án và hành động của những người có trách nhiệm, thử hỏi có bao nhiêu người trong chúng ta quan tâm, lo lắng khi những cuộc xung đột vẫn xảy ra? Bầu khí quyển bị ô nhiễm? Chất thải ngày càng đổ thêm xuống các đại dương? Nguyên nhân của những cánh rừng đang cháy? Băng tan ở Bắc cực? Các loài động vật quý hiếm đang dần tuyệt chủng? Bệnh dịch? Nạn đói? Và bao vấn đề khác.

Bằng những quan niệm nghiêm túc về việc viết hiện nay, cá nhân tôi trước hết với tư cách một độc giả, sau đó là khát vọng của người cầm bút, có thể khẳng định: Viết có thể làm thay đổi thế giới.

Sự thay đổi ấy bắt đầu từ tư tưởng của nhà văn, từ cách và tâm thế của anh ta nhận thức và lý giải về thế giới. Sự chuyển động của thế giới tác động vào mỗi con người giờ đã khác. Nhờ có công nghệ thông tin tiên tiến, một sự kiện vừa xảy ra nhanh chóng truyền đi khắp nơi bằng những hình ảnh sống động.

Nó tác động trực tiếp đến người cầm bút, giúp anh ta nhanh chóng bắt nhịp với tư duy, cảm xúc chung để tạo ra tác phẩm có tầm vóc và mang tinh thần thời đại. Tác phẩm ấy cộng hưởng nơi độc giả để góp phần dịch chuyển thế giới hướng đến sự tiến bộ của nhân loại.

Khi mỗi người viết biết quan tâm đến những hệ lụy của con người, của Trái đất, họ sẽ biết cách gieo vào tâm hồn người đọc những giấc mơ tốt đẹp về thế giới, biết mở ra cánh cửa tưởng tượng cho thế giới. Văn chương có thể thay đổi thế giới theo cách của riêng nó.

-------------

(1) Tác phẩm "Cú sốc tương lai" của Alvin Toffler - Nhà Xuất bản Thế Giới, 2019.

(2) Alvin Toffler (1928 - 2016): nhà văn, người theo thuyết vị lai, doanh nhân người Hoa Kỳ

(3) René Descartes (1596 - 1650) là triết gia, nhà khoa học, nhà toán học người Pháp.

(4) Nguồn: "Meaning-making in Literature and Life: an Introduction to Existentialism" của Elizabeth Ruth Deyro https://porridgemagazine.com/2018/06/05/meaning-making-in-literature-and-life-an-introduction-to-existentialism-elizabeth-ruth-deyro/

(5) Christopher Manes sinh năm 1957, tại Louisiana, hiện sống ở Texas, Hoa Kỳ.

(6) Nguồn: "The Silence That Can Speak" của Michael Mikulak. Vol. 6, No. 2 (Fall 2009). Published By: Philosophy Documentation Center.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ