Vị tướng Nga không thua một trận nào

GD&TĐ - Nếu hỏi người Nga ai là nhà quân sự đại tài nhất, họ sẽ không ngần ngại trả lời đó là Đại nguyên soái cuối cùng của Sa quốc.

Đại nguyên soái Alexander Vasilyevich Suvorov (1729 - 1800). Ảnh: Thecollector.com
Đại nguyên soái Alexander Vasilyevich Suvorov (1729 - 1800). Ảnh: Thecollector.com

Nếu hỏi người Nga ai là nhà quân sự đại tài nhất, họ sẽ không ngần ngại trả lời đó là Đại nguyên soái cuối cùng của Sa quốc - Alexander Vasilyevich Suvorov (1729 - 1800). Suốt nghiệp binh, ông đánh trận nào thắng trận nấy, tổng cộng đã chiến đấu và chiến thắng hơn 70 trận.

Binh nhì nhìn xa trông rộng

Alexander chào đời trong một gia đình quý tộc ở Moscow, là con trai của Tướng Vasily Ivanovich Suvorov (1705 - 1775). Thuở nhỏ, Alexander rất ốm yếu nên Suvorov cho rằng đứa con này của ông chỉ thích hợp lớn lên làm công chức “ăn trắng mặc trơn”.

Trái với dự kiến của Suvorov, Alexander mới 12 tuổi đã theo đuổi sự nghiệp quân sự. Trước đó, cậu còn thông thạo 4 tiếng nước ngoài là tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Ý và tiếng Ba Lan, đồng thời nghiền ngẫm nhiều tác phẩm quân sự của các chiến lược gia như Plutarch, Julius Caesar, Charles XII… thậm chí chăm chỉ rèn luyện thể lực để có thể trạng tốt nhất.

Người “chắp cánh ước mơ” cho Alexander là Tướng Abram Petrovich Gannibal (1696 - 1781). Ngay lần đầu tiên gặp gỡ Alexander, Tướng Abram đã bị ấn tượng bởi kiến thức quân sự của cậu bé và nỗ lực thuyết phục cha của Alexander cho cậu theo nghiệp binh.

Tướng Suvorov đồng ý và Alexander nhập ngũ với tư cách binh nhì trong Trung đoàn cứu hộ Semyonovsky. Sáu năm đầu trong quân ngũ, Alexander tích cực phục vụ và năm 1756, khi Nga – Phổ nổ ra Chiến tranh 7 năm (1756 - 1763), anh lên chiến trường, chiến đấu ở Kunersdorf, Berlin và Kolberg.

Năm 1759, Đại nguyên soái Pyotr Saltykov (1697 - 1772) đại thắng quân Phổ. Thay vì đuổi giết tàn quân hay tiến chiếm Berlin, ông cho quân nghỉ ngơi và điều này khiến Alexander thấy bất hợp lý. Anh tuyên bố nếu là tổng tư lệnh thì đã chiếm Berlin ngay để vua Phổ là Frederick Đại đế (1712 – 1786) không có cơ hội trở mình. Đúng như Alexander lo ngại, Frederick đã nhanh chóng tổ chức lại quân đội và tái chiến.

vi-tuong-nga-khong-thua-mot-tran-nao-2.jpg
Trận nào có Tướng Alexander chỉ huy, trận đó Nga đại thắng. Ảnh: Thecollector.com

Chỉ huy toàn thắng

Năm 1762, Alexander được thăng hàm đại tá. Cũng trong năm này, Nữ hoàng Elizabeth (1709 - 1762) băng hà và Sa hoàng Peter III (1728 - 1762) lên ngôi. Peter III rất ngưỡng mộ Frederick Đại đế nên rút quân đội Nga khỏi liên minh Nga – Áo chống Phổ.

Mới tại vị được 6 tháng, Peter III đã bị vợ là Catherine (1729 - 1796) lật đổ và cướp ngôi. Tuy không cùng lý tưởng với chồng nhưng Catherine Đại đế vẫn giữ quan hệ hòa hảo với Phổ.

Năm 1764, bà còn cùng Phổ ký hiệp ước để cho tình cũ của bà là Stanislaw Poniatowski (1732 - 1798) lên ngôi Hoàng đế Ba Lan. Điều này khiến giới quý tộc Ba Lan nổi giận, thành lập Liên đoàn Phản đối chống Sa quốc. Năm 1768, Liên đoàn này tuyên chiến với Nga.

Thời điểm này, Alexander, sau nhiều chiến công đã được thăng chức là thiếu tướng. Ông chỉ huy đội quân của mình đánh tan lực lượng Ba Lan do Tướng Casimir Pulaski (1745 - 1779) lãnh đạo rồi lại thắng trận giòn giã trước Tướng Charles-François Dumouriez (1739 - 1823) của Pháp.

Tháng 4/1772, Nga chiến thắng Liên đoàn Phản đối, dẫn đến cuộc phân chia Ba Lan lần thứ nhất giữa Nga và Áo, Phổ. Alexander được thăng hàm trung tướng, nổi tiếng khắp nơi là chiến thuật gia nổi loạn, dám chống đối lệnh cấp trên mà trận nào cũng thắng.

Năm 1768, Nga chiếm Pháo đài Bar, đuổi một nhóm quân của Liên đoàn Phản đối vào Đế chế Ottoman (Thổ Nhĩ Kỳ). Một số lính Nga, vì quá khích, đã vượt qua biên giới để đuổi cùng giết tận kẻ thù và đụng độ với quân của Ottoman. Chiến tranh Nga - Thổ Nhĩ Kỳ bùng nổ.

Alexander xin được đi đánh Ottoman ngay nhưng bị từ chối, phải đến năm 1773, khi cuộc chiến với Ba Lan kết thúc mới được điều tới đây.

Ngày 20/6/1774, Alexander lập chiến công lớn. Ông chỉ dùng 8.000 quân mà đánh thắng đại quân Ottoman 40.000 người. Ottoman hốt hoảng xin ký hiệp ước hòa bình, chấp nhận nhiều bất lợi và Alexander lập tức được thăng hàm thượng tướng.

Catherine Đại đế đánh giá cao tài năng quân sự của Alexander, phái ông đi đàn áp cuộc nổi loạn của người Cossack do Emelyan Pugachev (1742 - 1775), kẻ giả danh chồng quá cố của bà, Peter III đang náo loạn Tsaritsyn. Không cần phải mất nhiều công sức, ông đã dẹp loạn xong xuôi, bắt sống Pugachev giao nộp cho Moscow hành quyết.

Từ năm 1777 - 1783, Alexander phục vụ ở Crimea và Kuban. Sau Chiến tranh Nga - Thổ Nhĩ Kỳ, Crimea trở thành chư hầu của Sa quốc. Mặc dù Hãn vương Şahin Giray (1745 - 1787) của Crimea quy thuận Nga nhưng người Tatar trong hãn quốc này lại chống đối. Năm 1784, Catherine Đại đế lệnh cho Alexander chiếm Crimea và Kuban, sáp nhập cả 2 vào Đế quốc Nga. Alexander tuân theo và thành công, được phong làm đại tướng bộ binh.

Nhìn chung, con đường thăng tiến của Alexander tuy thẳng nhưng chậm. Nguyên nhân chính có lẽ là do tính cách lập dị của ông cùng với thói tự đại, khiến quần thần Nga không ưa và triều đình ngại trao vị trí cao.

Trước khi bị sáp nhập vào Nga, Crimea thuộc Thổ Nhĩ Kỳ. Một lần nữa, Chiến tranh Nga - Ottoman lại nổ ra. Alexander được phân vào quân đội của Tướng Grigory Potemkin (1739 - 1791), tham chiến Trận Kinburn. Tháng 8/1789, ông thắng Trận Focşani ở Moldavia và tháng 9 thì lập nên công lớn với 25.000 quân đánh bại 100.000 quân Ottoman. Catherine Đại đế phong cho ông danh hiệu Bá tước Rymnik.

Năm 1790, Alexander kết thúc Chiến tranh Nga - Thổ Nhĩ Kỳ bằng cuộc tấn công vào pháo đài bất khả xâm phạm Izmail. Tuy tổn thất khá nặng, ông thắng trận, buộc Ottoman lần nữa ngồi vào bàn đàm phán và phải chịu đựng các điều kiện bất lợi để đổi lấy hòa bình.

Năm 1795, Alexander trở về nhà. Năm 1795, Catherine Đại đế băng hà và con trai bà là Paul I (1754 - 1801) lên ngôi. Sa hoàng Paul I ngưỡng mộ lực lượng quân sự Phổ nên đòi huấn luyện quân đội Nga theo tác phong Phổ. Alexander kịch liệt phản đối và bị đuổi khỏi quân ngũ nhưng năm 1798, khi Nga tham gia Chiến tranh Liên minh lần thứ hai (1798 – 1802) chống lại Pháp, ông lại được triệu hồi.

Vừa trở về quân ngũ, Alexander đã hợp lực với Đô đốc Hải quân Fyodor Ushakov (1745 - 1817) cướp lại Đảo Corfu (Hy Lạp) khỏi tay Pháp. Ông lên thuyền đến Ý, nắm quyền chỉ huy quân đội Nga - Áo, liên tiếp đánh bật quân Pháp tại Adda, San Giuliano, Trebbia và Novi, được phong danh hiệu Hoàng tử Ý.

Sau khi chinh phục toàn cõi Ý, Alexander muốn tiến chiếm Paris nhưng lại bị điều tới Thụy Sĩ. Chỉ với 25.000 quân, ông vượt qua các tuyến phòng thủ của Pháp ở dãy Alps nhưng chưa tới Thụy Sĩ thì đã được tin Tướng Rimsky-Korsakov (1753 - 1840) đang chỉ huy quân đội Nga ở đây bại trận. Sa hoàng Paul I gọi ông trở về và phong chức tổng tư lệnh, tức Đại nguyên soái toàn quân Nga.

Năm 1800, Alexander về đến St. Petersburg. Ngày 18/5 cùng năm, ông lâm bệnh nặng và qua đời, thọ 70 tuổi. Kể từ chiến tranh với Ba Lan đến lúc gần đất xa trời, ông chỉ huy hơn 70 trận và thắng toàn bộ.

Theo thecollector.com

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ