Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu: Nếu không đánh giặc sẽ trở thành nhà giáo

GD&TĐ - Thượng tướng – Viện sĩ, Tiến sĩ khoa học quân sự Nguyễn Huy Hiệu, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, trong một cuộc trò chuyện gần đây về kinh nghiệm chiến tranh và thách thức của Việt Nam trước xu hướng vũ bão của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đã cho rằng, bí quyết vẫn là làm chủ công nghệ.

Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu và nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình
Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu và nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình

Tướng Hiệu cho rằng, khởi nghiệp bây giờ đang được dư luận quan tâm và giới trẻ nước ta tập trung thực hiện, khí thế lớn như vào một cuộc chiến. Khí thế này khiến Tướng Hiệu hồi tưởng những năm 1960-1965, thời các ông đang đi học phổ thông, lứa tuổi 15-16, khi cuộc chiến tranh giải phóng đất nước đang ở cao trào, mọi thanh niên đều gác bút nghiên, xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước.

Có thể coi đó là sự khởi nghiệp của thanh niên thời ông đã sống. Ông cùng bạn bè cùng trang lứa đã lên đường nhập ngũ, tham gia cuộc kháng chiến tranh thần thánh của dân tộc - giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Đó là nguyện vọng tha thiết nhất của dân tộc mà thanh niên thời của ông đã đồng nhất được với mơ ước khởi nghiệp, nguyện vọng tha thiết của riêng mình, tạo nên sức mạnh chiến thắng.

Thanh niên ngày nay khởi nghiệp, cũng gặp muôn vàn khó khăn, thách thức, cần phải xác định rõ sở trường, rồi sẽ định hướng khởi nghiệp từ sở trường, và phải trang bị những kỹ năng cần thiết, ý chí, nghị lực, và học tập không ngừng từ sách vở, từ những người tài, những người thầy xung quanh mình.

Khi khởi nghiệp, kinh nghiệm chung là phải dựa trên sở trường, khai thác thế mạnh nhất của mình, và luôn tạo động lực để vượt qua mọi khó khăn, vươn tới mục tiêu. Sở trường của tướng Hiệu là chỉ huy. Do bối cảnh lịch sử, tạo nên môi trường phù hợp để ông phát huy hết sở trường ấy. Nên sau này, với bản thành tích chiến công dày dặn của mình, tướng Hiệu đã là một trong những người được phong cấp tướng trẻ nhất của Quân đội NDVN.

Nếu không đánh giặc, tướng Hiệu sẽ trở thành nhà giáo. Nhưng khi đeo ba lô lên đường đi đánh giặc, người chiến sĩ trẻ Nguyễn Huy Hiệu vẫn mang sách đi học, nuôi ước mơ sau này hết chiến tranh sẽ trở thành nhà giáo. Sách ông thích đọc nhất là cuốn “Thép đã tôi thế đấy”, để tự tôi rèn ý chí chiến đấu, học tập cho mình.

Sau này, khi theo đuổi binh nghiệp, tướng Hiệu lại tập trung đọc sách, nghiên cứu tài liệu lịch sử ông cha ta đánh giặc. Điều đó rất hữu ích cho tư duy quân sự của ông. Do định hướng phấn đấu vị trí chỉ huy trong quân đội từ cấp thấp đến cấp cao, nên ông còn nghiên cứu lịch sử chiến tranh thế giới, và tướng Hiệu đã tiếp cận được cuốn sách quý “Suy nghĩ và nhớ lại” của G.K Giu-cốp (một vị tướng tài của nước Nga).

Bên cạnh đó, ông cũng được tiếp xúc và chiến đấu bên những người tài giỏi, uyên bác, có kiến thức cao về quân sự, kinh nghiệm quý từ nhiều vị trí từ thấp tới cao trong môi trường quân đội, và tích cực học tập từ họ. Những kiến thức này được ông cần mẫn tích lũy, suy tư thêm để sau này viết thành những cuốn sách khoa học quân sự. Trong những người thầy tốt nhất của tướng Hiệu, có Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tướng Lê Trọng Tấn, Hoàng Minh Thảo, Lê Quang Đạo, Nguyễn Hữu An, Lê Nam Phong,…

Chính môi trường trong chiến tranh rèn luyện cho tướng Hiệu trưởng thành. Trong môi trường đó, ông đã lựa chọn đam mê cho mình. Ông đam mê khoa học quân sự nên không ngừng tìm đọc, nghiên cứu. Học ở sách, ở lớp huấn luyện, ở trường đời,… Như sinh ra để nghiên cứu khoa học quân sự, ông luôn luôn phát hiện và tìm tòi cái mới, kế thừa và phát huy kiến thức bằng trí tuệ, sáng tạo, đổi mới của mình phù hợp với từng giai đoạn lịch sử. Linh hoạt - chủ động - sáng tạo là chủ trương của ông trong nghiên cứu khoa học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ