Ví von vô duyên!

GD&TĐ - Với người Việt, “học ăn, học nói” là bài học đầu tiên trong hành trình làm người. Qua lời ăn tiếng nói, người ta dễ dàng nhận ra văn hóa, cũng như kết quả giáo dục ở mỗi cá nhân.

Ảnh minh họa/INT.
Ảnh minh họa/INT.

Dân gian có câu “lời nói gói vàng”, và cũng khuyên rằng “lời nói chẳng mất tiền mua/lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Điều đó chứng minh lời nói đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng văn hóa giao tiếp giữa các cá nhân, và tạo thành nếp văn hóa dân tộc.

Lời nói đáng quý hơn cả vàng bạc nếu nói ra đúng lúc, đúng nơi, đúng hoàn cảnh. Một lời khuyên răn có thể giúp ai đó đang sa vào đường lầm lỡ quay đầu lại. Một lời động viên an ủi, giúp người khổ đau có thêm nghị lực để vươn lên.

Thế nhưng, một lời nói cũng ngang bằng bát máu. Lời nói nâng đỡ con người, thì cũng có thể lấp vùi người ta. Lời nói khiến con người cảm thấy được ủi an, gỡ bỏ những ràng buộc, thì cũng có thể khiến ai đó đau khổ hơn, ê chề hơn. Mức độ lan tỏa giá trị tốt đẹp hay cả những nguy hiểm của lời nói, càng mạnh mẽ hơn trong thời đại công nghệ.

Mới đây, bản tin “Điểm tuần: Nỗi sợ mùa dịch” của VTV24 phát vào trưa 31/7 nhằm lên án vấn nạn không tuân thủ các quy định phòng, chống dịch Covid-19. Nhưng điều đáng sợ và đáng buồn của đoạn phóng sự này, là BTV Sơn Lâm so sánh “não thú - não người”.

Cộng đồng mạng cho rằng, cách ví von ấy thể hiện sự vô duyên. Dù biết xuất phát từ một lý thuyết thần kinh học, nhưng việc đem động vật ra so sánh với hành vi của con người là không thể chấp nhận.

Đặc biệt, trong thời điểm hết sức nhạy cảm mà dịch bệnh Covid-19 gây ra, việc ám chỉ những người vi phạm quy định cùng cách so sánh “não thú – não người” còn thể hiện sự bất nhẫn.

Trước những phản ứng gay gắt của dư luận, bản tin so sánh “óc thú - óc người” đã ẩn khỏi kênh YouTube chính thức của VTV24. Đồng thời, bài đăng có liên quan đến video này trên Fanpage VTV24 cũng đã biến mất.

Tưởng mọi chuyện đến đó là xong. Vào tối 1/8, BTV Trần Ngọc đã đăng ảnh chụp cùng Sơn Lâm kèm status: “Đây là Lâm em tôi, tôi sẽ unfriend block tất cả những ai chửi nó hay đồng nghiệp của tôi những ngày này. Đơn giản tôi không thích các thành phần ốc chô!”.

“Ốc chô” là gì? Một người tên là Tiệp Nguyễn giải thích đó là tiếng Hàn, còn tiếng Việt là sữa… kèm theo một hình ảnh có hạt và chữ “óc chó”!?.

Chúng ta không bình luận, phán xét đúng – sai trong cách ví von, cũng như chuyện “bênh hôi”. Nhưng tất cả đã tự nói ra sự vô duyên trong cách ví von – trong lời nói – và tất nhiên, điều ấy thể hiện vốn văn hóa khiến cho bất kỳ ai nghe phải đều thấy buồn rầu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

IVES hiện thực hoá giấc mơ du học Đức

IVES hiện thực hoá giấc mơ du học Đức

Trường THCS-THPT Lê Quý Đôn và Viện Nghiên cứu Giáo dục Nghề nghiệp (IVES) phối hợp tổ chức chương trình 'Định hướng nghề nghiệp cho học sinh THPT – Khối 10'.