Hình ảnh được công bố cho thấy, trước khi cất cánh làm nhiệm vụ, hai Pod chứa rocket ở bên bên thân Ka-52 Alligator đã được chất đầy. Cùng với đó là một số tên lửa diệt tăng tầm xa Vikhr-1.
Dù không công bố chi tiết về kết quả của lần làm nhiệm vụ này nhưng Zvezda tiết lộ, đòn tấn công của Ka-52 Alligator đã phá hủy thành công một số xe bọc thép cùng nơi triển khai chúng của lực lượng vũ trang Ukraine.
Được biết, Vikhr-1 mà Ka-52 mang theo là một bộ phận của hệ thống tên lửa chống tăng Vikhr-M, được thiết kế để tiêu diệt xe tăng, xe bọc thép và các mục tiêu trên không ở tốc độ thấp. Tầm bắn tối đa lên tới 10km, tên lửa có thể nổ ở khoảng cách 5m – 4.000m so với mục tiêu.
Hiện tại, dòng tên lửa này được Nga trang bị cho cường kích Su-25 và trực thăng Ka-52. Vikhr-1 là thế hệ tiếp nối hoàn hảo của Vikhr với các tính năng ưu việt như tầm bắn tăng lên, tốc độ nhanh hơn, được trang bị đầu dẫn tự động bám mục tiêu và hệ thống điều khiển bằng laser.
Điểm làm nên sự khác biệt của Vikhr-1 so với một số tên lửa khác của Nga chính là việc chúng hoạt động theo nguyên lý "bắn và quên", tức là xạ thủ hoặc phi công phụ trách dẫn đường hoa tiêu cần phải phát hiện và bám bắt mục tiêu, rồi bấm nút, tất cả mọi thứ diễn ra tự động, và sau đó có thể không theo dõi tên lửa trên đường bay...
Vikhr-1 đặc biệt ở chỗ, nhà thiết kế đã tìm ra phương pháp độc đáo kết hợp trọng lượng, tốc độ và khả năng chiến đấu của tên lửa sao cho phù hợp với trọng lượng của nó.
Cụ thể, là chiều dài của Vikhr-1 tăng lên 2,7m, trong khi các loại tên lửa chống tăng khác của Nga như Shturm hay Ataka dài chưa tới 2m. Nhờ đó, tầm bắn cũng như vận tốc của Vikhr-1 tăng lên đáng kể.
Đường kính Vikhr-1 bằng với đường kính các tên lửa chống tăng khác, cho phép trực thăng có thể mang theo 12 tên lửa và máy bay là 16 tên lửa.
Điểm ưu việt nữa của Vikhr-1 là sử dụng hệ thống liên lạc đa kênh, hệ thống bám mục tiêu, định hướng tự động. Những hệ thống này hợp thành một khối thống nhất tạo ra nguyên tắc bắn mục tiêu tự động. Thực tế, ở đây có sự vận hành nguyên tắc bắn và quên.
Hệ thống Vikhr-M tự lựa chọn và bám sát mục tiêu, đi kèm với tên lửa Vikhr-1 tới trước thời điểm nổ. Tên lửa được điều khiển bằng một kênh tia laser, một máy đo xa laser, một kênh dẫn tự động bám mục tiêu.
Việc sử dụng Vikhr-1 trên các phương tiện chiến đấu thực tế đã minh chứng cho sự đối mới, khác biệt và tính chính xác cao của loại vũ khí mới này. Công việc của phi công điều khiển trực thăng bắt đầu ở khoảng cách 15km so với mục tiêu.
Hệ thống ngắm được đưa vào hệ thống tính toán kỹ thuật số của tên lửa, sẽ tự động thăm dò khu vực chứa mục tiêu. Ngoài ra, các vị trí tọa độ của khu vực chứa mục tiêu đã được cài đặt sẵn trong bộ não của tên lửa, việc quét tọa độ được thực hiện tự động.
Ka-52 Alligator mang đầy vũ khí săn tìm mục tiêu. |
Sau khi tiếp nhận thông tin về mục tiêu, phi công điều khiển xác nhận danh tính (đặc điểm) của mục tiêu, lối vào khu vực chứa mục tiêu, sau đó trực tiếp bấm nút điều khiển tên lửa.
Thiết bị theo dõi ngay lập tức chuyển sang chế độ tự động đi kèm tên lửa. Khi phóng tới mục tiêu (ở khoảng cách 10km, tên lửa chỉ tốn 28s) tên lửa sẽ không đi chệch khỏi quỹ đạo đã được lập trình. Vì vậy, độ chính xác của Vikhr-1 được giới thiệu là gần như tuyệt đối.