Nơi lưu giữ dấu tích 19 năm làm Tổng trấn của Lý Thường Kiệt

GD&TĐ - Trong 19 năm ở Thanh Hóa, cùng với việc mở mang, phát triển nông nghiệp, Tổng trấn Lý Thường Kiệt còn phát triển nghề thủ công.

Cổng đền Linh Xứng.
Cổng đền Linh Xứng.

Đền Linh Xứng (còn gọi là đền thờ Lý Thường Kiệt) bên đê Tả Lèn, xã Hà Ngọc (Hà Trung, Thanh Hóa) chính là nơi lưu giữ dấu ấn đậm nét nhất về danh tướng Lý Thường Kiệt trong suốt 19 năm trên cương vị Tổng trấn.

Từ chức Thái úy vào xứ Thanh trấn thủ

Không chỉ là một vị danh tướng nổi tiếng nhất trong sự nghiệp phá Tống - bình Chiêm, Lý Thường Kiệt còn góp phần to lớn trong việc giải quyết tranh chấp về ruộng đất, mở mang phát triển nghề đục đá, trùng tu cổ tự - trung hưng Phật giáo trong thời gian 19 năm làm Tổng trấn Thanh Hóa.

Sau gần nghìn năm lịch sử, những dấu tích về danh tướng Lý Thường Kiệt vẫn hiển hiện rõ nét ở mảnh đất Hà Ngọc ven dòng sông Lèn của xứ Thanh. Ngôi đền thiêng Linh Xứng vẫn đứng đó, từng là nơi “Thọ thân” của vị tướng lẫy lừng triều Lý trong suốt 19 năm canh coi vùng phên dậu đất nước.

Theo các tài liệu truyền lại, ban đầu đền Linh Xứng chỉ là một ngôi miếu nhỏ nằm bên chùa Linh Xứng để thờ Lý Đại Vương, về sau lại bị hư hại nên người dân trong vùng đã chung tay xây dựng thành ngôi đền bề thế.

Đây là một trong những ngôi đền cổ nhất xứ Thanh với tuổi đời gần 1.000 năm – gắn với tên tuổi của huyền thoại Lý Thường Kiệt, người đã có công lớn trong việc đánh đuổi quân xâm lược nhà Tống vào năm 1075 - 1077.

Lý Thường Kiệt được biết đến là một trong 14 vị tướng tài, anh hùng dân tộc tiêu biểu trong lịch sử Việt Nam. Năm 1082, sau bao chiến tích lẫy lừng, khi tuổi đã gần giữa lục tuần, ông rời chức vị tổng chỉ huy quân đội nhà Lý, từ chức Thái úy, hăng hái tự nguyện vào trấn thủ Thanh Hóa.

Vùng đất này được ông xây dựng thành một pháo đài bất khả xâm phạm ở phía Nam của Tổ quốc thời bấy giờ.

Vừa đặt chân vào xứ Thanh, Tổng trấn Lý Thường Kiệt đã chọn làng Ngọ Xá nay là xã Hà Ngọc, để xây dựng Lương Mục Đường làm nơi ở và làm việc. Theo tư liệu của Bảo tàng Lịch sử quốc gia, vùng châu thổ sông Mã thời kỳ Đại Việt là vựa lúa thứ hai, sau châu thổ sông Hồng.

Đồng bằng do phù sa sông Mã bồi đắp sớm được kiến tạo và khai phá. Ghi chép về Lý Thường Kiệt với nông nghiệp vùng đất Thanh Hóa khá tản mát, vụn vặt song có thể nhận thấy, dưới thời Tổng trấn Lý Thường Kiệt, nông nghiệp và các hoạt động liên quan đến nông nghiệp của người dân luôn nhận được sự quan tâm sát sao.

noi luu giu 19 nam lam tong tran cua ly thuong kiet (2).jpg
Tượng thờ quan Trấn thủ Lý Thường Kiệt.

“Thái úy biết dân lấy no ấm làm đầu, nước lấy nghề nông làm gốc cho nên không để lỡ thời vụ” (Văn bia chùa Linh Xứng). Lịch sử Việt Nam dường như mới chỉ đề cao hành động “cày tịch điền” của các hoàng đế (mang tính hình thức, động viên) chứ chưa có những nhìn nhận xứng đáng trong hành động quan tâm tới thời vụ của một vị Tổng trấn. Phải chăng, chính vì biết rõ “dân lấy no ấm làm đầu, nước lấy nghề nông làm gốc” nên dưới sự cai quản của Tổng trấn họ Lý, Thanh Hóa “không bị mất mùa lớn”.

Ngoài ra, việc ông thân chinh đến giáp Bối Lý xử lý vụ tranh chấp ruộng đất được ghi chép khá đầy đủ trên văn bia chùa Hương Nghiêm núi Càn Ni: “Năm Tân Mùi (1091), có hai chàng Phó kỳ lang họ Thiều và họ Tô tâu xin lại khoảnh ruộng của tổ tiên họ là quan Bộc xạ. Vua xét lời tâu bèn trả lại, cho thuộc về họ hàng Lê công.

Do đó, mùa Thu năm ấy, Thái úy Lý công đến tận nơi, cho chuộc ruộng đất, lập bia đá và chia ruộng cho hai giáp. Rồi ông lại tới đầm A Lôi chia một nửa đầm cho giáp Bối Lý, một nửa đầm cho giáp Viên Đàm.

Thái úy còn truyền bảo lần nữa cho hai giáp biết, không được lấy một lá lau, một ngọn cỏ ở hai bên bờ đầm. Ngay tại lúc đó lại giao về cho dòng dõi nhà Lê”.

Từ thông tin ở văn bia chùa Hương Nghiêm có thể thấy cách giải quyết tranh chấp của Lý Thường Kiệt rất minh bạch. Sự việc này được “Đại Việt sử ký toàn thư” ghi lại và gần như là sự kiện duy nhất được chính sử phản ánh về đóng góp của Lý Thường Kiệt trong 19 năm trấn trị ở Thanh Hóa.

Trung hưng Phật giáo, xây đền sửa chùa

Trong 19 năm ở Thanh Hóa, cùng với việc mở mang, phát triển nông nghiệp, Tổng trấn Lý Thường Kiệt còn phát triển nghề thủ công. Tuy không phải “ông tổ” của làng nghề, cũng không trực tiếp sản xuất ra sản phẩm, nhưng ông có vai trò rất lớn đối với quá trình phát triển nghề đục đá của vùng qua việc tìm ra nguồn nguyên liệu ở khu vực núi Nhồi.

Văn bia chùa Báo Ân, dưới chân núi Nhồi ghi rõ: “Ở phía Tây - Nam huyện (Đông Sơn), có một quả núi lớn và cao gọi là núi An Hoạch, sản xuất nhiều đá đẹp, đó là sản vật quý giá của mọi người. Sắc óng ánh như ngọc lam, chất biếc xanh như khói nhạt.

Sau này đục đá làm khí cụ, ví như đẽo thành khánh, đánh lên thì tiếng ngân muôn dặm; dùng làm bia, văn chương để lại thì còn mãi nghìn đời. Thế là Thái úy Lý công sai một Thị giả là Giáp thủ Vũ Thừa Thao suất lĩnh người hương Cửu - chân, dò núi tìm đá trong mười chín năm”.

noi luu giu 19 nam lam tong tran cua ly thuong kiet (3).jpg
Đền Linh Xứng được xây dựng ngay trên mảnh đất Lý Thường Kiệt 'Thọ thân'.

Nghề khai thác, chế tác đá làng Nhồi từ khi ra đời đã được duy trì và phát triển cho đến tận ngày nay. Sản phẩm của những nghệ nhân làng Nhồi đã góp phần tạo nên những di sản văn hóa có giá trị, đóng góp vào lịch sử mỹ thuật truyền thống Việt Nam.

Nhìn lại gần 1.000 năm phát triển nghề đá làng Nhồi mới thấy hết được đóng góp của Lý Thường Kiệt - vị Thái úy với 19 năm trấn trị ở Thanh Hóa chính là người có công mở làng nghề.

Tài liệu về Phật giáo ở Thanh Hóa cho biết, thế kỷ 10, trước thời điểm Lý Thường Kiệt vâng mệnh vua Lý vào trấn trị Thanh Hóa, vùng Ái châu đã có những vị tăng thống nổi tiếng, có những ngôi chùa lớn, đồng thời có người bỏ kinh phí xây dựng các ngôi đại tự.

Mặc dù không phải là bậc “khai giáo” ở vùng Ái châu, nhưng ông là người có công lớn trong việc sửa chữa, trùng tu và trực tiếp xây dựng một số ngôi chùa, tháp. Hương Nghiêm và Linh Xứng là hai ngôi chùa cổ đã lưu danh Lý Thường Kiệt trên văn bia

Chùa Hương Nghiêm được xây dựng từ thời nhà Đinh. Đến thời Tiền Lê, “vua Lê Đại Hành đi tuần du đến Giang Ngũ huyện, thấy chùa chiền đã đổ nát, liền cho xây đắp tu bổ lại.

Rồi tiếp đến vua Thái Tông nhà Lý đi tuần phương Nam, tới Ái châu, ghé thăm cảnh chùa, thấy cột kèo đã gãy hỏng, cũng bỏ sức trùng tu… Đến năm Đinh Mão (1087), chùa Hương Nghiêm lại bị hư hỏng, Lưu công trình đề xuất tu bổ chùa lên Thái úy Lý Thường Kiệt. Lý Thường Kiệt đã cho sắm sửa gỗ lạt, khởi công sửa chữa.

Chùa Hương Nghiêm đến nay chỉ còn lại dấu tích song tấm bia ghi lại các lần trùng tu, sửa chữa chùa đã được dịch và công bố trong nhiều công trình và có thể xem đấy là bằng chứng khẳng định công lao của Lý Thường Kiệt đối với Phật giáo vùng đất này.

Cùng với chùa cổ Hương Nghiêm, vai trò của Lý Thường Kiệt với Phật giáo còn được ghi nhận trong việc tìm kiếm địa điểm và tiến hành xây dựng chùa Linh Xứng trên Ngưỡng Sơn. Trên khối bia dựng trước chùa Linh Xứng có ghi: “Chùa Linh Xứng ở núi Ngưỡng Sơn tức là ngôi chùa do Thái úy (Lý Thường Kiệt) xây dựng”.

Theo nội dung Văn bia chùa Linh Xứng được đại sư Thích Pháp Bảo soạn năm 1126 trong Thơ văn Lý Trần, do GS Huệ Chi dịch, Thái úy Lý Thường Kiệt cho rằng: “Cái mà kẻ trí người nhân ưa thích là núi, là sông; cái mà thế đại lưu truyền là danh, là đạo. Nếu mở núi mà làm cho “đạo” và “danh” rạng rỡ thì không đáng quý hay sao?”.

Với những công đức lớn lao nên sau khi Lý Thường Kiệt qua đời, người dân đã xây dựng chùa Báo Ân để tưởng nhớ công ơn của ông. Đồng thời cũng bên bờ sông Lèn, ngay trên mảnh đất sinh thời ông chọn làm nơi “Thọ thân”, ngôi đền thờ ông cũng được dựng lên, nhìn ra sông Lèn.

Đền lấy núi Linh Xứng làm tên, hiện vẫn còn sắc phong của lịch đại đế vương, đồ thờ của các thời Lê - Nguyễn. Câu đầu lưu dấu tích dựng mới bái đường năm Gia Long thứ 13, bia đá chép khi trùng tu thời vua Tự Đức. Xa gần mến mộ công ơn, trên dưới thấm nhuần linh ứng, thật là nơi quốc đảo dân cầu, đền miếu nơi non thiêng thủy tú chốn tâm linh lưu dấu tích anh hùng.

Đền được xây dựng theo kiến trúc nhà 5 gian, 2 chái. Mái đền được lợp ngói âm dương, cột kèo và các vì trong đền được chạm khắc tinh xảo với các họa tiết hoa văn về các linh vật như: Long, Ly, Quy, Phụng. Nhờ có lời nguyền lâu đời truyền lại và những hiện tượng linh thiêng mà ngôi đền vẫn còn giữ được nét nguyên sơ, cổ vật nguyên vẹn.

noi luu giu 19 nam lam tong tran cua ly thuong kiet (4).jpg
Từng chi tiết phù điêu tại đền Linh Xứng được nghệ nhân xưa chế tác rất tỉ mỉ.
noi luu giu 19 nam lam tong tran cua ly thuong kiet (5).JPG
Người làng nghề khai thác, chế tác đá làng Nhồi (Thanh Hóa) luôn coi Lý Thường Kiệt như 'tổ nghề' vì có công phát triển nghề đá.

Bia công trạng lưu danh muôn thuở

Có lẽ cổ và quý nhất, cũng là chứng tích ghi lại dấu ấn đương thời của Lý Thường Kiệt chính là bia đá Linh Xứng, dựng năm 1126. Đây là tấm bia quý hiếm thời Lý còn lại nguyên vẹn đến ngày nay.

Bia cao 134cm, rộng 70cm. Trán bia khắc chữ Hán “Ngưỡng Sơn Linh Xứng tự bi ký”. Thân bia khắc chìm bài minh văn chữ Hán, nét chữ chân phương. Người viết văn bia là Thích Tháp Bảo, hiệu là Hải Chiếu đại sư, người viết (lên đá để khắc) là Hiệu thư lang Lý Doãn Từ, người khắc bia là Tăng Huệ thống Thường Trung.

noi luu giu 19 nam lam tong tran cua ly thuong kiet (1).png
Bia đá 'Ngưỡng Sơn Linh Xứng tự bi ký' ghi chép công lao Lý Thường Kiệt trong 19 năm trấn thủ Thanh Hóa.

Phần đầu nội dung nói về sự du nhập và phát triển của Phật giáo ở nước ta, phần tiếp theo nói về quá trình xây chùa Linh Xứng, sự góp công của các tín đồ và công lao của Lý Thường Kiệt trong việc tìm đất, công đức tiền của để xây dựng chùa Linh Xứng cũng như công lao của ông trong cuộc kháng chiến chống quân Chiêm Thành (Champa) năm 1069 và chống quân Tống năm 1075 - 1077.

Trong đó có đoạn: “Thái úy trong thì sáng suốt khoan hòa, ngoài thì nhân từ giản dị. Những việc đổi dời phong tục, nào có quản công. Làm việc thì siêng năng, sai bảo dân thì ôn hậu, cho nên dân được nhờ cậy.

Khoan hòa giúp đỡ quân chúng, nhân từ yêu mến mọi người, cho nên nhân dân kính trọng. Dùng oai vũ để trừ bọn gian ác, đem minh chính để giải quyết ngục tụng, cho nên hình ngục không quá lạm. Thái úy biết dân lấy ấm no làm đầu, nước lấy nghề nông làm gốc, cho nên không để lỡ thời vụ.

Tài giỏi mà không khoe khoang, nuôi dưỡng cả đến người già ở nơi thôn dã, cho nên người già nhờ đó mà được an thân. Phép tắc như vậy có thể gọi là cái gốc trị nước, cái thuật yên dân, sự đẹp tốt đều ở đây cả. Giúp chính sự cho ba triều, dẹp yên loạn biên tái, chỉ khoảng vài năm mà tám phương yên lặng, công thật to lớn”.

Theo Bảo tàng Lịch sử quốc gia, bia Linh Xứng không chỉ minh chứng cho sự phát triển hưng thịnh của Phật giáo dưới triều Lý, mà còn giúp người nay hiểu rõ hơn về danh tướng Lý Thường Kiệt trong lịch sử dân tộc Việt Nam, đặc biệt trong thời gian 19 năm làm Tổng trấn Thanh Hóa.

Bia chùa Linh Xứng soạn lúc Lý Thường Kiệt còn ở Thanh Hóa, nhưng mãi 21 năm sau khi ông mất mới dựng. Bia này đã chép khá tường tận quá trình tìm đất và xây dựng chùa Linh Xứng: “Nhân lúc rảnh việc triều chính, ông thầy của Thái hậu (tức phu nhân Ỷ Lan) là Trưởng lão Sùng Tín bỗng từ kinh sư đến quận này, mở mang giáo hóa, khơi thông mọi tập tục khác lạ, răn điều ác, chỉ điều thiện, khác nào một trận mưa ráo thấm nhuần cây cỏ, không ai là không hớn hở vui tươi.

Thế là Thái úy cùng Trưởng lão ngược dòng lên cửa Phấn Đại, dừng thuyền ở núi Long. Xem đá trắng mà ngọc châu lấp lánh, dòm thác nguồn mà xiêm áo lung linh. Do đó Thái úy khuyên dựng đoản đình ở ngay chân núi, xây tường lớn ở chốn non cao”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Binh sĩ NATO trong một cuộc tập trận tại Estonia.

Trung tâm mới của NATO

GD&TĐ - Bulgaria chuẩn bị xây dựng một khu phức hợp cơ sở vật chất để làm nơi đóng quân cho một lữ đoàn NATO đa quốc gia gồm 3.000 quân nhân.