Vị Thám hoa cải cách phép vua, lệ làng

GD&TĐ - Theo lệ cũ khi tân khoa vinh quy bái tổ, hàng tổng ngoài việc lo liệu lễ nghi đón rước, còn phải đóng góp vật lực, phục dịch làm nhà cho tân khoa.

Khi vinh quy bái tổ, Phạm Khiêm Ích đã miễn cho làng không phải phục dịch làm nhà theo lệ. Ảnh minh họa: INT.
Khi vinh quy bái tổ, Phạm Khiêm Ích đã miễn cho làng không phải phục dịch làm nhà theo lệ. Ảnh minh họa: INT.

Thế nhưng, có một vị đại khoa đã dũng cảm phá bỏ lệ này. Ông là Phạm Khiêm Ích (1679 - 1740) vốn tên là Nguyễn Khiêm Ích, hiệu là Kính Trai, người làng Kim Sơn (Gia Lâm - Hà Nội).

Đến vua Thanh cũng khen ngợi

Theo thần phả, làng Kim Sơn từ hơn ngàn năm trước là thực ấp của hai anh em Cao Điền và Cao Đô - những vị tướng có công giúp Đinh Tiên Hoàng dẹp loạn 12 sứ quân. Thời đó, Kim Sơn được gọi là trang viên Kim Sơn với “đất đai bằng phẳng, cây cối xanh tươi, nước không sâu mà mạch nguồn dồi dào, có thế như hổ chầu, rồng uốn khúc...”.

Như vậy, theo địa thế đây là một vùng quê có dân cư đông đúc từ lâu đời, cuộc sống phát triển gắn liền với sự phát triển của lịch sử dân tộc. Tên nôm của Kim Sơn là làng Then. Làng Then cùng với ba làng cổ khác là làng Keo (tên chữ là Giao Tất), làng Chè (tên chữ làng Giao Tự) và làng Vụi (tên chữ là Linh Quy) hợp thành làng cổ.

Người khai khoa ở Kim Sơn là Nguyễn Mậu Tài (1615 - 1688). Ông có chí lập thân từ bé nên vượt qua mọi khó khăn tìm những thầy giỏi xin được theo học. Năm Bính Tuất 1646 niên hiệu Phúc Thái, đời Lê Chân Tông, ông đỗ Tiến sĩ rồi làm quan trải qua nhiều chức vụ: Giám sát Ngự sử Hải Dương, Tham chính sứ Sơn Nam, Đốc đồng Sơn Tây, Hữu Thị lang bộ Hộ, Bồi tụng... Năm 1673, Nguyễn Mậu Tài được cử làm chánh sứ sang nhà Thanh. Năm 1675 về nước, ông được thăng Thượng thư bộ Hình, rồi Thượng thư bộ Binh...

Sách “Đại Nam nhất thống chí” có ghi: Nguyễn Mậu Tài làm quan trải nhiều chức trọng suốt 40 năm vẫn thanh khiết như kẻ hàn sĩ. Và điều ít người biết Nguyễn Mậu Tài chính là ông của Phạm Khiêm Ích. Phạm Khiêm Ích vốn tên là Nguyễn Khiêm Ích, được chồng của cô ruột là Hoàng giáp Phạm Công Thiện nuôi nấng nên ông đổi từ họ Nguyễn sang họ Phạm.

Khoa thi năm Canh Dần (1710) niên hiệu Vĩnh Thịnh đời vua Lê Dụ Tông, ông thi đỗ Giải nguyên rồi đỗ Thám hoa Đình nguyên. Theo văn bia đề danh Tiến sĩ khoa thi năm Vĩnh Thịnh thứ 6 (1710), dựng năm 1717 thì khoa thi đó không có các bậc Đệ nhất giáp Tiến sĩ đệ nhất, đệ nhị danh (tương đương Trạng nguyên, Bảng nhãn), nên Phạm Khiêm Ích xếp đầu trên danh sách.

Sau khi được bổ làm quan, ông được thăng dần lên làm Tả thị lang bộ Hình, rồi Hữu thị lang bộ Lại, tước Thuật Phương hầu, rồi vào phủ chúa Trịnh làm Bồi tụng.

Năm 1723, ông làm chánh sứ sang Trung Quốc mừng vua Ung Chính nhà Thanh vừa lên ngôi. Khi tới Bắc Kinh, ông cùng mọi người trong đoàn dâng lên 3 bài thơ chúc mừng, được vua Ung Chính khen hay và cho vào yết kiến trong điện Càn Thanh.

Trong số đó có bài “Nhật nguyệt hợp bích, ngũ tinh liên châu”, vua Ung Chính hỏi Thám hoa Phạm Khiêm Ích: “Khanh lấy đầu đề bài thơ đã hay rồi! Hãy thử bình lên ta nghe xem nào?”. Khiêm Ích bước lên bình thơ, dẫn trích các ý trong kiến thức thiên văn vũ trụ, khiến vua quan nhà Thanh trầm trồ về sự uyên bác. Vua Ung Chính khen ngợi: “Sứ thần nước Việt có tài văn chương, thật không hổ lãnh trách nhiệm hoàng hoa (đi sứ).

Sách “Lịch triều tạp ký” đánh giá: “Sứ đoàn tỏ rõ nước Nam là nước văn hiến có danh tiếng, được Bắc triều coi trọng”. Khi trở về, Phạm Khiêm Ích được phong làm Tả thị lang bộ Hộ, tước Thuật quận công; sau đó đổi sang làm Tả thị lang bộ Lại.

Chỉ ai đỗ Đình nguyên, Hội nguyên, Hương nguyên mới được vào dự thi khoa Đông các. Ảnh minh họa: INT.

Chỉ ai đỗ Đình nguyên, Hội nguyên, Hương nguyên mới được vào dự thi khoa Đông các. Ảnh minh họa: INT.

Bỏ lệ bắt dân phục dịch

Năm 1728, vua Lê Dụ Tông thân chinh ra đề thi khoa Đông các, Phạm Khiêm Ích dự thi, lại đỗ hạng nhất. Đây là kỳ thi đặc biệt, dành cho các quan hàm từ tam phẩm trở xuống, ai đã đỗ Đình nguyên, Hội nguyên, Hương nguyên mới được vào dự thi.

Ai không đỗ tam nguyên mà đỗ đầu về khoa có ngự đề tuyển cử, được đỗ đại khoa, cũng mới được thi khoa Đông các. Ân điển cho người thi đỗ Đông các có phần hậu hơn chế khoa Tiến sĩ, được ban áo mũ như Trạng nguyên.

Phạm Khiêm Ích đủ điều kiện tham gia khoa thi và làm bài “Đại hữu miên ca” (Năm được mùa to). Bài thi rất được khen ngợi, được chấm thứ nhất. Ông được phong kiêm chức Đại học sĩ Đông các.

Một số nguồn sử liệu đến nay vẫn còn ghi chép về bài thi này. Trong đó có đoạn: “…Tư chất bẩm sinh trung chính và mạnh như quẻ Kiền, vào lúc vận hội thanh bình như quẻ Thái. Điềm lành ứng vào năm được mùa! Trẻ hát vang ngõ, già vịnh ngâm đầy đường…

(Bậc bề trên) lại thể theo ý tốt, kính sợ mệnh trời mới sai làm bài ca về các công việc vừa làm. Lời ca rằng: Khó mà làm cho Trời tin mà Trời vẫn soi xét/ Vua chúa có đức tốt mới hợp với lòng Trời/Nên nhân chính ban ra khác nào:/ Vua Thuấn hoà đàn, vua Thang mở lưới/Đức tốt tiếng hay khắp nơi, như mưa tuôn, như mây chạy”.

Theo điển lệ thời Lê trung hưng, người đỗ khoa Đông các khi làm lễ vinh quy bái tổ thì cả tổng phải đến phục dịch, làm nhà tư thất ba gian bằng gỗ lim, lợp ngói. Ở một số thời kỳ, dân làng phải tùy theo học vị mà cắt dân phu đi đón rước vinh quy, đoàn ít nhất là 50 người, nhiều là vài trăm người để khiêng kiệu, lọng, bồi ngựa cho tân khoa, cùng cả bố mẹ và vợ tân khoa.

Bia 'Bảo Triện hậu thần' tại Bảo Triện, huyện Gia Định, xứ Kinh Bắc (nay là xã Đại Lai, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh).

Bia 'Bảo Triện hậu thần' tại Bảo Triện, huyện Gia Định, xứ Kinh Bắc (nay là xã Đại Lai, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh).

Làng cũng phải chuẩn bị lễ mừng gồm: Câu đối, trướng, lễ vật của hàng xã, hàng huyện, hàng tỉnh, không kể của bạn bè, thân thuộc. Đặc biệt, làng đó phải cắt đất làm nhà cho tân khoa. Ðịa điểm phải được tân khoa đồng ý hoặc do tân khoa chọn. Có người chưa đỗ đã đánh tiếng muốn chiếm chỗ này, tranh nhà người khác nên dân gian mới có câu “chưa đỗ ông Nghè đã đe hàng tổng”.

Danh sĩ Phạm Đình Hổ cũng từng ghi chép, rằng: Triều Lê đãi học trò rất hậu, nào là trâm, hốt, hoa bào, ban yến, lại phong cho cha mẹ, tập ấm cho con cháu, vinh quy áo gấm về làng, rất vinh dự. Hậu đãi như thế là đủ rồi.

Còn đến như làm nhà tư thất, phục dịch việc gì cũng đổ vào đầu dân cả, thì dân hàng tổng chịu làm sao được. Vả lại, người học trò mới đỗ đại khoa, mà cả hàng tổng đến phục dịch, làm nhà cửa cho mình, lại phải mở yến tiệc khao mừng, đãi dân hàng tổng để đền công lao, thế tất phải xoay xở đi vay mượn cho xong việc.

Khi Phạm Khiêm Ích đỗ khoa Đông các về vinh quy bái tổ, ông thương dân nghèo nên miễn lệ này. Người dân thấy vậy thì cảm kích lắm, coi đó là một cái ơn to.

Như vậy có thể thấy, Phạm Khiêm Ích không chỉ có lòng thương dân, vì dân mà ông còn thuộc hàng quan lại cấp tiến - biết cái khổ của dân để bài trừ đi tệ nạn, biết đặt dân lên trên để phụng sự.

Tể tướng vì dân

Các nguồn sử liệu cho biết, năm 1732 Phạm Khiêm Ích được bổ chức Tham tụng (Tể tướng). Năm 1736, ông dâng sớ “Thẩm tự nhất lãm” dẫn điều lợi hại can ngăn chúa Trịnh việc xây dựng nhiều cung điện làm khổ dân, được chúa Trịnh rất khen ngợi.

Ít lâu sau ông bị gièm pha và bị bãi chức, sau lại được chúa Trịnh xét công lao cũ nên cho làm Thượng thư bộ Lại. Năm 1938 đời vua Lê Ý Tông, ông bị bãi chức Tể tướng, sang năm sau thì phái đi làm Đốc phủ Thanh Hoá, sau được phong Thái tể.

Đến năm 1740 ông mất tại Thanh Hóa ở tuổi 62, được truy tặng chức Đại tư không, vua ban cho thụy là Thuần Đạo. Ông được truy phong Phúc thần của làng Bảo Triện, huyện Gia Định, Kinh Bắc (quê cha nuôi của ông, nay là thôn Phương Triện, xã Đại Lai, Gia Bình, Bắc Ninh).

Theo sách “Vũ trung tùy bút” của Phạm Đình Hổ, khi nhà Lê mất, hậu thần các làng thường bỏ không cúng tế nữa, duy có giỗ hậu Phạm Khiêm Ích thì làng vẫn lấy lợn thay trâu, bò cúng tế, không dám bỏ. Xem thế mới biết cái ơn để lại thì đời sau vẫn nhớ mãi không quên. Ngày nay, dân làng Bảo Triện vẫn tổ chức ngày giỗ hậu thần Phạm Khiêm Ích.

Văn bia đề danh Tiến sĩ khoa thi năm 1710 ghi Phạm Khiêm Ích đỗ Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ.

Văn bia đề danh Tiến sĩ khoa thi năm 1710 ghi Phạm Khiêm Ích đỗ Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ.

Ngoài vai trò là một quan đại thần liêm chính, Phạm Khiêm Ích còn mãi giữ tinh thần của một nhà khoa bảng lớn - một Thám hoa tài năng. Đương thời, người ta biết đến ông là một nhà thơ với tập thơ nổi tiếng “Kính Trai thi tập”. “Lịch triều hiến chương loại chí” và dành những lời khen ngợi tài năng, đức độ của ông.

Đời sau đánh giá văn chương đức hạnh của ông làm khuôn phép cho thời bấy giờ. Khi đi sứ Yên Kinh, ông làm cho quốc thể thêm long trọng, người ta ví ông như Phùng Khắc Khoan đi sứ sang nhà Minh thời nhà Lê vừa giành lại Thăng Long.

Theo Viện Nghiên cứu Hán Nôm, khi tiến hành nghiên cứu văn bia vùng Kinh Bắc thời Lê, giới nghiên cứu đã gặp rất nhiều bia do các cây bút đại khoa soạn. Trong đó đặc biệt có Phạm Khiêm Ích soạn 7 bia cho các làng, xã khác nhau, như: Soạn cho xã Phù Ninh huyện Đông Ngàn 2 bia vào năm Long Đức 3, soạn cho xã Cự Linh huyện Gia Lâm 1 bia vào năm Vĩnh Hựu 4, soạn cho xã Bảo Triện huyện Gia Định 1 bia vào năm Long Đức 3, soạn cho xã Nhân Hữu và xã Đức Thắng (Hiệp Hòa) mỗi xã 1 bia vào các năm Vĩnh Thịnh 3, Vĩnh Khánh 1.

Đình – nghè Kim Sơn (Gia Lâm – Hà Nội).

Đình – nghè Kim Sơn (Gia Lâm – Hà Nội).

“Văn chương đức hạnh của ông làm khuôn phép cho thời bấy giờ. Khi đi sứ Yên Kinh ông làm cho quốc thể thêm long trọng. Người ta ví ông như Phùng Khắc Khoan. Lúc ông cầm quyền chỉ chuộng khoan thứ rộng rãi. Về già, ông bị bọn tiểu nhân gièm pha, không thi thố hết được sở năng, trong triều ngoài nội đều tiếc” - Phan Huy Chú (Lịch triều hiến chương loại chí).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ