Là quan Tổng trấn có nhiều quyết sách đối với sự phát triển của Bắc Hà, Nguyễn Văn Thành không chỉ chấn hưng giáo dục, chiêu dụ nho sĩ mà còn xây dựng và tu sửa thành Thăng Long, trùng tu Văn Miếu, xây thêm Khuê Văn Các.
Hướng tới kỷ niệm 220 năm xây dựng công trình Khuê Văn Các - biểu tượng của Thủ đô Hà Nội (1805 - 2025), ngày 19/12 vừa qua, Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã tổ chức Hội thảo khoa học “Tổng trấn Nguyễn Văn Thành với Thăng Long - Hà Nội”, để tìm hiểu, đánh giá và nhìn nhận những công lao của Tổng trấn Nguyễn Văn Thành đối với Văn Miếu Quốc Tử Giám nói riêng, với Thăng Long - Hà Nội nói chung.
Công thần triều Nguyễn
Theo các tư liệu lịch sử, Nguyễn Văn Thành (1758 - 1817) nguyên quán ở làng Bác Vọng Tây, tổng Phú Ốc, huyện Quảng Điền, phủ Triệu Phong (nay thuộc xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền, Thừa Thiên Huế), đến đời cụ thân sinh ông thì vào Gia Định.
Theo gia phả dòng họ, từ nhỏ Nguyễn Văn Thành có vẻ ngoài đẹp đẽ, tính cách trầm ổn, thích đọc sách binh thư và có tài võ nghệ. Ngay từ sớm, ông đã theo giúp chúa Nguyễn, trở thành vị dũng tướng có nhiều công lao và được Nguyễn Ánh (sau này là vua Gia Long) hết sức tin tưởng.
Có thể nói, Nguyễn Văn Thành là một trong những vị khai quốc công thần triều Nguyễn, giúp chúa Nguyễn khôi phục quyền lực tại Nam Hà và hoàn thành công cuộc thống nhất giang sơn, lập ra vương triều Nguyễn vào năm 1802.
Ngay từ những ngày đầu thiết lập triều đại mới, vua Gia Long đã nhận định “thành Thăng Long lại là nơi quan trọng của Bắc Hà, cần có trọng thần để trấn giữ mới được”. Nhà vua đã quyết định trao nhiệm vụ hết sức khó khăn ấy cho người con văn võ toàn tài của xứ Huế khi “lấy Nguyễn Văn Thành làm Tổng trấn Bắc Thành, ban cho sắc ấn, 11 trấn nội ngoại đều lệ thuộc”.
Đặc biệt, vua Gia Long còn trao cho Nguyễn Văn Thành quyền “tiền trảm hậu tấu” trong việc bổ dụng và bãi chức quan lại, xử quyết kiện tụng.
Trên cương vị mới, Tổng trấn Nguyễn Văn Thành đã có nhiều quyết sách sáng suốt về chính trị, kinh tế và văn hóa, ảnh hưởng tích cực đến sự phát triển của Bắc Hà.
Ông đã chăm lo đời sống nhân dân, chiêu mộ dân lưu tán ở Bắc Thành về quê cũ làm ăn; cho đắp đê và trị thủy ở vùng Đồng bằng Bắc Bộ; ban hành nhiều chính sách chấn hưng giáo dục, chiêu dụ hào kiệt, văn sĩ Bắc Hà ra giúp sức xây dựng đất nước; xây dựng và tu sửa thành Thăng Long; trùng tu Văn Miếu, xây thêm Khuê Văn Các; xây dựng các công trình kiến trúc như Kỳ Đài, chợ Đồng Xuân…
Những quyết sách và việc làm của Tổng trấn Nguyễn Văn Thành đã tỏ ra có hiệu quả, giúp đời sống nhân dân dần được an ổn. Vì vậy, ông nhận được sự kính phục của giới văn nhân, sĩ phu, sự tin phục của nhân dân Bắc Hà trong hơn 8 năm giữ cương vị Tổng trấn Bắc Thành (1802 - 1810).
Chiêu dụ hiền tài, cổ súy việc học
Tại hội thảo, TS. Lê Xuân Kiêu - Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám khẳng định: Cuộc đời và sự nghiệp của Tổng trấn Nguyễn Văn Thành phần lớn gắn với hình ảnh của võ tướng rong ruổi trên lưng ngựa nhưng lại để lại dấu ấn đặc biệt đối với văn hóa, giáo dục của mảnh đất Thăng Long - Hà Nội.
Hội thảo đã nhận được 17 bài tham luận của các nhà khoa học, đại biểu đến từ nhiều trung tâm nghiên cứu như Viện Sử học, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế và Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám.
Các tham luận tập trung vào chủ đề: Con người, sự nghiệp của Tổng trấn Nguyễn Văn Thành và những đóng góp với Thăng Long - Hà Nội; Kế thừa và phát huy di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội mang dấu ấn của danh nhân Nguyễn Văn Thành trong giai đoạn hiện nay.
TS Trịnh Thị Hà - Viện Sử học đánh giá, Tổng trấn Nguyễn Văn Thành đã có nhiều chính sách chấn hưng nền giáo dục, khoa cử như kiến nghị chuẩn định học quy về chương trình giảng tập, nội dung giảng tập, nền nếp học tập theo một thể thức thống nhất để “cho người dạy lấy đó mà dạy học trò, và học trò lấy đó mà chuyên nghiệp, để cho giảng dạy khảo khóa lấy đó mà theo”.
Trước lời tâu của Nguyễn Văn Thành, vua Gia Long đã chuẩn y và yêu cầu các học quan trường Quốc học là Nguyễn Viết Ứng cùng Tham tri Hình bộ Nguyễn Thế Trực soạn định những bài mẫu mới về Kinh nghĩa và văn sách để ban bố thi hành. Như vậy, trong khi xây dựng nền giáo dục nho học thời kỳ đầu triều Nguyễn, Nguyễn Văn Thành đã có vai trò như một kiến trúc sư tài năng và tâm huyết.
Vì mới xây dựng chế độ học hành và thi cử, ngoài học quy, Nguyễn Văn Thành còn chú trọng tăng cường người quản lý lãnh đạo của giáo dục khoa cử ở các dinh, trấn. Để hỗ trợ cho việc học tại các dinh, trấn ngoài chức Đốc học quản lý chung việc học, năm 1804, Nguyễn Văn Thành đã tâu trình lên triều đình đặt thêm chức Trợ giáo và thu nạp các người đỗ Hương cống triều Lê sung vào chức vụ đó. Tiếp đó ông đã đề xuất cho lập Kinh diên để nâng cao kiến thức cho đội ngũ quan lại, cổ súy việc học…
Với chính sách trọng người hiền tài, chiêu dụ hào kiệt, đãi hậu lễ đối với sĩ phu Bắc Hà, ông đã có công thu hút được nhiều nhân sĩ xứ Bắc Hà có tài năng ra giúp sức xây dựng đất nước. Những nhân sĩ đó không phân biệt học vị Hương cống, Sinh đồ hay gia cảnh tư hàn đều được ông chiêu dụ, được đảm đương chức vụ ở nhiều lĩnh vực khác nhau.
Tiêu biểu như Nguyễn Huy Lượng tuy chỉ đỗ Hương cống, lại từng theo Tây Sơn, nhưng khi nhà Nguyễn được thiết lập, ông được Tổng trấn Nguyễn Văn Thành bổ làm Tri phủ Xuân Trường (Nam Định) năm 1802. Vũ Trinh chỉ đỗ Hương tiến, được mời ra nhận chức Thị trung học sĩ.
Bên cạnh đó là Phạm Quý Thích đỗ Tiến sĩ năm Cảnh Hưng thứ 40 (1779). Khi Tây Sơn ra Bắc, ông sống ẩn dật. Tuy đỗ đạt sớm và được giao nhiều chức vụ cao dưới thời Lê - Trịnh, nhưng ông chỉ thiết tha với việc dạy học và trước tác nên Tổng trấn Nguyễn Văn Thành đã đề xuất cho ông giữ chức Đốc học Bắc Thành.
Cao Huy Diệu ngay sau khi đỗ Cử nhân, đã được cử là Tư nghiệp Quốc Tử giám và dưới thời Tổng trấn Nguyễn Văn Thành, đã bổ ông làm Đốc học Bắc Thành. Ngô Thì Vị - con của Ngô Thì Sĩ, em Ngô Thì Nhậm, dù là kẻ thù nhà Nguyễn nhưng vẫn được thu nhận, cử làm Thiêm sự bộ Lại, rồi Hữu tham tri bộ Lại, tước Lễ Khê hầu, sau làm Hiệp trấn Lạng Sơn, Đề điệu trường thi Gia Định, 2 lần đi sứ nhà Thanh.
Giới nghiên cứu đánh giá, trên cương vị quan Tổng trấn ở một địa bàn phức tạp, nhiều người còn nhớ tới nhà Lê, lưu luyến nhà Tây Sơn và cũng không ít người mang mối thù hằn với nhà Nguyễn, thì Nguyễn Văn Thành đã hành xử và thực thi rất tốt vai trò của một nhà chính trị, một nhà quân sự, ngoại giao, văn hóa, giáo dục nhằm mong muốn ổn định mọi mặt của xứ Bắc Hà.
Chấn hưng giáo dục, dựng Khuê Văn Các
Để khôi phục, chấn hưng nền giáo dục và khoa cử, ngoài việc chấn chỉnh học quy, xếp đặt chức học quan, xây dựng quy thức giảng dạy chung, in ấn ban cấp sách học cho trường học, Tổng trấn Nguyễn Văn Thành còn linh hoạt vận dụng thể thức thi cử phù hợp từng địa phương.
Năm 1804, ông đề xuất lên triều đình: “Hiện nay thánh thượng lưu ý đào tạo nhân tài, chia đặt đốc học, rèn đúc học trò, để cống hiến cho đất nước. Đó thực là cơ hội lớn để sửa đổi phong tục tác thành nhân tài. Nhưng sự dạy dỗ mới bắt đầu thì văn khoa cử nên có kiểu mẫu để làm khuôn phép cho học trò. Vậy xin chuẩn định học quy, khiến cho người dạy lấy đó mà dạy học trò và học trò lấy đó làm chuyên nghiệp để cho giảng dạy khảo khóa lấy đó mà theo”.
Vua Gia Long thấy đề xuất đó rất hữu ích liền chấp thuận cho thực hiện. Và sau đó, năm 1807, cho mở khoa thi Hương đầu tiên, phép thi phỏng theo phép thi cử đời Lê. Chỉ tính riêng các kỳ thi Hương đời vua Gia Long từ 1807 đến 1819, riêng Thăng Long - Hà Nội, số người thi đỗ là 40 người trên tổng số 65 người của Bắc Thành và trên tổng số 255 người trong cả nước. Với tâm thế trọng hiền tài nên trong cách ứng xử đối với bộ phận sĩ phu Bắc Hà, Nguyễn Văn Thành luôn thể hiện ở vị quan Tổng trấn thái độ trân trọng, hậu đãi hiền sĩ.
Theo TS Nguyễn Hữu Tâm - Giảng viên khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Trung Quốc, Trường Đại học Đại Nam, Tổng trấn Nguyễn Văn Thành rất quan tâm đến việc nâng cao, phát huy giá trị di sản của Thăng Long. Bằng chứng là khi vừa nắm trọng chức tại Thăng Long, chỉ 1 năm sau ông đã cho thực hiện việc kiến thiết lại toàn thành Thăng Long theo lệnh của vua Gia Long.
Đến năm 1805, ông lại cho xây thêm các cửa thành bao gồm cửa Đông Nam, cửa Tây Nam, cửa Tây và cửa Bắc. Trong sách “Quốc sử di biên”, nhà khoa bảng Phan Thúc Trực đã chép tường tận về việc xây dựng lại và bổ sung thêm nhiều hạng mục công trình khác trong thành Thăng Long, nhất là xây mới Cột cờ (Kỳ đài), chợ lớn cửa chính đông (tức chợ Đồng Xuân ngày nay), chia đặt phố xá, đường trục thẳng lối, mở các cửa ô ra vào nội, ngoại thành, thiết lập Tràng Tiền…
Tác giả Phan Thúc Trực đánh giá quy mô được Tổng trấn Nguyễn Văn Thành cho thiết kế lại và xây dựng bổ sung cho thành Thăng Long đầu thế kỷ 19 vô cùng to lớn “từ Trần, Lê về trước, chưa bao giờ làm được như thế”.
Đặc biệt, Nguyễn Văn Thành chú trọng đến di sản văn hóa, giáo dục của Thăng Long bằng những việc làm rất cụ thể, như bổ sung, hoàn thiện quy chế, nhân sự trong Văn Miếu - Quốc Tử Giám; cho xây dựng Khuê Văn Các - đây là một kiến trúc có giá trị độc đáo về khía cạnh văn hóa và mỹ thuật. Công việc được hoàn thành vào mùa Thu năm 1805.
Kiến trúc được đặt ở cửa Nghi Môn và chính tại đây hằng năm vào mùa Xuân và mùa Thu, chọn hai ngày Đinh, lệnh cho quan đến tế, lại lấy bốn tháng giữa Xuân, Hạ, Thu, Đông tổ chức khảo thí học trò.
“Ông ban hành việc cấp lương tháng cho các quan dạy học ở Quốc Tử Giám, sau đó lại đề xuất và được triều đình cho phép cấp lương tháng cho Đốc học và Trợ giáo các trấn Bắc Thành. Mỗi khi nhắc đến Tổng trấn Nguyễn Văn Thành với Thăng Long - Hà Nội, thường mọi người đều luôn ca ngợi việc xây dựng Khuê Văn Các - hiện nay đã trở thành biểu tượng cao quý của Thủ đô Hà Nội”, TS Nguyễn Hữu Tâm nhận định.
Tại hội thảo, nhiều ý kiến của các nhà nghiên cứu, nhà khoa học cũng được diễn giải và thảo luận nhằm làm rõ con người, sự nghiệp cũng như những đóng góp của Tổng trấn Nguyễn Văn Thành trên mảnh đất kinh kỳ nghìn năm văn hiến. Đồng thời, làm rõ vai trò, vị trí và những đóng góp của ông đối với đất nước; đề xuất những quyết sách nhằm bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa mà Tổng trấn Nguyễn Văn Thành đã thực hiện trên mảnh đất Thăng Long - Hà Nội trong thời đại mới.
Tổng trấn Nguyễn Văn Thành được đánh giá là một người “hay chữ” nhất trong các tướng lĩnh của Gia Long. Ông là người “hiểu nghĩa sách, biết đại thể…”.
Vào tháng Chạp năm 1802, tại Huế ông đứng chủ tế ở lễ truy điệu các tướng sĩ bỏ mình trong cuộc chiến giữa Nguyễn Ánh với lực lượng Tây Sơn. Ông đã soạn bài “Văn tế tướng sĩ trận vong” - một áng văn chương nổi tiếng của văn học Việt Nam.
Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt từng nhận xét về bài văn như sau: “Sau hơn 200 năm chiến tranh triền miên, hòa bình lập lại, ông Nguyễn Văn Thành đã thay mặt triều đình viết “Văn tế tướng sĩ trận vong”, vừa để giải thoát những đau thương về tinh thần và tâm linh đè nặng tâm hồn dân tộc, vừa để hướng dẫn đời sống tâm hồn và đạo lý của những người đang sống”.