Thông tin và hình ảnh của vụ nổ được GUR công bố trên trang Telegram chính thức của mình hôm 20/3 cho biết, trong quá trình vận chuyển tên lửa Kalibr-NK bằng đường sắt, đoàn tàu của Nga đã phát nổ khi đi đến thành phố Dzhankoy.
"Một vụ nổ tại thành phố Dzhankoy nằm ở phía bắc bán đảo Crimea đã phá hủy hàng loạt tên lửa hành trình Kalibr-NK đang được vận chuyển bằng tàu hỏa tới căn cứ của Hạm đội Biển Đen Nga", thông báo của GUR cho biết.
Mặc dù vậy, GUR không tiết lộ nguyên nhân của vụ nổ. Trong khi Nga vẫn chưa có phản ứng chính thức nào với thông tin và hình ảnh về vụ nổ được phía Ukraine công bố.
Kalibr là một trong những vũ khí hiện đại và quan trọng nhất trong biên chế quân đội Nga, được sử dụng rộng rãi trong chiến sự tại Syria và Ukraine hiện nay. Phiên bản tấn công mặt đất có tầm bắn 2.500 km và mang được đầu đạn nặng hơn 400 kg, đủ sức đánh trúng mục tiêu trong vòng tròn bán kính 5m.
Tên lửa hành trình Kalibr thực chiến lần đầu vào cuối năm 2015, khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự tại Syria để hỗ trợ chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad. Nhóm chiến hạm cỡ nhỏ của Nga khi đó đã phóng 23 quả đạn Kalibr từ biển Caspian, vượt quãng đường 1.800 km để tấn công mục phiến quân.
William Gortney, chỉ huy Bộ tư lệnh Bắc Mỹ, khi đó cho rằng Nga phóng loạt tên lửa Kalibr để phát thông điệp rằng họ đang sở hữu năng lực này, do nhu cầu chiến trường vào thời điểm đó không cần sử dụng đến tên lửa hành trình tầm xa.
Hạm đội Biển Đen Nga đóng tại bán đảo Crimea sở hữu nhiều chiến hạm có thể triển khai tên lửa Kalibr, gồm ba tàu hộ vệ Đề án 11356M, bốn tàu tên lửa Đề án 21630, ba hoặc bốn tàu tuần tra Đề án 22160 có thể mang bệ phóng Kalibr dạng container, cùng 6 tàu ngầm Đề án 636.3, còn gọi là lớp Kilo cải tiến.
Kalibr tấn công mục tiêu với tốc độ cận âm, ở độ cao 10-15m so với mặt biển để tránh bị radar đối phương phát hiện. Dữ liệu mục tiêu được nạp từ trước khi phóng, thông qua hệ thống trinh sát của tàu ngầm hoặc đường truyền dữ liệu (datalink) từ các tàu chiến và máy bay khác.
Khi cách mục tiêu khoảng 60km, đầu dò radar chủ động được kích hoạt để tên lửa tự tìm kiếm mục tiêu. Đầu đạn sẽ tách khỏi phần thân chính của tên lửa, sau đó động cơ nhiên liệu rắn sẽ đẩy quả đạn tới mục tiêu với tốc độ 3.600 km/h.
Ở giai đoạn tiếp cận mục tiêu, tên lửa bay chỉ cách mặt nước khoảng 5 m và liên tục thay đổi quỹ đạo, khiến việc đánh chặn trở nên cực kỳ khó khăn.
Trong nhiệm vụ chống tàu ngầm, tổ hợp Kalibr sẽ khai hỏa tên lửa mang đầu đạn ngư lôi có điều khiển 91RE1 và 91RE2, tương tự mẫu RPK-2 Vyuga hay Metel của Nga và ASROC của Mỹ.
Tên lửa được phóng tới vị trí nghi có tàu ngầm đối phương, sau đó tách đầu đạn để ngư lôi tự tìm kiếm mục tiêu. Mẫu tên lửa này có tầm bắn 50km, bị giới hạn về khả năng phát hiện tàu ngầm đối phương bằng hệ thống định vị thủy âm (sonar).
GUR công bố hình ảnh được cho là đoàn tàu chở Kalibr phát nổ. |
Hiện nay, Hải quân Nga đang thực hiện kế hoạch triển khai tên lửa Kalibr cho toàn bộ tàu ngầm hạt nhân và phi hạt nhân đời mới, cũng như hộ vệ hạm và các loại tàu mặt nước cỡ lớn.
Báo cáo của GUR cho biết, điều này sẽ cung cấp năng lực tiến công đáng gờm cho các loại chiến hạm trong biên chế Nga, kể cả những tàu chiến cỡ nhỏ với lượng giãn nước 500-800 tấn như lớp Buyan-M và Karakurt.
"Tầm bắn và độ chính xác của tên lửa Kalibr cho phép chiến hạm Nga uy hiếp những mục tiêu nằm xa bờ biển, giúp họ răn đe đối phương dễ dàng và hiệu quả hơn", GUR thừa nhận về năng lực của Kalibr Nga.