Tướng Nguyễn Huy Hiệu: Truyền lửa sống của mình qua nhà báo

GD&TĐ - Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, là một vị tướng đặc biệt, nhất là trong vấn đề quan hệ với nhà báo, cách dùng báo chí để truyền đạt tư tưởng sống, tư tưởng trong khoa học quân sự, trong xử lý môi trường. Chính ông cũng viết báo và viết sách không ngừng nghỉ.

Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu (bên trái) tại Văn Miếu
Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu (bên trái) tại Văn Miếu

Xung quanh vị tướng này luôn có các nhà báo, nhà văn đi kèm trong các sự kiện ông tham gia. Không như đa số các nhân vật có quyền, hoặc danh tiếng thường bí mật thông tin, thậm chí che dấu thông tin, tướng Hiệu luôn công khai thông tin và điều hành thông tin.

Ông thể hiện tính cách tướng của mình trong việc quản lý thông tin, để thông tin được sáng rõ và phục vụ lợi ích của cộng đồng. Mỗi khi ông có hoạt động mới, ông luôn ngỏ lời mời báo chí tham gia, những nhà báo từng biết, từng viết nhiều về ông luôn được ưu tiên trong danh sách khách mời.

Những kiến thức, và tư tưởng sống, làm việc, chiến đấu, nghiên cứu khoa học, phương pháp thay đổi để tiến bộ, nâng cao chất lượng sống cho con người, xã hội Việt được lan tỏa rộng rãi qua những bài báo. Nhiều nhà văn, nhà báo không chỉ viết các bài báo về ông, họ thậm chí còn viết những cuốn sách về ông và được phát hành rộng rãi.

Cũng rất biết cách tri ân báo chí, nhân ngày báo chí Việt Nam, tướng Hiệu luôn trân trọng mời một số nhà văn, nhà báo thân tín đến trò chuyện và dự bữa cơm thân mật với ông. Những cuộc gặp này khiến họ được kết nối, được trao đổi những vấn đề nổi cộm của cuộc sống, và bản thân tướng Hiệu cũng gợi ý cho nhà văn, nhà báo những đề tài mới mẻ mà ông phát hiện ra, nhưng đó không là chủ đề của ông để ông cầm bút viết, ông tặng luôn đề tài cho những người bạn báo chí, văn chương để họ viết.

Dù đã nghỉ hưu nhưng tướng Hiệu vẫn khỏe và năng động, trí óc hoạt động tốt cho nghiên cứu khoa học, nên ông vẫn hoạt động hiệu quả gấp nhiều lần người khác. Ông tâm niệm, sống là cống hiến cho đời những trí tuệ của mình. Còn trí tuệ và sức khỏe thì còn cống hiến, ông truyền lửa sống của mình qua nhà báo, và ngọn lửa ấy cũng sưởi ấm những trang viết của họ, một tinh thần sống năng động, trẻ trung, không bao giờ đầu hàng trước khó khăn, thử thách. Được gần gũi một con người như thế, ta sẽ không bao giờ để thời gian chết, để nỗi chán chường và thiếu sức sống xâm chiếm mình.

Trên cương vị là Viện sỹ Viện Hàn lâm khoa học quân sự Nga, tướng Hiệu rất biết ơn nước Nga đã đào tạo nhiều nhân sự cho quân đội nhân dân Việt Nam trên mọi lĩnh vực, trong đó có ông. Với đặc điểm thông minh và năng động, ông nhanh chóng hấp thụ được tinh hoa văn hóa, trí tuệ Nga, trở về giúp ích nhiều cho đất nước Việt Nam.

Ông đã dày công nghiên cứu để viết nhiều cuốn sách giá trị, mà tiêu biểu là cuốn “Một số vấn đề nghệ thuật quân sự Việt Nam trong chiến tranh bảo vệ tổ quốc”, được coi là cuốn cẩm nang quý báu dùng để vận dụng chống giặc ngoại xâm; và cuốn “Vận dụng phương châm 4 tại chỗ trong phòng chống thiên tai” của ông không chỉ vô cùng hữu ích trong vấn đề chống giặc thiên tai, mà còn được áp dụng trong nhiều lĩnh vực khác.

Tướng Hiệu luôn tâm niệm: “Học được kiến thức là phải sử dụng ngay”. Cho nên thời trẻ trai, khi phải bỏ dở chương trình học phổ thông để đi lính, anh lính trẻ Nguyễn Huy hiệu cho sách vở vào ba lô lên đường. Những sách toán, lý khi đó rất hữu hiệu ở chiến trường, trong chiến đấu cần dùng đến pháo B40, súng DKZ, cần thông tin điện đàm… anh vẫn mở sách toán, lý ra học tiếp, kiến thức nào thiết thực, phục vụ chiến đấu là chộp luôn để áp dụng, làm chủ vũ khí, đạn dược.

Toán học cũng rất cần thiết để tính toán tọa độ chính xác mà chiến đấu. Anh nhớ, ngay trước trận đánh, tấm bảng đen, hay nòng pháo đều chi chít những phép tính anh làm để tính toán tọa độ. Như vậy, kiến thức trong sách đã ngay lập tức hữu dụng trong chiến đấu. Nghĩ về sự học của mình, tướng Hiệu vẫn chỉ tâm đắc, rằng qua bất cứ trường lớp, hay thực tiễn việc làm, và từ bất cứ người thầy, người bạn nào, dù giỏi, uyên bác hay có những kinh nghiệm quý, thì tự mình vẫn phải rút ra được điều gì áp dụng cho chính mình, thực hành vào chính công việc của mình được ngay, thì mới thành công.

Nay với việc quan hệ với báo chí và cách truyền thông, tướng Hiệu đang thực hiện việc học và truyền kiến thức qua báo chí, qua sách văn học – lịch sử. Những cuộc mạn đàm với giới văn báo của tướng Hiệu thực sự thành một cuộc hội thảo hấp dẫn, và kiến thức cũng như lửa sống, tư tưởng của ông được hòa trộn với mọi người, được truyền đi và tiếp tục làm cuộc sống phát triển lên.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ