“Vì trẻ em vùng cao” và câu chuyện về cô giáo Mận

Hàng tuần, đang có những bước chân của nhóm bạn trẻ trong câu lạc bộ “Vì trẻ em vùng cao” đi khắp những miền xa dưới sự dẫn dắt của tấm lòng trẻ, một bạn trẻ tràn đầy nhiệt huyết, với cái tên hay được học trò nghèo gọi giản dị là “cô giáo Mận”.

Cô giáo Ma Thị Mận, người đem yêu thương đến cho trẻ em vùng cao!
Cô giáo Ma Thị Mận, người đem yêu thương đến cho trẻ em vùng cao!

Lập câu lạc bộ "Vì trẻ em nghèo vùng cao"

Cô giáo Ma Thị Mận – vị thủ lĩnh đáng yêu của câu lạc bộ (CLB) “Vì trẻ em vùng cao” đã trả lời khi được hỏi về khởi nguồn hình thành nên câu lạc bộ, bởi một lí do thật đơn giản: “Tôi được sinh ra trong môi trường nhà giáo, được tiếp xúc từ sớm với những học trò của bố mẹ, đến khi trưởng thành và chọn nghề giáo, tôi càng được đi những miền sâu, miền xa, đến những nơi trẻ ăn còn không đủ, thì nói gì đến việc có đủ dụng cụ học tập để phục vụ cho việc học hành. Các bé không bỏ một buổi học nào, dù nắng, dù gió, dù rét, dù chân đất, dù đầu trần, các bé vẫn đến lớp. Tôi cảm thấy trẻ em ở quê mình còn nghèo lắm, còn khó khăn lắm, nên tôi muốn làm gì đó cho quê hương, cho vùng đất này và nhất là cho những em nhỏ vô tư, trong sáng lúc nào cũng ánh lên niềm tin vào một tương lai tươi đẹp”.

Dẫu cuộc sống còn nhiều cơ cực, nhọc nhằn nhưng lúc nào trong ánh mắt thơ ngây của trẻ em vùng cao huyện Ba Bể - tỉnh Bắc Cạn cũng trong veo. Vào mùa đông, khi nhiệt độ xuống thấp, các cô cậu học trò nơi đây vẫn chỉ khoác lên mình những bộ quần áo mỏng manh cùng đôi dép tổ ong cũ kỹ không đủ che đi đôi chân trần lấm đầy bùn đất, nhăn nheo, ướt nhẹp vì cái lạnh buốt của vùng núi cao nghèo nàn này. 

Hình ảnh những đứa trẻ vùng cao chân đất, đầu trần, áo quần lem luốc hiện ra quá đỗi quen thuộc nhưng cũng thật xót xa. Bọn trẻ đến trường đa phần chỉ "tay không, chân đất", không cặp sách, không vở viết, nhưng đứa nào cũng có nụ cười long lanh... Học sinh nơi đây đến trường với những bộ áo quần sờn nát, nhiều em còn không có dép để đi học nên sách mới, vở mới là cả một ước mơ. Vậy nhưng các em đều chăm ngoan, học giỏi và biết vượt qua hoàn cảnh của mình.

Công tác ở Phòng GD & ĐT huyện Ba Bể (Bắc Cạn), thường xuyên đi đến các điểm trường vùng cao, xa xôi hẻo lánh, cô giáo Ma Thị Mận rất thấu hiểu nhọc nhằn, thiếu thốn của học sinh. Vì thế, cô đã có nhiều việc làm thiết thực để động viên, giúp đỡ, giảm bớt khó khăn trên hành trình học "cái chữ" của học sinh con em đồng bào dân tộc thiểu số.

Lan tỏa hành trình thiện nguyện

Tháng 3- tháng của những tấm lòng thanh niên thiện nguyện, những màu áo xanh trong hoạt động đoàn, họ tìm đến nhau để sẻ chia, để san sẻ sự nhọc nhằn và để biết rằng cuộc sống càng đi càng cảm nhận được nhiều niềm vui.

Mỗi người mỗi công việc khác nhau, mỗi người hoạt động trong một lĩnh vực, nhưng ở họ chung một tấm lòng vì trẻ em vùng cao, ở đâu đó họ vẫn nhớ những ánh mắt, những nụ cười ngây thơ của trẻ nhỏ, bởi những đứa trẻ này còn thiếu quá nhiều điều cho một cuộc sống giản đơn.

Nhóm bạn trẻ trong CLB “Vì trẻ em vùng cao” đã từng ngày từng ngày hoạt động cần mẫn, họ đi những cung đường gồ ghề. Họ tìm đến những điểm trường xa xôi để mang đến tủ sách nhỏ, để xây những bể nước mới, để mang những đôi dép mới thay cho những đôi dép đã và đang không còn chỗ cho những mối nối. Sau công việc của những ngày thường, họ quay lại với bước chân thiện nguyện, với lịch hẹn cho ngày thứ 7 hàng tuần. Mỗi tuần dành thời gian làm việc tốt, mỗi tuần dành thời gian để chia sẻ cùng nhau và để mang đến cho các em nhỏ những vùng đất khó khăn này các trò chơi hấp dẫn, những món quà gửi gắm cả ước mơ.

Biết bao chặng đường nhóm đã đi qua, biết bao cung đường đèo dốc đã được chinh phục. Cũng nhiều chị em, cũng những ông bố, bà mẹ trẻ, nhưng họ đang dùng sức trẻ, tấm lòng để sẻ chia cho những đứa trẻ ngây thơ khác. Bớt một tấm áo có thể con mình không lạnh, nhưng mang một tấm áo cũ đến cho các em nhỏ nơi đây, dường như rất nhiều trái tim đang được sưởi ấm. Cuộc sống là vậy, càng đi càng nhận lại được nhiều niềm vui, để sau mỗi chuyến đi, họ ngồi lại cùng bàn bạc cho những cung đường tiếp theo bởi chặng đường tình nguyện chưa bao giờ bằng phẳng và cần những trái tim thiện nguyện có thể chống chọi được với mọi gian nan.

Có không ít những nhóm thanh niên tình nguyện miệt mài như thế ở mọi nơi trên mọi miền Tổ quốc để thắp lên ánh sáng niềm tin cho những em nhỏ thiệt thòi. Tháng thanh niên, tháng của những bước chân thiện nguyện, sẽ nối dài nối dài mãi các con đường để mang tấm áo, manh quần, để mang tri thức, sách báo đến cho những trẻ em nghèo. Càng đi sẽ càng thấy mỗi khi trao đi một hi vọng, điều mình nhận lại là cả một bầu trời niềm tin, nụ cười và hạnh phúc. Đó chính là điều những nhóm thanh niên tình nguyện như CLB "Vì trẻ em vùng cao" đang và sẽ tiếp tục hành trình không chỉ trong tháng 3- tháng thanh niên tình nguyện mà còn trong cả năm trong suốt cuộc đời của những con người với trái tim trẻ luôn hướng tới trẻ em nghèo.

Bạn Huyền Thương trong câu lạc bộ đã cho biết: “Tôi cũng là một giáo viên nên hiểu được sự khó khăn của những em nhỏ ở những điểm trường xa xôi. Mỗi lần tham gia vào chặng đường tình nguyện, chúng tôi đi hàng trăm cây số, dù đi từ sáng đến tối khuya mới về nhưng làm được một việc tốt, làm được những điều ý nghĩa, tôi cảm thấy không còn chút mệt mỏi nào, chỉ ước ngày nào cũng là thứ 7 cuối tháng để đi tình nguyện”.

Những chuyến trèo đèo, lội suối tình nguyện của các thành viên CLB do cô Mận chủ trì thật sự đem lại niềm vui, sự động viên khích lệ tinh thần, chia sẻ khó khăn đối với học sinh, các bậc phụ huynh và cả các thầy cô giáo ở các điểm trường xa xôi trên địa bàn huyện Ba Bể. Dù sinh năm 1987, nhưng cô Mận đã có gần 10 năm gắn bó với những chặng đường thiện nguyện.

Tháng 11-2012, cô Mận đã tập hợp được một số bạn ủng hộ ý tưởng của mình tham gia nhóm tình nguyện “Vì trẻ em vùng cao” và đến tháng 10-2013 đổi tên thành CLB tình nguyện “Vì trẻ em vùng cao” do chính Mận làm chủ nhiệm. Tôn chỉ hoạt động của CLB là tập hợp đoàn viên, thanh niên và các nhà hảo tâm tham gia ủng hộ, tuyên truyền vận động hỗ trợ trẻ em các thôn, bản vùng khó khăn, trẻ em mắc căn bệnh hiểm nghèo.

Những ngày đầu thành lập, CLB chỉ có 15 thành viên, hoạt động gặp nhiều khó khăn do lực lượng mỏng, chưa có điều kiện để tổ chức nhiều hoạt động hướng đến trẻ em. Tuy vậy, với sự kiên trì, quyết tâm mang nụ cười cho thiếu nhi vùng cao, hoạt động của CLB đã dần thu hút được sự quan tâm của đông đảo cán bộ, đoàn viên, thanh niên. Đến nay, CLB tình nguyện “Vì trẻ em vùng cao” - thành viên tập thể của Hội LHTN Việt Nam huyện Ba Bể đã có 385 thành viên, trong đó có 65 thành viên thường trực, 1 chủ nhiệm và 4 phó chủ nhiệm.

“Tôi chỉ mong rằng một ngày nào đó con tôi lớn lên sẽ hiểu được những việc tôi đang làm, và sẽ tiếp tục chặng đường tình nguyện của tôi để giúp thật nhiều cho các em nhỏ vùng cao để các em bớt cực, để các em có cuộc sống tốt hơn và sẽ có tương lai tươi sáng hơn” – cô giáo Ma Thị Mận tâm sự.

Theo PLXH

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thường xuyên chấm bài và soạn giáo án điện tử, mắt của cô Nguyễn Thị Mai Hương mờ, yếu và tăng độ.

Cách bảo vệ mắt hiệu quả

GD&TĐ - Khi nhắc đến bệnh nghề nghiệp của giáo viên, nhiều người thường nghĩ đến: Khàn giọng, mất tiếng, viêm thanh quản, giãn tĩnh mạch chân do đứng nhiều.